Lý do xuất khẩu rau quả Việt Nam sụt giảm
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong tháng đầu tiên của năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã bất ngờ sụt giảm tới 11,3% so với tháng trước, do nhiều nước đã siết chặt kiểm định về chất lượng hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) thông tin, trong tháng 1, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 11,3% với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 529 triệu USD) và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024 (tháng 1/2024 đạt 490 triệu USD).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 1 đạt 285 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng trước (tháng 12/2024 đạt 304 triệu USD) và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2024 đạt 216 triệu USD). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tăng nhập hàng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Vinafruit cho biết, xuất khẩu đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với sầu riêng - mặt hàng chủ lực. Nguyên nhân chính được cho là do Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng với chất vàng O và cadimi trên sầu riêng, dẫn đến tình trạng loại trái tỷ đô này ùn ứ ở kho và cửa khẩu, nhiều lô hàng phải bán với giá giải cứu trên thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Vinafruit, trước tình hình đó, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm việc với giới chức Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu sầu riêng.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh sách 9 phòng kiểm nghiệm được Việt Nam và Trung Quốc công nhận đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận. Đây là cơ sở để sầu riêng Việt Nam tiếp tục xâm nhập thị trường “tỷ dân” này.
Không chỉ Trung Quốc, trong năm nay, nhiều thị trường khác cũng nâng tiêu chuẩn nhập khẩu. Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên một số loại trái cây từ 10% lên 20%.
Ông Nguyên nhận định, nếu những rào cản về kiểm định không sớm được tháo gỡ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay sẽ khó đạt được.
Để duy trì tăng trưởng và đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, ông Nguyên cho rằng, người sản xuất và doanh nghiệp cần tuân thủ quy định kiểm định mới, thắt chặt liên kết thu mua để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hàng chế biến cần được đầu tư về mẫu mã và phù hợp tiêu chuẩn nước nhập khẩu.
Dự báo trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ ít sau Tết Nguyên đán khiến rau quả tiêu thụ chậm hơn và giá thành cũng sẽ giảm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 2 đạt khoảng 300-350 triệu USD.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023. Trong đó, sầu riêng là mặt hàng chủ lực khi chiếm gần 50% tổng kim ngạch rau quả, đạt trên 3,3 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2023. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam đứng thứ hai trong xuất khẩu rau quả sang đất nước tỷ dân này với kim ngạch hơn 4 tỷ USD.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-xuat-khau-rau-qua-viet-nam-sut-giam-post1713918.tpo