Lý giải tại sao thế giới 'giật mình' trước tên lửa SM-3 Block IIA của Mỹ
Vụ thử tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Mỹ hôm 16/11 đã khiến các cường quốc phải 'giật mình' khi được tích hợp quá nhiều kỹ thuật 'không tưởng'.
Thử nghiệm mô phỏng đối đầu
Cuộc thử nghiệm vừa qua mang mã mật là FTM-44, đây là cuộc thử nghiệm đối kháng có độ trung thực cao. “Đối phương” chính là mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang bay tới, còn Hải quân Mỹ sử dụng hệ thống tên lửa đánh chặn chiến lược để tiêu diệt đối phương.
Cuộc thử nghiệm được chia thành hai phần: Cuộc tấn công bằng tên lửa liên lục địa của "đối phương" và các hoạt động đánh chặn tên lửa chiến lược trên biển "của Hải quân Mỹ.
Vào lúc 12 giờ 50 ngày 16/11, một mục tiêu mô phỏng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng từ một bãi phóng của Mỹ trên quần đảo Marshall ở trung tâm Thái Bình Dương, điểm đến tấn công là Hawaii. Khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vừa lên không trung, Hệ thống hồng ngoại trên không gian của Mỹ nhanh chóng phát hiện và đưa ra thông tin cảnh báo sớm cho Trung tâm tác chiến của căn cứ không quân Mỹ ở Colorado, nơi đặt hệ thống chỉ huy và điều hành tác chiến tự động hóa (C4ISR).
Hệ thống này sẽ đưa ra phương án đánh chặn và theo dõi tên lửa thông qua các liên kết dữ liệu, sau đó sẽ tự động truyền số liệu đến tàu khu trục USS John Finn. Sau đó, con tàu phóng tên lửa SM-3 Block IIA và đánh chặn thành công mục tiêu đang bay tới ở chế độ "đánh chặn tầm xa".
Ba công nghệ chính
Cuộc thử nghiệm chủ yếu sử dụng ba công nghệ chính: Công nghệ vệ tinh cảnh báo sớm của "Hệ thống hồng ngoại trong không gian", công nghệ đánh chặn tên lửa động năng thế hệ mới SM-3 Block IIA và hệ thống chỉ huy tác chiến và liên lạc đa năng (Command and Control, Battle Management, and Communications - C2BMC).
Trong đó, công nghệ vệ tinh cảnh báo sớm "hệ thống hồng ngoại trong không gian" có nhiệm vụ "nhìn" tên lửa đang bay tới, công nghệ đánh chặn động năng thế hệ mới có nhiệm vụ "đánh", và công nghệ C2BMC đảm bảo "độ chính xác".
Vệ tinh cảnh báo sớm của "Hệ thống hồng ngoại dựa trên không gian" là kỹ thuật tích hợp cảm biến theo dõi giữa các vệ tinh quỹ đạo cao và vệ tinh quỹ đạo địa đồng bộ (quỹ đạo lấy Trái Đất làm tâm với chu kỳ quỹ đạo khớp với hiện tượng tự quay của Trái Đất quanh trục trong 23 giờ, 56 phút và 4 giây).
Trong đó, các vệ tinh quỹ đạo địa đồng bộ được sử dụng để thăm dò và phát hiện tên lửa đạn đạo trong giai đoạn tăng tốc, các vệ tinh quỹ đạo cao có nhiệm phụ cảnh báo tên lửa với phạm vi bao phủ từ cực Bắc đến cực Nam của trái đất.
Công nghệ đánh chặn tên lửa động năng thế hệ mới SM-3 Block IIA do Mỹ và Nhật Bản hợp tác phát triển. Tên lửa dựa vào động năng bay của chính nó để tấn công mục tiêu đang bay tới, kỹ thuật này giúp loại bỏ nhu cầu nạp thuốc nổ của đầu đạn và giảm đáng kể trọng lượng của nó.
Tên lửa có độ cao đánh chặn tối đa khoảng 1.500 km, tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km, tốc độ bay tối đa 4,5 km/ giây, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn hơn 5.500 km.
C2BMC tương đương với “bộ não” của hệ thống chống tên lửa toàn cầu của Mỹ, và chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch tổng thể cho các đơn vị chỉ huy tác chiến chống tên lửa của Mỹ trên khắp thế giới. Trong cuộc thử nghiệm, C2BMC được chỉ huy và điều khiển bởi "Trung tâm Điều hành và Tích hợp Chống Tên lửa" của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Phá vỡ sự cân bằng giữa tấn công và phòng thủ
Thử nghiệm này có tác động đến cả công nghệ và chiến lược. Về mặt kỹ thuật, đây là ứng dụng thành công công nghệ đánh chặn tên lửa chiến lược trên biển đầu tiên trên thế giới, cho phép Mỹ có cả khả năng tác chiến chống tên lửa chiến lược trên đất liền và trên biển, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng về thế hệ tên lửa đánh chặn chiến lược trên biển và trên bờ thế hệ mới của Mỹ.
Về mặt chiến lược, vụ thử này đã phá vỡ thế cân bằng tấn công và phòng thủ của các tên lửa chiến lược truyền thống trên thế giới. Vì tên lửa SM-3 Block IIA có khả năng tiêu diệt vệ tinh nên nó cũng gây ra mối đe dọa đối với an ninh không gian.
Hiện tại, Mỹ đã triển khai một số hệ thống Aegis ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Âu. Trong số đó, hệ thống Aegis trên tàu đã được triển khai ở Hawaii, Guam và Nhật Bản, và hệ thống Aegis trên đất liền được triển khai ở Romania và Ba Lan ở Đông Âu.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ triển khai hệ thống Aegis trên đất liền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành công của vụ thử này sẽ nâng cao khả năng tấn công và phòng thủ chống tên lửa của quân đội Mỹ tại các khu vực nêu trên, đồng thời thúc đẩy các nước trong khu vực thực hiện các biện pháp cần thiết để có thể cân bằng chiến lược với Mỹ.