Lý giải VND đi ngược xu hướng phục hồi của nhiều đồng tiền
Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, những ẩn số từ chính sách lãi suất của Fed và diễn biến thuế quan cho thấy kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định. Trong nước, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp từ năm 2022 nhằm hỗ trợ tăng trưởng, song phải đánh đổi tỷ giá và gây áp lực lên dòng vốn. Dù nhiều đồng tiền châu Á đã phục hồi, VND vẫn ghi nhận mức mất giá khoảng 2,7 - 2,8% so với USD.
Sáng ngày 8/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025.
Kinh tế toàn cầu bất định, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.
"Ngay đầu giờ sáng 08/7 giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế từ 25 - 40% đối với 14 quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này có hành động trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới" - ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Cùng với đó, lạm phát tuy đã hạ nhiệt về mức mục tiêu, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại. Như vậy, các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước, cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức từ 8% trở lên.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước
Nêu bật kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, ông Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện linh hoạt, chủ động, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Về điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá Việt Nam đồng diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Trong điều hành tín dụng, trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
"Với các giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức tích cực ngay từ đầu năm và cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Tính đến ngày 30/6, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024; tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh" - ông Hà cho biết.
Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt, góp phần giữ vững sự ổn định và an toàn của hệ thống; năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng được nâng cao theo hướng tiệm cận chuẩn mực quốc tế; đồng thời, chú trọng xử lý nợ xấu hiện hữu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Chấp nhận đánh đổi tỷ giá để giữ lãi suất thấp
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, chỉ số DXY có thời điểm giảm hơn 10% nửa đầu năm, trong bối cảnh đó, nhiều đồng tiền ở khu vực châu Á đã phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, đồng Việt Nam vẫn ghi nhận mức mất giá khoảng 2,7 - 2,8% so với USD, do chịu tác động đồng thời từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước.
Một trong những định hướng quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là duy trì sức hấp dẫn tương đối của đồng Việt Nam, trong đó lãi suất là một công cụ quan trọng. Việc điều hành giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay và duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong các năm tiếp theo.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ trả lời phóng viên về biến động tỷ giá. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước.
"Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành khoảng 0,6%, tiếp nối chuỗi giảm lãi suất liên tục kể từ năm 2022 đến nay. Việc duy trì lãi suất thấp phải đánh đổi nhất định trong điều hành tỷ giá, giúp các tổ chức tín dụng có thanh khoản, chi phí vốn thấp. Tuy nhiên, duy trì mặt bằng lãi suất thấp khiến chênh lệch lãi suất VND - USD âm, tức đồng USD hấp dẫn hơn. Việc cân đối cung cầu ngoại tệ có những biến động, có hành vi nắm giữ các đồng tiền có lãi suất cao hơn, từ đó, gây nên những áp lực nhất định" - ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Quang, mặc dù về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn ổn định, ở trạng thái thặng dư, đó chỉ ở khối lượng.
Tuy nhiên, ở trên thị trường ngoại tệ, vấn đề nằm ở lượng - dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn gián tiếp nước ngoài đang liên tục rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá. Đây là điểm khác biệt so với nhiều quốc gia châu Á khác, khi USD mất giá thì đang ghi nhận sự quay trở lại của dòng vốn quốc tế.
Dự báo thời gian tới, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất định. Việc Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan cao đối với nhiều quốc gia 25 - 40% ngày 8/7 và thời gian tới với các quốc gia khác có thể gây tác động đến chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI toàn cầu. Trong khi đó, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục là biến số khó lường.
Đáng chú ý, với một nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu từng tương đương 200% GDP, trong đó thị trường Mỹ đóng vai trò chủ lực, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm dòng vốn đầu tư và áp lực lớn hơn lên tỷ giá.
Trong nước, những số liệu mới nhất từ Cục Thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Đây là tín hiệu cần được theo dõi sát vì có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn./.