Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới nhất của Trung Quốc là Chengdu J-20, sẽ được sản xuất hàng loạt và sử dụng động cơ nội địa Thái Hằng WS-10, do nước này phát triển và sản xuất.
Mặc dù trước đó Trung Quốc đã thông báo rằng, những máy bay chiến đấu J-20 sản xuất loạt của họ, sẽ được trang bị siêu động cơ vector lực đẩy AL-31F của Nga.
Theo báo chí Trung Quốc, Không quân nước này hiện “không thích” chất lượng của các động cơ máy bay chiến đấu do Nga sản xuất và họ đã quyết định từ chối sử dụng chúng trên mẫu chiến đấu cơ tàng hình J-20A, sản xuất loạt mới nhất của nước này.
Theo thông tin từ tờ Hoàn Cầu cho biết: “Động cơ WS-10 có tổng lực đẩy khi sử dụng buồng đốt sau lên tới 132 kN và khi không sử dụng chế độ đốt sau là 171 kN.
Động cơ AL-31FN có khiếm khuyết về mức tiêu thụ nhiên liệu và thiết kế trục. Tai nạn với máy bay chiến đấu J-10 đời đầu của Trung Quốc là do rò rỉ dầu và mất khả năng bôi trơn trong hệ thống trục động cơ AL-31FN.
Mức tiêu thụ nhiên liệu của động cơ AL-31FN là 0,75 (Kg/h)/kgf và 1,92 (Kg/h)/kgf đốt sau; trong khi đó mức tiêu thụ nhiên liệu của động cơ WS-10 giảm xuống 0,67 (Kg/h)/kgf); lực đẩy tối đa của nó đạt 13,2 tấn, so với động cơ AL-31FN có lực đẩy tối đa 12,8 tấn và hiệu suất tổng thể “đáng tin cậy hơn”.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 ban đầu được trang bị động cơ AL-31FM2 của Nga, đây cũng là một phiên bản cải tiến của AL-31F. Do đó, lực đẩy tối đa được nâng lên 13,5 tấn và được xếp loại là một trong 9 động cơ máy bay chiến đấu phản lực mạnh nhất thế giới.
Với việc phát triển thành công động cơ WS-10C, giúp Trung Quốc tự chủ hoàn toàn và thay thế động cơ của Nga trên tiêm kích tàng hình J-20; như vậy đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc không còn dựa vào động cơ của Nga”; hết lời dẫn.
Tuyên bố bất ngờ của Trung Quốc về “độ tin cậy thấp” của động cơ máy bay Nga là khá bất ngờ; đặc biệt là trong bối cảnh trước đó, Trung Quốc không thông báo về các vụ máy bay của họ bị tai nạn, là do nguyên nhân từ động cơ Nga.
Các chuyên gia không loại trừ rằng, thông tin về vấn đề này có thể được công bố để làm mất uy tín của động cơ Nga và thúc đẩy động cơ sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng hiện tại, giới chuyên gia vẫn nghi ngờ về độ tin cậy của động cơ do Trung Quốc sản xuất.
Còn loại chiến đấu cơ hạng nhẹ Su-75 Checkmate của Nga, mặc dù đã chuẩn bị cho các hoạt động thử nghiệm, nhưng hiện tại có nhiều bằng chứng cho thấy, dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ 5 có thể không được sản xuất hàng loạt.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân của việc này là do thất bại tại triển lãm ở UAE, vì không quốc gia nào quan tâm đến việc mua loại máy bay chiến đấu này; ngay cả trong số những khách hàng, được phía Nga đánh giá là những người mua tiềm năng thực tế.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng Mỹ và các nước phương Tây đang theo đuổi chính sách phá hoại chương trình chế tạo tiêm kích Su-75 của Nga, do loại máy bay chiến đấu này vốn được thiết kế chủ yếu để xuất khẩu.
Truyền thông Nga đưa tin: “Trước thương vụ Rafale, nhiều nguồn tin dự đoán rằng, UAE sẽ không mua thêm máy bay chiến đấu thế hệ 4 không có khả năng tàng hình và F-35 và Su-75 Checkmate là hai ứng cử viên tiềm năng nhất của nước này.
UAE từ lâu đã tỏ ra rất quan tâm đến các máy bay chiến đấu của Nga. Trong những năm 1990, nước này gần như đặt mua máy bay chiến đấu Su-27M/ Su-35, cho đến khi Pháp và phương Tây buộc họ phải lựa chọn máy bay chiến đấu Mirage 2000, với tính năng kỹ chiến thuật kém hơn.
Tuy nhiên với việc mua số lượng lớn máy bay Rafale, hiện nay trong Không quân UAE, sẽ có rất ít cơ hội dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-75 của Nga.
Quyết định mua Rafale, một máy bay chiến đấu có thiết kế cũ hơn và kém hiệu quả hơn về mọi mặt so với Su-75 Checkmate và F-35, đã làm dấy lên tin đồn rằng, thương vụ này có thể là một phần của nỗ lực phá hoại ngành công nghiệp quốc phòng Nga”; hết lời dẫn.
Mặt khác, các nhà phân tích của Nga nhấn mạnh rằng, trước khi chiếc Su-75 Checkmate của Nga được chế tạo và thực hiện chuyến bay đầu tiên, khả năng ký được hợp đồng là rất ít; ngay cả khi giá thành của loại máy bay chiến đấu này rất thấp. Nguồn ảnh:Pinterest.
Tiến Minh