Lý giải thành công của người đàn ông giàu nhất thế giới
Elon Musk - người đàn ông giàu nhất hành tinh lúc này đang trên đường trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới nhờ đà phát triển của công ty thám hiểm không gian SpaceX, dẫn đầu ngành công nghiệp vũ trụ đầy tham vọng của nước Mỹ.
Mạnh mẽ bất chấp đại dịch
Đầu tháng này, Elon Musk, 50 tuổi, đã giành lại danh hiệu người giàu nhất thế giới từ tay tỷ phú sáng lập Amazon và cũng là đối thủ không gian Jeff Bezos, khi cổ phiếu của công ty sản xuất ô tô điện Tesla bật tăng, khiến giá trị tài sản ròng của vị tỷ phú công nghệ vượt mốc 200 tỷ USD. Doanh thu 3 tháng gần nhất của Tesla đã tăng 57% lên 13,8 tỷ USD, trong khi lợi nhuận tăng 77%, lên 3,7 tỷ USD. Đầu tháng này, công ty thông báo rằng họ đã sản xuất được 237.823 chiếc ô tô điện và đã giao được 241.300 chiếc trong quý đầu tiên của năm 2021. Đáng nói, thành tích này đến ngay cả khi các nhà máy của Tesla đã không thể hoạt động hết công suất, do thiếu chip và tắc nghẽn cảng - tình trạng chung của ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Theo Forbes, nhà sáng lập Tesla và SpaceX hiện sở hữu khối tài sản ước tính gần 220 tỷ USD, cao hơn cả khối tài sản của các tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett cộng lại. Mặc dù sự giàu có này hiện phần lớn là nhờ thành công của Tesla, Elon Musk được dự báo có thể sẽ là tỷ phú nghìn tỷ bởi SpaceX - công ty đang chiếm khoảng 17% giá trị tài sản ròng của ông - theo số liệu của Bloomberg.
SpaceX được định giá 100 tỷ USD vào đầu tháng này, trở thành công ty tư nhân lớn thứ hai thế giới. Theo nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley, công nghệ tên lửa Starship của SpaceX “có tiềm năng thay đổi kỳ vọng của các nhà đầu tư xung quanh ngành công nghiệp vũ trụ”. “Như một khách hàng đã nhận xét: Nói về không gian với Starship giống như nói về internet với Google”, chuyên gia Jonas viết trong một đánh giá.
Starship là hệ thống vận chuyển vũ trụ có thể tái sử dụng hoàn toàn của SpaceX, hiện đang được phát triển ở bãi phóng Boca Chica, bang Texas, Mỹ. SpaceX đã thực hiện thành công chuyến bay vào không gian và hạ cánh với phiên bản nguyên mẫu của Starship, đồng thời có kế hoạch đưa một phiên bản khác lên quỹ đạo trong tương lai gần. SpaceX đang hướng tới mục tiêu cuối cùng là sử dụng hệ thống này để chở cả phi hành đoàn cùng hàng hóa lên quỹ đạo Trái đất, Mặt trăng và Sao Hỏa. Ngoài ra SpaceX cũng đang phát triển một hệ thống internet băng thông rộng tốc độ cao mà hãng gọi là Starlink, và đã phóng hơn 1.600 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo. Musk trước đây từng nói rằng Starlink có thể mang lại doanh thu khoảng 30 tỷ USD mỗi năm.
“Những gì SpaceX đang làm trên bờ biển Nam Texas đang thách thức bất kỳ định kiến nào về khả năng và khung thời gian có thể trong phát triển tên lửa, thiết bị phóng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ” - chuyên gia của Morgan Stanley viết - “Nhiều khách hàng đã nói với chúng tôi về khả năng Elon Musk có thể trở thành nghìn tỷ phú đầu tiên… và đó không phải là nhờ Tesla. Nhiều người tin rằng SpaceX cuối cùng có thể là công ty được đánh giá cao nhất trên thế giới, trong tất cả các ngành”.
Dẫn đầu tham vọng của nước Mỹ
Năm 2019, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump đặt ra tham vọng đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng vào năm 2024 - sớm hơn 4 năm so với kế hoạch dự kiến trước đó của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). SpaceX của Elon Musk đã được NASA trao một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD để đáp ứng mục tiêu nói trên. Vẫn ít người hiện dám tin Musk có thể kịp thời hạn chỉ còn 2 năm nữa, ngay cả với thành công vượt bậc của Starship. Nhưng ít nhất, vị tỷ phú này đang bỏ xa các đối thủ cạnh tranh không gian của mình, trong đó nổi bật nhất là tỷ phú Jeff Bezos với công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.
Chỉ ít tuần sau lệnh của Tổng thống Trump, tỷ phú Bezos đã hoan nghênh mục tiêu Mặt trăng 2024 và tiết lộ về tàu đổ bộ Mặt trăng của Blue Origin - Blue Moon. Tuy nhiên, Bezos dường như đã hạ thấp các thách thức kỹ thuật cho tham vọng đó, và ông cũng đánh giá thấp đối thủ Elon Musk.
Một điều được cho là bất biến, chi phối mọi vụ phóng tên lửa, chính là vấn đề trọng lực. Tàu vũ trụ càng lớn và nặng thì tên lửa đẩy càng phải lớn hơn để đẩy chúng vượt ra khỏi lực hấp dẫn, ước tính tới tốc độ hơn 28.000 km/h. Do đó, mọi nhiệm vụ khám phá không gian trong tương lai đều phụ thuộc vào thế hệ tên lửa đẩy khổng lồ mới, thực sự lớn. Nếu nghiêm túc đầu tư theo lộ trình này, Jeff Bezos được cho đã dễ dàng chiếm ưu thế, khi ông sở hữu khối tài sản tỷ đô trước Elon Musk từ rất lâu. Vị tỷ phú sáng lập Amazon đã đặt ra một kế hoạch rõ ràng cho Blue Origin vào năm 2012, thời điểm Musk vẫn đang vật lộn với Tesla còn nhiều khó khăn thay vì bất cứ nỗ lực nào cho SpaceX.
Mục tiêu ban đầu của Bezos để phóng tên lửa nâng hạng nặng của Blue Origin - New Glenn - là năm 2020, nhưng hiện đã lùi lại vào cuối năm 2022. Nếu không có New Glenn, Blue Origin không thể thực hiện bất cứ chuyến bay theo quỹ đạo nào. Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã được phát triển để đưa các tàu vũ trụ Dragon của hãng vào quỹ đạo với tần suất đều đặn đến mức dường như không còn bất cứ cản trở nào để đến Trạm Vũ trụ Quốc tế, cũng như trong việc vận chuyển hàng hóa và con người.
Nỗ lực bứt phá của SpaceX không chỉ đơn giản là về phần cứng, nó còn là vấn đề con người. Sự khác biệt của hai công ty phản ánh sự khác biệt trong hai người đàn ông sở hữu chúng. Nếu Blue Origin theo mô hình hãng hàng không vũ trụ tư nhân thông thường, SpaceX được mô tả giống như một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng.
SpaceX gần như hoạt động liên tục 24/7 với 80 giờ làm việc mỗi tuần, trong khi Blue Origin bị chê là lười biếng, như “một thị trấn ma vào cuối tuần”. Nhưng điều đó không có nghĩa là các kỹ sư của SpaceX phải phàn nàn về công việc, nhờ các động lực lao động hấp dẫn. Mặc dù được trả lương ít hơn so với vị trí tương đương ở Blue Origin, nhưng người của SpaceX có những ưu đãi kiểu Thung lũng Silicon, chẳng hạn như quyền chọn cổ phiếu đối với những người hoạt động tốt nhất. Hàng năm, Elon Musk nhóm 10% những người có năng suất kém nhất để áp các tiêu chuẩn cao hơn.
Nếu như các nhà quản lý của Blue Origin thường phàn nàn về một bộ máy điều hành phân cấp cứng nhắc, khiến các ý tưởng đổi mới rất khó được lắng nghe ở cấp lãnh đạo cao nhất, Elon Musk - nổi tiếng là người liều lĩnh - thích kết hợp ý tưởng cá nhân với các đề xuất từ kỹ sư của mình, cởi mở chia sẻ trên mạng xã hội cá nhân. Tóm lại, Elon Musk được cho đã thành công truyền tải đến mọi người về đạo đức làm việc, sự nỗ lực, cũng như tầm nhìn xa trông rộng của chính mình.q
"Khả năng Elon Musk có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên… và đó không phải là nhờ Tesla. Nhiều người tin rằng SpaceX cuối cùng có thể là công ty được đánh giá cao nhất trên thế giới, trong tất cả các ngành." - Chuyên gia phân tích của Morgan Stanley Adam Jonas