Lý giải nguyên nhân không thể quét được CCCD khi đi khám bệnh Bảo hiểm y tế
Mặc dù Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Tuy nhiên, khi khám chữa bệnh nhiều người vẫn phải trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo BHXH TP.HCM, Thành phố đã triển khai mô hình sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ 100%. Tính đến ngày 7/10, đã có hơn 7,64 triệu thẻ BHYT còn hiệu lực được đồng bộ với căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh đạt 100% với 188 cơ sở đã ký hợp đồng, có 430 điểm khám chữa bệnh BHYT. Số lượt công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh là hơn 14 triệu lượt, trong đó, tra cứu thành công (có thông tin) là hơn 12 triệu lượt (chiếm 87%).
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin về BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân.
Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. BHXH TP.HCM là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức.
Tính đến cuối tháng 9, BHXH đã thực hiện đồng bộ định danh cá nhân (ĐDCN) CCCD của gần 8 triệu trên tổng số gần 8,2 triệu người tham gia tại TP, đạt hơn 97%. Cơ sở dữ liệu về BHXH toàn quốc đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt gần 99%.
"Tuy nhiên, vẫn còn người tham gia BHXH, BHYT chưa được đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn còn tình trạng bệnh nhân đến bệnh viện dùng CCCD gắn chip tra cứu không có thông tin. Bởi vì tại TP.HCM, không riêng bệnh nhân của Thành phố, mà chiếm tỉ lệ 51% BHYT là người dân cả nước đến khám chữa bệnh", bà Thu Hằng cho hay.
BHXH đã ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện đảm bảo thống nhất trong toàn hệ thống cơ quan BHXH TP về thực hiện chương trình chuyển đổi số và thực hiện Đề án 6, như: rà soát, xử lý dữ liệu, cập nhật số ĐDCN/CCCD của người tham gia vào dữ liệu của BHXH. Phối hợp với Công an TP rà soát, cập nhật các ĐDCN/CCCD.
“Việc cập nhật ĐDCN/CCCD thì phải thực hiện toàn ngành trên cả nước chứ không riêng ở TP.HCM, như vậy mới có sự đồng bộ trên toàn quốc để đi khám chữa bệnh. Chúng tôi cũng tổ chức các hình thức tuyên tuyên truyền trực như treo băng rôn, thực hiện các chuyên đề tuyên truyền về việc đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT hoặc CCCD gắn chip, ứng dụng VssID, VneID”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nói.