Lý do Việt Nam cứ tắc đường là thấy toàn xe máy
Số liệu từ báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy lượng xe máy cá nhân tại Việt Nam hiện cao gấp 11 lần phương tiện xe 4 bánh.
Tình trạng kẹt xe, tắc đường thường xuyên diễn ra trong những ngày gần đây tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, một phần do nhu cầu mua sắm, di chuyển tăng cao vào những ngày giáp Tết.
Khung cảnh thường thấy tại các đô thị này vào giờ cao điểm là lượng phương tiện cá nhân rất đông, với phần lớn trong số đó là xe 2 bánh.
Sau giai đoạn 2016-2019 khá bùng nổ với hơn 3 triệu chiếc bán ra mỗi năm, thị trường xe máy Việt từng rơi vào trầm lắng trong thời gian khá dài.
Doanh số ôtô cũng tăng trưởng tương đối tốt trong cùng khoảng thời gian, nhưng tỷ lệ hộ gia đình sở hữu phương tiện 4 bánh tại Việt Nam vẫn chưa thể sánh bằng xe 2 bánh.
Gần như mỗi nhà đều có xe 2 bánh
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố, đa số hộ gia đình sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có động cơ - bao gồm môtô, xe gắn máy và ôtô - cho mục đích sinh hoạt của hộ.
Tỷ lệ hộ gia đình sở hữu môtô, xe gắn máy là 89,4%, tức gần như mỗi gia đình tại Việt Nam đều có ít nhất một phương tiện xe 2 bánh.
Báo cáo này cũng cho biết có 9% hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng ôtô, tương đương 10 hộ gia đình chỉ có chưa đến một hộ sở hữu phương tiện 4 bánh. Tỷ lệ này chưa quá cao, nhưng đã cải thiện đến 3,3 điểm phần trăm so với mức 5,7% từng ghi nhận vào năm 2019.
Tổng cục Thống kê cho biết tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 28,1 triệu hộ dân cư. Kết hợp với tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân nói trên, số lượng xe máy lưu hành tại Việt Nam đạt ít nhất 25,1 triệu chiếc, còn số lượng ôtô rơi vào khoảng 2,2 triệu xe.
Như vậy, các số liệu do Tổng cục Thống kê cung cấp cho thấy tương quan về số lượng giữa xe máy với ôtô tại Việt Nam đang có sự mất cân bằng khá lớn.
Cụ thể, lượng xe máy đang lưu hành trên đường phố Việt Nam đang nhiều gấp 11 lần số lượng ôtô.
Con số này có thể chưa phản ánh chính xác thực trạng giao thông Việt Nam, nhưng là cơ sở để hình dung mức độ phổ biến của xe máy ở nước ta.
Nhiều khả năng, sự mất cân bằng này cũng là lý do khiến mỗi khi kẹt xe hay tắc đường, xe máy lại góp mặt với số lượng áp đảo các phương tiện xe 4 bánh khác.
Thị trường xe máy lớn thứ tư thế giới
Dữ liệu từ Motorcycles Data - trang tin chuyên thu thập doanh số xe 2 bánh từ nhiều thị trường khác nhau trên thế giới - cho biết lượng tiêu thụ môtô, xe gắn máy tại Việt Nam tính đến hết tháng 10/2024 đạt 2,35 triệu chiếc, tăng 1,9% so với năm ngoái.
Sức mua nói trên cũng đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy lớn thứ tư thế giới, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.
Còn dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) chia sẻ cho thấy trong cả năm 2024, tổng doanh số tại Việt Nam của 5 thành viên hiệp hội là 2,563 triệu chiếc.
Số liệu này tương đương mỗi giờ trôi qua trong năm 2024, người Việt lại mua mới hơn 302 xe máy của các công ty gồm Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Việt Nam Suzuki, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam.
So với doanh số xe máy trong năm 2022 do VAMM cung cấp, lượng tiêu thụ xe 2 bánh tại Việt Nam đã tăng 5,46% nhưng vẫn chưa thể tìm lại mốc 3 triệu chiếc/năm như giai đoạn 2016-2019, hay từng đạt được hồi năm 2022.
Bên cạnh các thành viên VAMM, thị trường xe 2 bánh Việt Nam còn có sự hiện diện của nhóm thương hiệu môtô phân khối lớn như Kawasaki, KTM, Ducati, Harley-Davidson, Royal Enfield... hay những hãng xe điện gồm VinFast, Pega, Dat Bike và Yadea.
Chưa thể sớm phổ cập ôtô
Thị trường ôtô Việt Nam từng tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2020-2022 với đỉnh doanh số hơn 404.000 xe xác lập vào năm 2022.
Tuy nhiên, doanh số ôtô tại nước ta theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã sụt khá giảm mạnh về mốc 301.989 xe trong năm 2023, trước khi nhích nhẹ lên 340.142 xe vào năm ngoái.
Sự thiếu ổn định nói trên khiến Việt Nam khó có thể trở thành điểm nóng của thị trường ôtô khu vực Đông Nam Á.
Số liệu của Hiệp hội sản xuất Ôtô Đông Nam Á (AAF) thu thập tính đến hết tháng 9/2024 cho thấy Việt Nam vẫn còn cách khá xa các nước trong khu vực nếu xét về sức mua ôtô.
Với 225.583 xe bán ra tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á tiêu thụ ôtô nhiều thứ năm theo nguồn dữ liệu của AAF.
Indonesia dẫn đầu với 633.218 ôtô các loại đến tay khách hàng trong 9 tháng đầu năm ngoái. Malaysia đang là quốc gia tiêu thụ ôtô nhiều thứ hai khu vực với 594.037 xe, trong khi sức mua ôtô tại Thái Lan sụt giảm hơn 25% về mức 438.303 xe.
Đứng ngay trên Việt Nam, Philippines là quốc gia tiêu thụ ôtô nhiều thứ tư Đông Nam Á tính đến hết tháng 9/2024. Người dân đảo quốc này đã mua tổng cộng 344.307 ôtô các loại, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều khả năng trong tương lai, thị trường xe 4 bánh tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi sức tiêu thụ mạnh mẽ các phương tiện chạy điện. Năm ngoái, VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam với doanh số hơn 87.000 xe. VF 5 đóng góp hơn 32.000 xe, trở thành ôtô bán chạy nhất trong năm 2024.
Bên cạnh đó, độ phổ biến của những mẫu xe gầm cao như MPV cỡ nhỏ, SUV cỡ C hay bán tải vẫn tiếp tục đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thị trường xe Việt.
Có thể thấy trong tương lai gần, xe máy vẫn là phương tiện giao thông cá nhân áp đảo tại Việt Nam, và sẽ có xu hướng chuyển đổi dần sang xe máy điện và ôtô, đặc biệt là ôtô điện cỡ nhỏ. Hạ tầng giao thông cùng văn hóa giao thông khiến cho việc phổ cập ôtô không phải là chuyện dễ dàng, khi việc tăng mạnh số lượng ôtô có thể khiến tình hình giao thông trở nên nghiêm trọng hơn.