Ly kỳ chuyện thần mã khóc chủ bí ẩn nhất Việt Nam

Trong các trận chiến thời phong kiến, kỵ binh là 'mũi tiến công chiến lược' và 'thần tốc' của các bên tham chiến. Lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII cũng có một chiến mã không những dũng mãnh mà còn nặng tình với chủ nhân đến kinh ngạc.

Lai lịch chủ nhân Bạch mã

Việt Nam thế kỷ XVIII là giai đoạn của phong trào khởi nghĩa nông dân chống lại các tập đoàn phong kiến trong Nam ngoài Bắc. Một trong những cuộc khởi nghĩa thành công, lật đổ được các thế lực cầm quyền xác lập chế độ mới, đó là khởi nghĩa Tây Sơn.

 Tượng Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc tại Bảo tàng Quang Trung.

Tượng Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc tại Bảo tàng Quang Trung.

Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Nhạc (1743-1793) được biết đến là người anh cả, tiếp đó là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc là lãnh đạo đầu tiên của phong trào khởi nghĩa nông dân, là vị vua sáng lập ra nhà Tây Sơn và trị vì từ năm 1778 đến 1788, xứng là Thái Đức Hoàng đế. Về sau, ông trao lại quyền lãnh đạo khởi nghĩa cho Nguyễn Huệ và trở về làm Tây Sơn vương.

Buổi đầu cuộc khởi nghĩa, vấn đề lương thảo, vũ khí, chiêu binh mãi mã ở vùng đất Tây Sơn (Bình Định) gặp phải nhiều khó khăn. Song với tài thao lược và ý chí sắt đá, Nguyễn Nhạc từng bước dẫn dắt cuộc khởi nghĩa đạt được những thành tựu và tiếng vang, tạo tiền đề cho các chiến thắng quân sự và xác lập vị thế của nhà Tây Sơn giai đoạn sau. Trên vùng đất Tây Sơn ngày nay, dấu tích về cuộc khởi nghĩa và những anh hùng năm xưa rất dày đặc. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện đặc biệt giữa Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc và con ngựa quý Bạch mã.

 Bạch mã (nguồn internet).

Bạch mã (nguồn internet).

Tình cảm sâu nặng chủ tớ đương thời và hậu thế

Đương thời, Hoàng đế Nguyễn Nhạc có một con Bạch mã rất tốt, thân to lớn như ngựa Bắc Thảo, lông trắng như tuyết, đuôi và kỳ mao mịn như tơ. Hoàng đế hết mực yêu quý chiến mã này. Sau khi Nguyễn Nhạc băng hà, đột nhiên con Bạch mã xổng chuồng chạy mất, quan quân huy động lực lượng đi tìm nhưng đành bất lực quay về. Không lâu sau đó, cứ vào mỗi buổi chiều, người dân trong vùng Hoành Sơn (Tây Sơn, Bình Định) lại trông thấy bóng dáng Bạch mã, lúc thì đi thơ thẩn dưới chân núi nơi có gò đất tương truyền là mộ của Thái Đức Hoàng đế, khi lại chạy nước đại lên đỉnh núi hí những tiếng ai oán, não nùng, như tiếng khóc thương chủ nhân.

Mọi người sống quanh khu vực đó đều tin rằng đây chính là con Bạch mã năm xưa xổng chuồng chạy mất, hoặc có thể chỉ là hồn thiêng của Bạch mã vì thoắt ẩn, thoắt hiện trở về tìm chủ cũ.

Từ đây, để tưởng nhớ vị Hoàng đế đầu triều Tây Sơn và công lao của vương triều mang lại, dân chúng trong vùng không nuôi loại ngựa trắng. Khi những nấm mộ giả dưới chân núi Hoành Sơn bị phá bỏ, người dân trong vùng không còn thấy bóng Bạch mã xuất hiện nữa. Phải đến khi phong trào Cần Vương ở Tây Sơn bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Mai Xuân Thưởng, mọi người lại thấy Bạch mã xuất hiện trở lại. Người dân địa phương càng kính sợ và cho rằng đó là ngựa thần.

Đan Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ly-ky-chuyen-than-ma-khoc-chu-bi-an-nhat-viet-nam-1237142.html