Lý giải và cảnh báo của giới chuyên môn về 'mỏ vàng' du lịch mạo hiểm
Những năm gần đây, xu hướng thu hút ngày càng nhiều du khách quan tâm tìm kiếm là du lịch mạo hiểm. Đó được xem là 'mỏ vàng' hướng tới những trải nghiệm đích thực, độc đáo chứ không theo mô hình lập trình sẵn và được kiểm soát để đảm bảo an toàn.
"Mỏ vàng" du lịch mạo hiểm được dự báo tăng trưởng hàng nghìn tỉ USD
Báo chí mới đây dẫn báo cáo "Thị trường du lịch mạo hiểm toàn cầu 2023-2027" (Global Adventure Tourism Market 2023-2027) của công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới ResearchAndMarkets cho thấy: Thị trường du lịch mạo hiểm được dự báo tăng trưởng 4.418,73 tỉ USD giai đoạn 2022-2027, tăng với tốc độ CAGR (tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 47,2%.
Tuy được coi là một "mỏ vàng" trong lĩnh vực du lịch cho các nhà khai thác, nhưng du lịch mạo hiểm (adventure travel) cũng là loại hình du lịch rủi ro cao (high-risk tourism). Tiềm ẩn sau sức hấp dẫn của các trải nghiệm ly kỳ, đích thực là những rủi ro xác suất gặp phải rất lớn.
Mới đây nhất, thảm kịch nổ tàu lặn Titan gây xôn xao dư luận và lại một lần nữa làm dấy lên những câu hỏi: "Tại sao nhiều người vẫn chấp nhận du lịch rủi ro cao?" và "Vì sao du lịch rủi ro cao lại trở thành một sở thích của giới nhà giàu, đặc biệt là siêu giàu?".
Góp phần trả lời cho câu hỏi này, tạp chí Mỹ Fortune ngày 24/6 đăng bài viết với tiêu đề "Vườn thú so với safari: Làm thế nào cơn khát du lịch đích thực trở thành sự bùng nổ du lịch mạo hiểm, dẫn đến thảm kịch (tàu lặn) Titan".
Trong đó chuyên gia du lịch người Mỹ Greg Dickinson phân tích: Những năm gần đây có một xu hướng trong lĩnh vực du lịch là sự hướng tới những trải nghiệm đích thực. Ngày càng có nhiều người muốn trải nghiệm điều gì đó độc đáo, chứ không phải trong bối cảnh được lập trình sẵn hoặc được kiểm soát. Một ví dụ về sự khác biệt giữa du lịch đích thực (authentic tourism) với du lịch không đích thực (inauthentic tourism), là sự khác biệt giữa sở thú (zoo) với tour đi săn (safari).
Sở thú được xây dựng để cho phép nhiều người có thể dễ dàng quan sát cả các loài động vật độc đáo, thường là nguy hiểm. Sở thú đem lại cho khán giả trải nghiệm an toàn, nhưng lại tạo rất ít cơ hội cho du khách tương tác với động vật.
Trong khi tour đi săn (safari) thường là ở châu Phi mang lại trải nghiệm chân thực hơn hẳn, bằng cách loại bỏ nhiều rào cản an toàn giữa du khách với động vật. Tất nhiên điều đó cũng làm gia tăng sự rủi ro, nhưng cảm giác đối mặt với nguy hiểm đến từ du lịch đích thực thường cuốn hút các du khách đam mê phiêu lưu, bởi tăng thêm những trải nghiệm được đánh giá là xứng đáng để họ mạo hiểm.
Giới nhà giàu sẵn sàng vung tiền cho "mỏ vàng" du lịch mạo hiểm
Thêm một điều hấp dẫn nữa của du lịch mạo hiểm là quan niệm về vị thế hoặc uy tín của người tham gia những chuyến đi nguy hiểm và tốn kém đó. Trong khi hầu như ai cũng có thể đến sở thú ở địa phương, thì một chuyến đi săn ở châu Phi đòi hỏi mức chi tiêu thể hiện địa vị và thu nhập của du khách mà đa số là những người "có địa vị không tầm thường".
Tính xác thực cùng sự nguy hiểm và quan niệm về uy tín thu hút nhiều du khách ưa thích cảm giác mạnh đến với du lịch mạo hiểm, cho dù đó là leo núi, du hành vũ trụ hay lặn khám phá đáy đại dương. Đặc biệt giới nhà giàu, nhất là siêu giàu coi du lịch rủi ro cao như một sở thích và sẵn sàng vung tiền vào "mỏ vàng" cho dịch vụ của các nhà khai thác này.
Thực tế cho thấy với một số người giàu có thì những chuyến thám hiểm mạo hiểm trở thành một phong cách sống. Đại diện một số hãng du lịch hạng sang chia sẻ trên báo New York Times rằng, một số du khách dày dạn kinh nghiệm muốn "đẩy lui giới hạn" hoặc "phá cách" để "theo đuổi cảm giác mạnh và đòi quyền được khoe khoang".
Trong khi theo nhà tâm lý học Ellen Langer của đại học Harvard, Mỹ được báo Insider ngày 22/6 dẫn lời, thì mặc dù mỗi du khách tham gia tour tàu lặn Titan khám phá địa điểm xác tàu Titanic phải trả 250.000 USD. Công ty Mỹ Virgin Galactic của tỉ phú người Anh Richard Branson cung cấp vé du hành vũ trụ với giá 450.000 USD…
Nhưng một lý do khiến giới nhà giàu sẵn sàng chi tiêu "khủng" để đối mặt với nguy hiểm lớn "chỉ đơn giản là để phá vỡ bản chất trần tục, nhàm chán trong cuộc sống hàng ngày của họ".
Tuy hiện nay đang là thời đại 4.0, nhưng không phải lúc nào công nghệ cũng đồng nghĩa với sự an toàn. Bất kỳ hoạt động nào dù có thể đơn giản chỉ là đi băng qua đường, hay tiêu tốn cả một đống tiền cho tour lặn biển xem xác tàu Titanic, thì vẫn luôn tiềm ẩn một số mức độ rủi ro.
Vấn đề là nhiều hoạt động mạo hiểm diễn ra trong môi trường rất nguy hiểm và có tỷ lệ sai sót rất nhỏ. Khi xảy ra sự cố, hậu quả có thể rất thảm khốc như thảm họa tàu lặn Titan ngày 18/6 khi đưa du khách thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương đã khiến 5 người trên tàu tử vong.
Từ kinh nghiệm thực tế, một lời khuyên được cho là tốt nhất từ các chuyên gia với những người đang tìm kiếm các trải nghiệm mạo hiểm đích thực và ly kỳ là: Hãy áp dụng ý tưởng của thành ngữ "khách hàng hãy cẩn trọng" (buyer beware).
Khi dấn thân vào du lịch mạo hiểm, du khách cần đặt câu hỏi xem những quy trình an toàn nào được áp dụng cho hoạt động mình lựa chọn. Nếu không hài lòng với câu trả lời, du khách cân nhắc việc chuyển sang hoạt động khác hoặc nhà cung cấp dịch vụ khác.
Nguồn: Fortune, GlobeNewswire