Lý do Ukraine rất muốn có UAV Reaper của Mỹ vào lúc này
Với việc đã có tên lửa ATACMS biến thể tầm bắn 300 km, Ukraine cho rằng việc kết hợp nó với một máy bay không người lái đáng tin cậy như Reaper là cách tốt nhất để đảo ngược lợi thế của Nga trên chiến trường.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper có thể là vũ khí quan trọng giúp Ukraine đảo ngược nhiều lợi thế chiến thuật mà Nga đang có trên chiến trường. Đây cũng là lý do Kiev gia tăng sức ép lên Mỹ trong việc viện trợ nền tảng có khả năng trinh sát tầm xa và hoạt động ở độ cao lớn sâu trong tuyến phòng thủ của Nga.
Nga đã phá hủy nhiều vũ khí phương Tây gửi tới Ukraine, bao gồm xe tăng Leopard, xe tăng Abrams, Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), máy bay không người lái TB-2 Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow/SCALP-EG.
Ngay cả những chiếc F-16 chuẩn bị chuyển cho Ukraine cũng được các quan chức Kiev và các chuyên gia Mỹ đánh giá là “không thực sự làm thay đổi cuộc chơi”. Nhưng Reaper lại là một yếu tố khác, mặc dù dễ bị tác động bởi hệ thống phòng không của Nga, nhưng nó phù hợp hơn với tác chiến trên bộ, chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát lãnh thổ.
Loại vũ khí đứng đầu “danh sách mong muốn”
Theo Politico, Ukraine “ngày càng quan tâm đến việc có UAV MQ-9 Reapers của Mỹ và đưa nó lên đầu danh sách mong muốn”. Điều này diễn ra trong bối cảnh Kiev có kế hoạch thực hiện các “chiến dịch mùa hè” mới, trong đó lực lượng Ukraine “tìm kiếm những cách thức mới để giúp xác định các mục tiêu của Nga ở sâu phía sau chiến tuyến”.
Theo 4 nguồn tin, Ukraine muốn có UAV Reaper từ những ngày đầu của cuộc xung đột để thực hiện các nhiệm vụ tấn công và giám sát. Gần đây, Ukraine lại đưa ra yêu cầu này và chủ yếu quan tâm đến việc sử dụng UAV Reaper để trinh sát.
Điều này cho thấy Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) sẽ sử dụng UAV Reaper mà không mang theo tên lửa Hellfire, Paveway hay các loại bom.
Rất có thể, các nhà lập kế hoạch của AFU cũng không mong muốn Mỹ sẽ huấn luyện lực lượng Ukraine vận hành Reaper mà sẽ hoan nghênh các nhóm điều khiển UAV của Mỹ vận hành UAV từ lãnh thổ Ukraine. AFU nhận thức được quá trình làm quen và thành thạo với công nghệ và chiến thuật điều khiển UAV tinh vi như MQ-9 Reaper sẽ mất nhiều thời gian.
Các chuyên gia của Mỹ và NATO được cho là đã có mặt ở Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu bùng phát, dù không chính thức. Công việc của họ là phân tích dữ liệu từ các nền tảng giám sát như MQ-4B Global Hawk, E-3 Sentry AWACS và máy bay tình báo điện tử RC-135 Rivet (ELINT).
Không rõ Mỹ sẽ chuyển UAV Reaper cho Ukraine từ kho vũ khí của nước này nếu được phê chuẩn hay sử dụng những chiếc đã tuần tra ở Biển Đen.
Những chiếc Reaper này có thể hoạt động từ Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức.
UAV Reaper giúp ích gì cho Ukraine?
Với việc hiện đã có tên lửa ATACMS biến thể tầm bắn 300 km, Ukraine cho rằng việc kết hợp nó với một máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) đáng tin cậy là cách tốt nhất để đạt được một số lợi thế trong tác chiến pháo binh quy mô lớn và tác chiến lấy hệ thống mặt đất làm trung tâm.
Lợi thế về pháo binh của Nga được phát huy tối đa nhờ tổ hợp trinh sát-tấn công mạnh mẽ. Các máy bay không người lái như Sirius cỡ lớn và Orlan cỡ nhỏ được kết nối mạng khá tốt, giúp cảnh báo cho lực lượng Nga về bất kỳ cơ hội tấn công nào ở phía sau hoặc gần tiền tuyến.
Vụ phá hủy 3 trực thăng Ukraine đang đậu trên mặt đất trước đòn tấn công của pháo binh Nga hồi giữa tháng 3 là kết quả của “chuỗi phối hợp tiêu diệt” như vậy.
MQ-9 Reaper, với khả năng hoạt động liên tục gần 25 giờ, hệ thống quan sát quang điện đa chế độ và công nghệ liên lạc tinh vi, có thể phối hợp với các phương tiện trên mặt đất và trên không, theo dõi các chuyển động của Nga từ độ cao và khoảng cách an toàn. Một tính năng nổi bật là Hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ quang điện-B (MTS-B) của Raytheon Technologies cung cấp thông tin tình báo, nhắm mục tiêu và theo dõi theo thời gian thực.
Giám sát quang học có thể đóng vai trò là dữ liệu cho các đơn vị tên lửa, thậm chí có thể hướng dẫn và điều chỉnh hướng đi khi tên lửa đang bay. UAV Reaper thường bay qua phía Nam Biển Đen, nhằm mục đích thu thập tín hiệu radar và vị trí của các tàu chiến Hạm đội Biển Đen (BSF) của Nga trước các cuộc tấn công bằng tàu không người lái cảm tử kamikaze của Ukraine cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa Storm Shadow do Kiev tiến hành.
Ukraine “để mắt” đến UAV Reaper từ năm 2022 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 cùng năm. Về nguyên tắc, Lầu Năm Góc đã đồng ý chuyển giao các máy bay MQ-9 Reapers cũ hơn của Không quân Mỹ (USAF) và một số máy bay MQ-1C Grey Eagle của Lục quân đội Mỹ mà hai quân chủng này dự định loại biên. Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ đã không phê duyệt do lo ngại chúng sẽ bị bắn hạ và rơi vào tay Nga.
Lo ngại đó không phải là không có cơ sở. Hồi tháng 3/2023, một tiêm kích Su-27 của Nga đã khiến một chiếc UAV Reaper rơi xuống Biển Đen. Các báo cáo sau đó từ Nga nói rằng Moscow đã thu hồi được chiếc UAV để tìm hiểu công nghệ cảm biến quang học, điện tử và truyền thông vệ tinh hàng đầu của Mỹ.
Lựa chọn của Nga
Trong vùng chiến sự, Nga có thể bắn hạ UAV Reaper bằng tên lửa phòng không, đặc biệt là S-300. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là S-300 sẽ bị lộ vị trí, cho phép người điều khiển UAV kamikaze, các đội vận hành HIMARS hoặc ATACMS của Ukraine nhanh chóng nhắm mục tiêu vào bệ phóng tên lửa của Nga khi UAV Reaper gửi lại dữ liệu tình báo điện tử.
Do đó, Reaper sẽ được sử dụng rất hạn chế, chỉ dành cho hoạt động có sự phối hợp cao khi Ukraine nắm được mục tiêu giá trị cao ở hậu phương của Nga hoặc ở Crimea.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, Ukraine không thể nhanh chóng thay thế UAV Reaper sau khi bị mất và Mỹ cũng không thể sản xuất nó. Hơn nữa, không giống như cuộc chiến ở Biển Đen hay cuộc chiến của Mỹ với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, Nga sẽ không rơi vào tình trạng chênh lệch giữa chi phí và lợi ích. Một tên lửa S-300 trị giá 2 triệu USD rẻ hơn nhiều so với UAV MQ-9 di chuyển chậm trị có giá tới 32 triệu USD.