Thêm một nhà máy may của Tập đoàn TKV bị bỏ hoang
Ngoài nhà máy giày Sơn Long, Tập đoàn công nhiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) còn cho xây dựng một nhà máy may mặc, nhưng cũng chỉ hoạt động được 2 năm thì giải thể.
Ngày 4/6/2025, Báo Đại đoàn kết đã đăng tải bài viết "Bên trong nhà máy giày bỏ hoang của Tập đoàn TKV". Theo đó, từ năm 1999, giữa vùng than Cẩm Phả (Quảng Ninh), Tập đoàn TKV cho xây dựng một nhà máy giày quy mô lớn, đặt tên là Công ty giày Sơn Long. Hàng loạt thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất đã được lắp đặt; hàng trăm lượt cán bộ, công nhân ngành than đã được cử đi học công nghệ sản xuất giày da. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Đắc, nguyên Trưởng phòng Tổ chức, Trợ lý Giám đốc Công ty giày Sơn Long (đã nghỉ hưu), đến năm 2003, khi lô giày đầu tiên xuất xưởng thì Công ty lại tuyên bố giải thể.

Một nhà xưởng của Nhà máy giày Sơn Long vẫn còn một số dây chuyền sản xuất, nhưng tất cả đã hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Ngay sau khi Công ty giày Sơn Long giải thể, Tập đoàn TKV đã cho Công ty TNHH Everbest Việt Nam (100% vốn Đài Loan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công giày dép xuất khẩu) thuê lại toàn bộ nhà máy, tiếp quản một số máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Đến ngày 31/7/2017, Công ty TNHH Everbest Việt Nam đã có quyết định chấm dứt hoạt động với lý do không còn đơn hàng, không thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 31/1/2018 đến nay, Tập đoàn TKV giao cho Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả trông coi, bảo vệ nhà máy với tổng diện tích là 19.030m2. Hiện vẫn còn một số thiết bị, dây chuyền sản xuất đã hư hỏng.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài Nhà máy giày Sơn Long, thời điểm năm 1999, Tập đoàn TKV còn cho xây dựng một công ty may mặc, đặt tên là Công ty may Bái Tử Long, vị trí tiếp giáp với Nhà máy giày Sơn Long.

Phần diện tích của Công ty may Bái Tử Long, do Tập đoàn TKV xây dựng và thành lập năm 1999. Ảnh: Nguyễn Quý.
Một cán bộ của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả cho biết, Công ty may Bái Tử Long được xây dựng và vận hành trước Nhà máy giày Sơn Long. Ban đầu Tập đoàn liên doanh với Công ty may Thăng Long (Hà Nội), tuyển mộ hơn 2.000 công nhân (hầu hết là công nhân ở các đơn vị ngành than), hoạt động đến năm 2001 thì giải thể. Sau đó, toàn bộ diện tích nhà xưởng của Công ty may Bái Tử Long được bàn giao cho Nhà máy giày Sơn Long, tháo dỡ dây chuyền sản xuất cũ để thay thế dây chuyền mới phù hợp với gia công giày.

Cỏ dại mọc um tùm trong các khu nhà xưởng của Công ty may Bái Tử Long. Ảnh: Nguyễn Quý.
Ông Phạm Quang Đắc cho biết thêm: “Thời điểm Công ty may Bái Tử Long thành lập, ông Nguyễn Cường được bổ nhiệm làm Giám đốc. Năm 2001, sau khi Công ty may Bái Tử Long giải thể, đồng thời Nhà máy giày Sơn Long cũng đi vào hoạt động, chúng tôi tiếp quản hơn 2.000 lao động này sang làm việc, nhưng cũng chỉ hoạt động đến năm 2003 thì giải thể nốt”.

Mái một nhà xưởng bị hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Khi xem lại những hình ảnh về nhà máy hiện tại do PV cung cấp, ông Đắc tỏ ra rất tiếc nuối: “Cách đây 4 năm, bên Tập đoàn có mời tôi xuống nhà máy để giám sát lại kích thước của các xưởng. Lúc đó hiện trạng vẫn còn gọn gàng, chứ không hoang tàn như bây giờ”.

Nhiều khung cửa bị phá vỡ. Ảnh: Nguyễn Quý.
Để tìm hiểu cụ thể về 2 dự án trên của Tập đoàn TKV, PV Đại đoàn kết đã liên hệ với Tập đoàn. Ngày 13/6, người được Tập đoàn giao làm việc với PV, ông Phạm Quốc Việt Trung, cho biết: “Tuần vừa rồi lãnh đạo phụ trách đi công tác vắng nên văn phòng chưa báo cáo được, hẹn em sang tuần sẽ thông tin nhé”.
Tuy nhiên, đến ngày 30/6, khi liên hệ lại, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía đại diện Tập đoàn.