Ly kỳ chuyện về bức tượng Lenin từng được đặt ở Đức Quốc xã

Bức tượng Lenin bằng đồng của nhà điêu khắc Manizer từng bị quân phát-xít đưa khỏi làng Tsarskoye (Nga) đến thành phố Eisleben của Đức để nấu chảy. Tuy nhiên, tượng vẫn tồn tại trên lãnh thổ nước Đức với câu chuyện ly kỳ.

Ngày 2-7-1945, những người lính Liên Xô tiến vào thành phố Eisleben, quê hương của nhà thần học Martin Luther. Họ ngạc nhiên khi thấy trên quảng trường trung tâm thành phố có bức tượng Vladimir Ilich Lenin - tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Liên Xô Matvei Manizer (1891-1966). Đây là bức tượng Lenin đầu tiên được dựng tại Đức. Vậy bức tượng đã từng trải qua thời gian như thế nào trên lãnh thổ của quân phát-xít?

Tượng Lenin ở thành phố Eisleben, năm 1974. Ảnh: Dguendel (CC BY-SA 4.0).

Tượng Lenin ở thành phố Eisleben, năm 1974. Ảnh: Dguendel (CC BY-SA 4.0).

Tượng Lenin ở làng Detskoye

Hầu như bất kỳ ai, dù chỉ một lần đến Moskva, đều bắt gặp những tác phẩm điêu khắc của Matvei Manizer. Ông là tác giả của những bức tượng ở nhà ga tàu điện ngầm “Quảng trường Cách mạng” tại thủ đô nước Nga.

Những năm 1920, Manizer đã xây dựng dự án đúc tượng Lenin bằng đồng. Những bức tượng lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới với dáng vẻ quyết đoán, đội mũ cát két và mặc comple, tay trái giữ mép cúc áo, tay phải cho vào túi quần, được đặt tại thành phố Khabarovsk (Nga), Kirovograd (nay là Kropivnitsky, Ukraine), Kuibyshev (nay là Samara, Nga). Tượng cũng được đặt tại làng Tsarskoye trước đây (sau này là làng Detskoye, và từ năm 1937 đổi tên thành làng Pushkin). Tại đây, tượng Lenin được dựng vào năm 1926 trước nhà chăm sóc thương bệnh binh, sau này đổi thành nhà điều dưỡng Công đoàn Liên Xô.

Năm 1941, khi quân phát-xít Đức chiếm làng Pushkin, chúng rất để ý đến bức tượng Lenin bằng đồng cao 3,2 mét và nặng hơn 3 tấn. Sau đó, chúng đã tháo dỡ tượng ra khỏi bệ và đưa về Đức để nấu chảy.

Tượng Lenin trước nhà điều dưỡng Công đoàn Liên Xô tại làng Detskoye (từ năm 1937 đổi tên thành làng Pushkin), năm 1933-1940. Ảnh: Pastvu.com.

Tượng Lenin trước nhà điều dưỡng Công đoàn Liên Xô tại làng Detskoye (từ năm 1937 đổi tên thành làng Pushkin), năm 1933-1940. Ảnh: Pastvu.com.

Câu chuyện ly kỳ

Câu chuyện về bức tượng sau đó càng trở nên ly kỳ, khi trên thực tế, phát-xít Đức dù có chuyển bức tượng đi đâu để nấu chảy, thì lúc đó khắp nơi trong số những cán bộ ngành luyện kim đều có những người theo chủ nghĩa xã hội ẩn mình. Những người này viện nhiều lý do khác khau để từ chối việc nấu chảy tượng Lenin. Cuối cùng, bức tượng đã được chuyển đến nhà máy Mansfeld AG (tên khác là Krüghutte) ở thành phố Eisleben.

Tượng Lenin được đưa đến nhà máy Mansfeld AG năm 1943 trên những toa tàu chở kim loại chiến lợi phẩm mà quân phát-xít Đức thu được của Liên Xô và rất cần cho ngành công nghiệp của Đức để sản xuất vũ khí. “Tôi còn nhớ, bức tượng khi đó nằm úp lại, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra qua hình chiếc mũ cát két”, một công nhân theo chủ nghĩa xã hội có tên Helmut Gelman, người đã tận mắt nhìn thấy, kể lại.

Năm 1945, biết được thành phố Eisleben sẽ trở thành một phần lãnh thổ thuộc Đông Đức do Liên Xô tiếp quản, người ta đã quyết định dựng tượng Lenin lên bệ. Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào thành phố, những người lính đã sửng sốt nhìn thấy trên quảng trường trung tâm bức tượng vị lãnh tụ cách mạng vô sản. “Lenin đã đến đây trước cả chúng ta”, những người lính Nga thốt lên.

Tượng Lenin trong bảo tàng ở Berlin. Ảnh: Legion Media.

Tượng Lenin trong bảo tàng ở Berlin. Ảnh: Legion Media.

Mặt sau bệ tượng bằng gỗ được các công nhân Đức viết lên dòng chữ với nội dung về việc những người chống phát-xít ở nhà máy đã ngăn cản, không cho nấu chảy bức tượng. Ngày 2-7-1945, họ đã đặt bức tượng trên quảng trường thành phố để “chào mừng Hồng quân Liên Xô”. Ngày 1-5-1948, tượng Lenin chính thức được phía Liên Xô trao cho thành phố Eisleben.

Năm 1958, nhà điêu khắc Matvei Manizer cùng đoàn cán bộ văn hóa Liên Xô đã đến thăm thành phố Eisleben, bất ngờ nhận ra tác phẩm của mình. Hai năm sau, để “đáp lễ”, người ta đã chuyển đến làng Pushkin bức tượng người cộng sản Đức Ernst Thälmann và dựng tại đúng vị trí trước đây đặt tượng Lenin của nhà điêu khắc Manizer (hiện đã được chuyển sang đặt trên đại lộ Sophia). Đến năm 1970, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Vladimir Ilich Lenin, xưởng thủ công Meissen còn cho sản xuất kỷ niệm chương bằng sứ in hình bức tượng lãnh tụ giai cấp vô sản thế giới này.

Sau khi nước Đức thống nhất, năm 1991, tượng Lenin ở Eisleben được chuyển đến Bảo tàng lịch sử Đức ở Berlin.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ly-ky-chuyen-ve-buc-tuong-lenin-tung-duoc-dat-o-duc-quoc-xa-660302