Lý do xe thể thao nội địa Nhật ngày càng sa sút
Từng làm mưa làm gió trong những năm thập niên 90, tới nay dòng xe thể thao nội địa Nhật Bản ngày càng thiếu sức hút đối với người tiêu dùng.
Có thể nói, thập niên 90 là thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất xe hơi thể thao Nhật Bản. Những siêu phẩm như Nissan GT-R, Toyota Supra, Honda NSX…liên tục được ra mắt làm nức lòng người hâm mộ. Các mẫu xe này là lựa chọn hàng đầu cho những khách hàng yêu thích xe hơi thể thao bởi mức giá phải chăng nhưng hiệu suất không hề thua kém so với những đối thủ đến từ châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, qua thời gian xe thể thao nội địa Nhật Bản đã không còn giữ được phong độ và ngày càng trở nên mờ nhạt với nhiều nhược điểm.
Âm thanh không ấn tượng
Vấn đề nghiêm trọng đầu tiên những chiếc xe thể thao Nhật Bản ngày nay gặp phải đó là tiếng động cơ, ống xả hết sức nhàm chán. Nhiều hãng xe cùng dùng chung loại động cơ dung tích 2 lít, 4 xi-lanh nên tạo ra âm thanh giống hệt nhau, thiếu đi tính độc đáo cá nhân. Chỉ có một vài mẫu xe có âm thanh ấn tượng nhưng lại đi kèm cùng mức giá bán quá đắt.
So với những chiếc xe thể thao Nhật Bản trong quá khứ thì các mẫu xe hiện đại thua kém quá xa.
Thiếu bản sắc
Ngày nay, việc các hãng ô tô mua lại công nghệ, chia sẻ nền tảng sản xuất là chuyện hết sức bình thường. Ưu điểm của công nghệ sản xuất kiểu mới đã giúp hạ giá thành sản phẩm. Giúp cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận với phương tiện ô tô dễ dàng hơn trước.
Tuy nhiên, điều này cũng làm các hãng xe hơi “lười nhác” hơn, thiếu tập trung vào đầu tư chế tạo các sản phẩm mang bản sắc của riêng mình. Và các hãng sản xuất xe thể thao Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ, những chiếc xe họ làm ra không còn nhiều sự khác biệt so với các sản phẩm từ châu Âu, Mỹ.
Đơn cử mẫu Toyota Supra A80 trong quá khứ từng được mệnh danh là “sát thủ siêu xe” (Supercar killer) nhưng mẫu A90 thế hệ mới lại không có gì nổi bật cả về kiểu dáng lẫn hiệu suất.
Người hâm mộ còn nhanh chóng nhận ra Toyota Supra A90 có nhiều điểm tương đồng với BMW Z4. Hai mẫu xe này được sử dụng chung loại động cơ, hình dáng cũng có nhiều nét giống nhau.
Đây hoàn toàn không phải là một chiếc Supra được nghiên cứu, phát triển mới như Toyota hứa hẹn. Chính điều này đã làm các fan hâm mộ nhanh chóng nguội lạnh với mẫu xe này.
Vật liệu nhựa rẻ tiền
Vì chi phí sản xuất rẻ, dễ dàng thay thế, các hãng ô tô thể thao Nhật Bản đang lạm dụng chất liệu nhựa plastic để chế tạo phần nội thất xe.
Dĩ nhiên điều này khiến tổng thể chiếc xe kém sang hơn rất nhiều, chưa kể nhựa plastic cũng không phải là một vật liệu có độ bền tốt.
Giá đắt
Theo một số chuyên gia nhận định, xe hơi thể thao Nhật Bản đang được các nhà sản xuất định giá quá cao.
Nếu như trước kia người tiêu dùng chọn xe thể thao Nhật Bản vì giá cả phải chăng thì ngày nay lợi thế đó đã không còn. Một chiếc Toyota Supra A90 đang có giá trên 50.000 USD, còn chiếc Nissan GTR được bán với giá khởi điểm trên 110.000 USD tại thị trường Mỹ. Thậm chí phiên bản GTR Nismo còn được bán với giá 210.000 USD.
Ít phiên bản số sàn
Sử dụng hộp số sàn là một trải nghiệm thú vị khi điều khiển những chiếc xe thể thao. Nó giúp cho người lái hoàn toàn làm chủ chiếc xe, chủ động trong mọi tình huống.
Đáng tiếc là theo xu thế, hộp số sàn đang dần biến mất trên dòng xe thể thao Nhật Bản, chỉ còn một số ít mẫu xe còn giữ lại được tính năng này.
Tốc độ thấp
Có thể nói tốc độ thấp đang là nhược điểm lớn nhất của dòng xe thể thao nội địa Nhật Bản.
Nếu như những chiếc xe thể thao như Mazda MX-5, Subaru BRZ có hiệu suất thấp thì chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi chúng chỉ có giá bán ngang với các mẫu xe bình thường khác.
Tuy nhiên, không phải mẫu xe nào cũng được như Mazda MX-5, nhiều xe thể thao Nhật Bản khác đang bị đánh giá có hiệu suất yếu hơn so với các đối thủ trong tầm giá.
Ngân Vũ (theo Hotcars)
Tin bài cộng tác xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!