Lý do xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào năm 2025

Cuộc xung đột vũ trang khốc liệt giữa Nga và Ukraine có khả năng sẽ kết thúc vào năm 2025 vì một số lý do. Theo đó, năm 2025 sẽ là năm của đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Hiện cả Nga và Ukraine đều đã ít nhiều cạn kiệt binh sĩ. Việc gọi thêm lính nghĩa vụ ra tiền tuyến không phải là điều dễ dàng với cả hai. Trong bối cảnh ấy, cả hai sẽ có xu hướng đi tới bàn đàm phán hòa bình.

Quốc kỳ Nga và Ukraine. Đồ họa: The Atlantic.

Quốc kỳ Nga và Ukraine. Đồ họa: The Atlantic.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ 2024 càng đẩy nhanh tiến trình hòa đàm này. Trong quá trình tranh cử, ông Trump hứa hẹn chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhiều người tin rằng đây là cách nói cường điệu của ông Trump. Nhưng rõ ràng ông Trump đang muốn khởi động sớm các cuộc đàm phán hòa bình.

Tình hình trên chiến trường hiện đang bất lợi cho phía Ukraine. Quân Nga đang tiến mạnh ở miền Đông Ukraine. Phía Nga cũng đã giành lại một bộ phận lãnh thổ mà phía Ukraine chiếm được tại tỉnh Kursk vào mùa hè 2024. Ukraine vẫn còn vũ khí nhưng binh sĩ của họ bị căng rất mỏng. Các cơ quan tình báo cho rằng Ukraine sẽ mau chóng hết quân.

Khả năng duy trì sức chiến đấu của Ukraine

Giới chức Ukraine khẳng định rằng họ sẵn lòng tiếp tục chiến đấu. Nhưng các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ lưỡng lự khi phải thông qua thêm viện trợ cho Ukraine. Kiev hiểu rõ rằng nếu thiếu thêm đáng kể viện trợ thì nỗ lực chiến đấu của Ukraine sẽ phải chấm dứt sớm.

Liệu Liên minh châu Âu có đủ ý chí chính trị và sức mạnh công nghiệp quốc phòng để thay thế Mỹ viện trợ cho Ukraine?

Tại một hội nghị thượng đỉnh NATO trước bầu cử Mỹ, các đồng minh trong khối này xây dựng kế hoạch để thu hút sự ủng hộ hậu cần cho Ukraine mà không cần đến ông Trump.

Tuy nhiên, chính các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nghi ngờ khả năng của EU trong đẩy mạnh cung cấp hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

Sức mạnh kinh tế của đồng đô la Mỹ (USD) cho phép Washington chịu thâm hụt ngân sách mức độ cao để thanh toán cho quốc phòng. Đó là điều mà châu Âu không thể làm được. Một khi Mỹ rút khỏi cuộc chơi này, châu Âu cũng khó tích đủ đạn ở mức độ duy trì sức chiến đấu của Ukraine trên các mặt trận.

Keir Giles - chuyên giá Á - Âu tại Viện Chatham (trụ sở ở London, Anh), cho biết việc gói viện trợ quân sự 60,4 tỷ USD cho Ukraine bị trì hoãn trong 6 tháng tại Quốc hội Mỹ đã làm tổn hại năng lực phòng thủ của Ukraine, đẩy nước này vào thế phòng thủ từ tháng 2/2024.

Ông Giles nhận xét rằng ông Trump chủ yếu hướng tới một lệnh ngừng bắn chóng vánh hơn là một điều gì đó thực sự tồn tại lâu.

Chuyên gia Giles còn bình luận rằng Mỹ không bao giờ quan tâm đến chiến thắng của Ukraine bởi vì điều đó đồng nghĩa với Nga thất bại, mà Mỹ thì lo ngại hậu quả của việc Nga thất bại hơn là lo về việc Ukraine bị hủy hoại.

Những vùng đất Nga (màu xanh) do Ukraine kiểm soát và vùng lãnh thổ Ukraine (màu hồng) do Nga kiểm soát, tính đến ngày 11/12/2024. Đồ họa: ISW, Nytimes.

Những vùng đất Nga (màu xanh) do Ukraine kiểm soát và vùng lãnh thổ Ukraine (màu hồng) do Nga kiểm soát, tính đến ngày 11/12/2024. Đồ họa: ISW, Nytimes.

Những vùng đất Nga đã chiếm vào năm 2014 và từ năm 2022

Thiếu cả nhân lực và vũ khí, Ukraine không thể thu hồi vùng đất đã bị Nga chiếm. Tổng thống Ukraine Zelensky hiểu rõ điều này. Ông thừa nhận gần đây rằng ngoại giao, chứ không phải đấu tranh vũ trang, sẽ là cách để Ukraine khôi phục lãnh thổ của mình.

Trong chiến dịch tranh cử, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance đề xuất đóng băng xung đột Ukraine và để cho Nga giữ những vùng đất mà họ đã giành được bằng vũ lực.

Tổng thống Nga Putin chưa bộc lộ ý định chiếm thêm các lãnh thổ rộng lớn hơn của Ukraine vào lúc này, nhưng ông cũng không có dấu hiệu sẵn lòng rút quân khỏi những khu vực thuộc Ukraine nhưng hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.

Ukraine chiếm được một dải đất nhỏ ở tỉnh Kursk của Nga, lấy đó làm lá bài mặc cả với Nga trong tương lai. Nếu việc mặc cả diễn ra, Nga có thể trao lại cho Ukraine một phần rất nhỏ lãnh thổ họ đã chiếm được để đổi lại phần đất mà quân Ukraine chiếm đóng ở Kursk. Tuy nhiên, Kiev vẫn không có khả năng khôi phục hầu hết lãnh thổ họ đã đánh mất.

Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang cố gắng viện trợ cho Kiev nhằm giúp Ukraine có thế tốt hơn trong cuộc đàm phán tương lai với Nga. Ông Biden cũng bật đèn xanh cho Ukraine phóng tên lửa tầm xa của Mỹ vào lãnh thổ Nga, với hy vọng sẽ giúp Ukraine giữ được các lãnh thổ họ chiếm được bên trong tỉnh Kursk của Nga.

Ukraine đứng trước nguy cơ mất thêm lãnh thổ nếu không đàm phán sớm

Michael Gjerstad - chuyên gia nghiên cứu về tác chiến lục quân thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở London) nhận xét: “Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Có khả năng Ukraine sẽ phải nhượng thêm lãnh thổ. Nếu viện trợ của Mỹ cho Ukraine, gồm cả hậu cần và thông tin tình báo, bị cắt bỏ thì Tổng thống Nga Putin sẽ nâng cao đáng kể thế của mình trong đàm phán. Nếu có nước châu Âu nào nhập cuộc để giúp Ukraine thì điều đó cũng không thể lấp kín khoảng trống do Mỹ để lại”.

Minna Alander - nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan (FIIA) cho biết 4 nước Bắc Âu là Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đang nỗ lực đóng góp để trám vào chỗ trống của Mỹ trong viện trợ cho Ukraine. Bà cho biết, các nước này đã cam kết viện trợ tổng cộng 35 tỷ USD cho Ukraine. Mức đóng góp này vượt qua cả mức độ viện trợ hiện nay của Đức dành cho Ukraine.

Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà sự hỗ trợ của các nước EU như trên không thay thế được yếu tố Mỹ, theo Hanna Olofsson - người phát ngôn của Liên minh các nhà thầu quốc phòng Thụy Điển (SOFF).

Bà Olofsson cho biết, các nước EU không có một số loại vũ khí như UAV bay xa ở độ cao vừa, tên lửa đạn đạo chiến thuật và pháo phản lực tầm xa do các nước này không đầu tư, không ưu tiên cho phát triển, chế tạo những vũ khí đó trong hàng thập kỷ vừa qua.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: NewYorkTimes, al-Jazeera

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-xung-dot-nga-ukraine-co-the-ket-thuc-vao-nam-2025-post1142099.vov