Lý giải khoa học về các phương pháp 'chữa lành'

Hiệu quả 'chữa lành' được quyết định bởi: niềm tin-trạng thái tâm lý-trạng thái thần kinh thực vật và sự tuân thủ của người bệnh vào thày thuốc.

Trước hiện tượng hàng chục nghìn người chiêm bái xá lợi Đức Phật tại Vesak 2025 PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa tâm lý người bệnh, hoạt động thần kinh thực vật, sự tuân thủ điều trị, và kết quả “chữa lành”, qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc chăm sóc toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần trong y tế.

Sự tương tác giữa tâm trí và cơ thể

Trong y học hiện đại, "chữa lành” không chỉ là quá trình loại bỏ triệu chứng bệnh lý bằng thuốc, thủ thuật hay phẫu thuật, mà còn là hành trình phức tạp liên quan đến sự tương tác giữa tâm trí và cơ thể.

Trạng thái tâm lý của người bệnh: từ niềm tin, lo âu, đến sự lạc quan, đều có khả năng tác động sâu sắc đến hệ thần kinh thực vật (TKTV), từ đó ảnh hưởng đến việc người bệnh tuân thủ chỉ định điều trị và quyết định hiệu quả cuối cùng.

Nhà tâm lý học y khoa Robert Ader (1981) từng nhấn mạnh: "Tâm trí không đứng ngoài cơ thể; nó là một phần của hệ thống sinh học mà chúng ta gọi là sức khỏe".

 Các phương pháp chữa bệnh trong cuộc sống - Ảnh minh họa BSCC

Các phương pháp chữa bệnh trong cuộc sống - Ảnh minh họa BSCC

Trạng thái tâm lý của người bệnh - khởi nguồn của “cơn bão sinh học”

Tâm lý con người, đặc biệt trong bối cảnh bệnh tật, có thể kích hoạt hàng loạt phản ứng sinh lý thông qua TKTV.

Căng thẳng và hệ giao cảm: Khi người bệnh lo lắng về chẩn đoán hoặc tiên lượng của thầy thuốc vùng hạch hạnh nhân trong não kích hoạt hệ giao cảm (HGC), giải phóng adrenaline và cortisol. Nghiên cứu của McEwen (2007) chỉ ra cortisol mãn tính làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và chậm lành vết thương.

Hiệu ứng placebo (trị liệu giả- hiệu quả tích cực) và nocebo (trị liệu thật- hiệu quả tiêu cực): niềm tin tích cực vào điều trị (placebo) có thể kích thích giải phóng endorphin – chất giảm đau tự nhiên. Ngược lại, nỗi sợ tác dụng phụ (nocebo) làm trầm trọng triệu chứng.

Thí nghiệm của Benedetti et al., (2003) đã chứng minh bệnh nhân được thông báo về cơn đau sắp xảy ra (dù không có kích thích thật) có hoạt động HGC tăng 30%. Bệnh nhân ung thư có tinh thần lạc quan thường đáp ứng hóa trị tốt hơn nhờ hệ miễn dịch được củng cố (Spiegel et al., 1998).

Hệ thần kinh thực vật - cầu nối giữa tâm lý và thể chất

TKTV đóng vai trò trung gian chuyển đổi cảm xúc thành phản ứng sinh lý, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tuân thủ điều trị của người bệnh. Rối loạn chức năng TKTV do stress: Lo âu kéo dài dẫn đến tăng nhịp tim, rối loạn tiêu hóa (hội chứng ruột kích thích), và mệt mỏi.

Khảo sát của Thayer và Sternberg (2006) trên 1.200 bệnh nhân cho thấy 45% người có HRV (biến thiên nhịp tim) thấp – dấu hiệu mất cân bằng TKTV – bỏ dở điều trị do kiệt sức. Tác động đến quyết định y khoa: Người bệnh căng thẳng thường đưa ra lựa chọn thiếu sáng suốt, như từ chối phẫu thuật cần thiết hoặc lạm dụng thuốc giảm đau.

Nghiên cứu của Janis (1958) về "quyết định dưới áp lực" mô tả: Bệnh nhân lo âu có tỷ lệ từ chối điều trị cao gấp 2 lần. Bệnh nhân tăng huyết áp không tuân thủ dùng thuốc do tác dụng phụ như chóng mặt (gây ra bởi hoạt động quá mức của hệ thần kinh ngoại biên - PNS).

Tuân thủ điều trị- yếu tố then chốt quyết định kết quả điều trị

Sự tuân thủ không chỉ phụ thuộc vào ý chí cá nhân, mà còn bị chi phối bởi trạng thái TKTV và tâm lý. Tỷ lệ tuân thủ điều trị như trong bệnh mãn tính: Theo WHO (2003), 50% bệnh nhân tiểu đường type 2 không tuân thủ chế độ ăn hoặc dùng thuốc, dẫn đến biến chứng.

Nguyên nhân sâu xa liên quan đến trầm cảm và mệt mỏi mãn tính –là hệ quả của rối loạn TKTV. Vai trò của niềm tin: Bệnh nhân tin tưởng vào bác sĩ có tỷ lệ tuân thủ cao hơn 40% (Street et al., 2009). Ngược lại, nghi ngờ về trình độ, lời khuyên, tư vấn, chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sỹ làm tăng nguy cơ bỏ trị. Trong đại dịch COVID-19, bệnh nhân có kiến thức y tế đúng đắn và tâm lý ổn định tuân thủ giãn cách xã hội tốt hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm (CDC, 2020).

Kết quả điều trị -vòng tròn khép kín giữa tâm lý và sinh bệnh học

Mối quan hệ nhân quả giữa tâm lý, TKTV, và tuân thủ của người bệnh đối với thầy thuốc tạo thành vòng phản hồi ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Thành công nhờ cân bằng TKTV: Bệnh nhân được kiểm soát lo âu thông qua thiền định có nhịp tim (HRV) cải thiện, dẫn đến tuân thủ điều trị tốt và giảm tái phát bệnh.

Nghiên cứu của Dusek et al. (2008) cho thấy thiền định 8 tuần giúp giảm 35% triệu chứng hen suyễn. Thất bại do vòng xoáy tiêu cực: Căng thẳng (Stress) rối loạn TKTV mất ngủ bệnh nhân giảm tuân thủ bệnh tiến triển nặng căng thẳng (stress) gia tăng.

Khảo sát của Katon (2003) chỉ ra 70% bệnh nhân trầm cảm kèm đau mãn tính không đạt mục tiêu điều trị. Bệnh nhân HIV/AIDS có hỗ trợ tâm lý đạt tỷ lệ ức chế virus cao hơn 25% so với nhóm không can thiệp (Antoni et al., 2006).

Mối quan hệ giữa tâm lý người bệnh, hệ TKTV, và kết quả điều trị là minh chứng cho sự thống nhất biện chứng giữa tâm trí và thể chất cơ thể. Một trạng thái tâm lý tích cực không chỉ giúp cân bằng TKTV mà còn thúc đẩy sự tuân thủ điều trị, từ đó mở đường cho quá trình “chữa lành” hiệu quả. Ngược lại, tâm lý tiêu cực có thể kích hoạt vòng xoáy bệnh lý, khiến việc điều trị trở nên bế tắc, thì dù có áp dụng biện pháp “chữa lành” nào cũng không mang lại kết quả kỳ vọng. Do vậy, trước khi thực hiện kế hoạch “chữa lành” thì phải chuẩn bị tâm lý lạc quan, tích cực với niềm tin vững chắc.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, y học hiện đại cần tích hợp các biện pháp chăm sóc tâm lý – từ liệu pháp nhận thức hành vi (NTHV) đến hỗ trợ xã hội – vào các phần trị liệu của hợp phần điều trị (tâm lý - dinh dưỡng - tập luyện - dược - thủ thuật/phẫu thuật).

Bác sĩ Herbert Benson, cha đẻ của "phản ứng thư giãn", từng khẳng định "Sức mạnh của tâm trí không nằm ở khả năng kiểm soát cơ thể, mà ở sự hài hòa với nó". Chỉ khi thấu hiểu mối liên hệ mật thiết này, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu tối ưu của y học, đó là không chỉ chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống, mà còn nuôi dưỡng một cuộc sống ý nghĩa trọn vẹn - đó là “chữa lành”.

 Đông đảo người dân tham gia chiêm bái Xá lợi Đức Phật - Ảnh BSCC

Đông đảo người dân tham gia chiêm bái Xá lợi Đức Phật - Ảnh BSCC

Đức tin - nền tảng tâm lý cho hành trình chữa lành

Hiện nay, khi áp lực công việc, mưu sinh và bệnh tật trở thành “cơn bão” tinh thần của nhiều người, đức tin được xem như chiếc neo giúp con người giữ vững tâm trí giữa biển động.

Hành trình từ bỏ ngai vàng để tìm chân lý của Thái tử Tất-Đạt-Đa không chỉ là câu chuyện giác ngộ cá nhân, mà còn mở ra con đường trị liệu tâm hồn, đặc biệt với những người đang đối mặt với bệnh tật.

Qua lối sống, đạo đức, và triết lý nhân văn của Ngài, đức tin trở thành liều thuốc tinh thần giúp ổn định tâm lý, từ đó hỗ trợ quá trình chữa lành thể chất lẫn tinh thần.

Cách Đức Phật đối diện cái chết của mình – điềm nhiên dặn dò đệ tử rồi nhập Niết - bàn – trở thành bài học về sự buông bỏ, giúp bệnh nhân giai đoạn cuối giảm bớt khủng hoảng hiện sinh.

Khi người bệnh áp dụng Bát Chánh Đạo vào đời sống – từ chánh kiến đến chánh định – họ tạo ra “hệ miễn dịch tinh thần” đủ mạnh để đối diện nghịch cảnh.

Trong bối cảnh y học ngày càng công nhận mối liên hệ giữa tâm – thể, giáo lý nhà Phật trở thành cầu nối giữa đức tin và khoa học về niềm tin - trạng thái tâm - trạng thái thần kinh thực vật và sự tự giác tuân thủ của người bệnh vào y thuật và y đức giúp hành trình “chữa lành” không còn là cuộc chiến đơn độc, mà là hành trình tỉnh thức, nơi mỗi bước đi đều thấm đẫm từ bi và trí tuệ.

Đức tin như dòng suối mát Không phải phép màu từ cõi siêu nhiên, đức tin mang đến sự ổn định tâm lý bằng cách xây dựng nội lực từ bên trong của mỗi con người, mỗi người bệnh.

PGS.TS.BS. Võ Tường Kha (Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y dược, Đại học quốc gia Hà Nội)

PGS.TS.BS. Võ Tường Kha

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ly-giai-khoa-hoc-ve-cac-phuong-phap-chua-lanh-post1065292.html