Áp lực tỉ giá USD/VND vẫn khó đoán bất chấp đồng USD suy yếu

Giá USD tại ngân hàng giảm mạnh dù tỉ giá trung tâm lập đỉnh lịch sử. Trong khi đó, VND tiếp tục chịu áp lực tỉ giá do chênh lệch lãi suất âm và dòng vốn ngoại rút ròng.

Ngày 8-7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm của VND so USD ở mức 25.121 đồng, tăng thêm 8 đồng so với hôm qua và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm.

Chẳng hạn, ngân hàng Vietcombank giảm 25 đồng ở cả hai chiều, đưa giá mua bán đồng bạc xanh xuống còn 25.915 - 26.305 VND/USD. Thậm chí, Eximbank còn giảm tới 60 đồng mỗi USD, đưa giá giao dịch bằng tiền mặt đối với đồng USD về mức 25.900 - 26.310 VND/USD… So với mức giá mua ngày 3-7, hiện giá thu mua USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 90 – 100 đồng, và rơi xuống dưới mức 26.000 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng đang giảm nhẹ. Hiện mỗi đồng bạc xanh trên thị trường chợ đen đang được mua vào với giá 26.400 đồng/USD và bán ra ở mức 26.500 đồng/USD bán ra, giảm 20 đồng so với hôm qua.

 Giá USD tại ngân hàng giảm dù áp lực tỉ giá vẫn còn lớn đối với đồng VND. Ảnh minh họa

Giá USD tại ngân hàng giảm dù áp lực tỉ giá vẫn còn lớn đối với đồng VND. Ảnh minh họa

Chính sách ưu tiên tăng trưởng và áp lực tỉ giá

Từ đầu năm đến nay, với sự thay đổi các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Mỹ khiến chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã biến động mạnh và đến nay đã giảm khoảng 10% so với các đồng tiền chủ chốt khác. Với sự sụt giảm của chỉ số DXY, kéo theo nhiều đồng tiền trên thế giới, nhất là những đồng tiền có tự do chuyển đổi, đặc biệt là những đồng tiền ở khu vực châu Á có sự phục hồi khá tốt.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, đồng VND lại thể hiện xu hướng ngược chiều. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng UOB (Singapore), VND là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong khu vực châu Á trong nửa đầu năm 2025, với mức giảm 2,5% so với USD. Trái lại, các đồng tiền trong khu vực lại tăng giá từ 2,5% đến hơn 12% tùy theo quốc gia.

Lý giải về áp lực mất giá của VND, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định: “Muốn đồng tiền giữ giá trị, thì trước hết nó phải có sức hấp dẫn. Mà một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức hấp dẫn ấy chính là lãi suất”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng đến mục tiêu GDP tăng trưởng 8% trong năm 2025, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng có kiểm soát, với trọng tâm là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích đầu tư. Từ cuối năm 2022 đến nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục điều chỉnh giảm. Riêng trong nửa cuối năm 2024 đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm khoảng 0,6 điểm phần trăm mỗi năm.

“Để duy trì mức lãi suất cho vay thấp như vậy thì chúng ta cần phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỉ giá", ông Phạm Chí Quang cho hay.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, mặt trái của việc này là sự dịch chuyển của dòng vốn sang các kênh đầu tư hoặc tài sản có lợi suất cao hơn, làm giảm nhu cầu nắm giữ VND, qua đó tạo áp lực mất giá cho đồng nội tệ.

Ông Quang cho biết thêm: “Ngoài ra, khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD sẽ bị kéo xuống trạng thái âm (hay nói cách khác lãi suất nắm giữ đồng USD hấp dẫn hơn so với VND). Trong bối cảnh đó, cân đối cung cầu ngoại tệ có những biến động, và các tổ chức tín dụng cũng như các thành phần trong nền kinh tế có hành vi chuyển đổi đồng tiền và muốn nắm giữ đồng tiền có lãi suất cao hơn. Thực tế là chúng ta đã thấy tỉ giá USD/VND chịu áp lực từ mức chênh lệch lãi suất âm đó".

Xét về tổng thể cán cân thanh toán, ông Quang cho biết, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái tích cực như cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở yếu tố "dòng tiền".

Trong năm 2024 và nửa đầu 2025, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), đặc biệt qua thị trường chứng khoán, liên tục rút ròng khỏi Việt Nam. Sự dịch chuyển nhanh chóng của dòng tiền này đã tạo sức ép lớn lên thị trường ngoại hối, góp phần khiến VND suy yếu.

Triển vọng tỉ giá và tác động từ chính sách Mỹ

Dự báo về tỉ giá, lãi suất VND trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang cho rằng: Lãi suất, tỉ giá trong thời gian tới sẽ chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố từ thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là chính sách điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Từ đầu năm 2025 đến nay, FED đã hai lần trì hoãn kế hoạch giảm lãi suất, do lo ngại lạm phát, và định hướng chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Do đặc điểm nền kinh tế có độ mở cao, chính sách tài khóa của Mỹ trong thời gian tới không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, mà còn tác động đến áp lực tỉ giá thông qua hành vi của nhà đầu tư toàn cầu".

Trong báo cáo công bố sáng nay, nhóm chuyên gia kinh tế thuộc UOB dự báo đồng VND sẽ tiếp tục duy trì ở vùng đáy trong biên độ dao động so với USD đến hết quý III năm nay. Tuy nhiên, từ quý IV-2025, khi các bất ổn thương mại quốc tế được giải tỏa phần nào, đồng VND có thể phục hồi cùng xu hướng với các đồng tiền châu Á khác.

UOB dự báo tỉ giá USD/VND sẽ duy trì quanh mức 26.400 đồng trong quý III và có thể giảm nhẹ về mức 26.200 đồng trong quý IV-2025.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ap-luc-ti-gia-usdvnd-van-kho-doan-bat-chap-dong-usd-suy-yeu-post859287.html