Lý do Trung Quốc 'chịu thiệt', để mặc Nga rút khỏi thỏa thuận Biển Đen
Theo sáng kiến đưa ra tháng 7 năm ngoái, Moscow đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa để cho phép khoảng 32,9 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, bao gồm lúa mì, lúa mạch và ngô được xuất khẩu ra toàn cầu.
Trung Quốc có khả năng bị tổn hại về kinh tế do sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có vẻ hài lòng với việc không gây sức ép buộc Nga quay trở lại thỏa thuận - vốn cho phép cả Nga và Ukraine vận chuyển nông sản ra toàn thế giới bất chấp chiến tranh.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là bên nhận phần lớn nhất các mặt hàng xuất khẩu này theo sáng kiến này, chiếm 7,9 triệu tấn, tương đương gần 1/4 lô hàng của Ukraine. Bắc Kinh đã nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn ngô, 1,8 triệu tấn bột hạt hướng dương, 370.000 tấn dầu hướng dương và 340.000 tấn lúa mạch.
Willy Wo-Lap Lam, thành viên cao cấp tại Quỹ Jamestown, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Washington, cho biết mặc dù Trung Quốc bị ảnh hưởng khi thỏa thuận ngũ cốc sụp đổ, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như quyết tâm ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là trước sự cạnh tranh ngày càng tăng của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với Bắc Kinh.
“Dù Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc [từ Ukraine], nhưng họ coi trọng các cân nhắc về địa chính trị và an ninh quốc gia hơn,” Lam nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông Tập đã ưu tiên những cân nhắc này hơn các mối quan tâm kinh tế trong 5 đến 6 năm qua.
Theo vị chuyên gia, các mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với ông Tập là sự mở rộng về phía Đông của NATO, tăng cường hợp tác quốc phòng của Mỹ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Ông Tập hy vọng sẽ xây dựng một liên minh gồm Nga, Iran, Pakistan, để chống lại ảnh hưởng của Mỹ, chuyên gia này nhận định. "Từ quan điểm của Tập Cận Bình, nếu ảnh hưởng của Nga bị xóa sổ khỏi bản đồ, hay Nga bị suy yếu thêm bởi cục diện tại Ukraine, Trung Quốc sẽ mất đồng minh lớn trong cuộc tranh chấp địa chính trị với phương Tây."
Nikkei Asia dẫn nguồn tin một quan chức Ukraine cho rằng Trung Quốc đã không chọn thuyết phục Moscow duy trì sáng kiến này.
“Mặc dù Trung Quốc là một trong những bên hưởng lợi chính từ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng Bắc Kinh đã chọn cách đứng yên và không can dự vào việc thúc đẩy Nga tiếp tục thỏa thuận,” nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết.
Quan chức này cho biết Trung Quốc thích giữ nguyên tình trạng hiện tại, vì điều này khiến Moscow phụ thuộc vào Bắc Kinh và đảm bảo khả năng tiếp cận dầu giá rẻ của Nga.
Geng Shuang, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc ngày 22/7 kêu gọi tất cả các bên liên quan cố gắng đạt được "giải pháp cân bằng cho các mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên" và nối lại xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga và Ukraine. "... đặc biệt bằng cách làm việc với các cơ quan liên quan của Liên Hợp quốc để tăng cường đối thoại và tham vấn."
Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie của Nga, tin rằng Trung Quốc quan tâm đến việc khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nhưng rất có thể Bắc Kinh hiểu rằng Nga không quan tâm đến việc quay trở lại vào thời điểm này.
Sáng kiến này là cứu cánh để Ukraine xuất khẩu hàng hóa và kiếm doanh thu. Ông Gabuev cho rằng, bằng cách rút khỏi thỏa thuận, Nga đang siết chặt các nguồn thu nhập của Ukraine. Ông tin rằng Trung Quốc quan tâm đến việc trở thành một nhà trung gian hòa bình trong cuộc xung đột, nhưng các cuộc đàm phán đó chỉ có thể dẫn tới lệnh ngừng bắn hơn là giải quyết xung đột.
"Và Bắc Kinh sẽ nhận được tất cả những lợi ích từ việc giảm giá hàng hóa của Nga và tiếp cận ưu đãi vào thị trường Nga."