Lý Nhân nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích nuôi thủy sản
Huyện Lý Nhân có diện tích mặt nước nuôi thủy sản khá lớn, khoảng 1.500 ha. Đồng thời, với lợi thế nằm ven sông Hồng, nhiều năm qua, địa phương đã khai thác tốt việc nuôi cá lồng bè. Nhờ tích cực áp dụng nuôi thủy sản theo phương pháp, kỹ thuật mới, đa dạng các đối tượng con nuôi… chăn nuôi thủy sản ở Lý Nhân đã phát huy được hiệu quả.
Huyện Lý Nhân có diện tích mặt nước nuôi thủy sản khá lớn, khoảng 1.500 ha. Đồng thời, với lợi thế nằm ven sông Hồng, nhiều năm qua, địa phương đã khai thác tốt việc nuôi cá lồng bè. Nhờ tích cực áp dụng nuôi thủy sản theo phương pháp, kỹ thuật mới, đa dạng các đối tượng con nuôi… chăn nuôi thủy sản ở Lý Nhân đã phát huy được hiệu quả.
Xã Trần Hưng Đạo có diện tích ao, hồ, đầm nuôi thủy sản 165,5 ha và 149 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng. Để phát triển sản xuất, các cơ sở, hộ nuôi thủy sản trên địa bàn đã tích cực áp dụng kỹ thuật tiên tiến nâng cao cả về năng suất, giá trị, như: Nuôi thủy sản chuyên canh, thâm canh, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”… Sản lượng thủy sản hằng năm của xã đạt bình quân hơn 585 tấn, tăng lên đáng kể so với trước.
Điển hình là Khu nuôi thủy sản thâm canh và ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng nằm ngoài bãi sông Hồng có diện tích mặt nước rộng 15 ha được doanh nghiệp đầu tư đồng bộ khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Theo đó, 2 đầm nuôi có tổng diện tích 10 ha được áp dụng biện pháp thâm canh, chủ yếu nuôi cá trắm đen. Diện tích còn lại được đầu tư xây dựng các bể nuôi theo công nghệ “sông trong ao” nuôi chuyên canh. Cùng với cá trắm đen, doanh nghiệp nuôi một số loại cá khác có giá trị kinh tế cao, như: chép, diêu hồng và giống chép Koi cung cấp nhu cầu nuôi làm cảnh… Năng suất cá tại diện tích nuôi của doanh nghiệp đạt bình quân hơn 10 tấn/ha. Chỉ tính riêng sản lượng cá trắm đen mỗi năm đạt hơn 100 tấn, phần lớn tiêu thụ cho làng kho cá của xã Hòa Hậu.
Ông Bùi Văn Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng cho biết: Hướng phát triển nuôi thủy sản của doanh nghiệp đang phát huy tốt hiệu quả, tăng hơn 2 lần so với nuôi thông thường. Công ty đang hướng đến đa dạng thêm các loại sản phẩm, cung cấp theo nhu cầu ngày càng cao của thị trường…
Diện tích nuôi cá thâm canh của Công ty cổ phần Nông nghiệp Nam Sông Hồng, Xã Trần Hưng Đạo. Ảnh: Thành Nam
Theo tìm hiểu của phóng viên trên địa bàn huyện Lý Nhân, hiện nay có nhiều diện tích nuôi thủy sản đang phát huy tốt hiệu quả. Tại HTX nuôi trồng thủy sản xã Châu Lý có hộ dân đã chuyển đổi chuyên nuôi cá chép Koi phục vụ nhu cầu nuôi cá cảnh. Việc nuôi cá chép Koi được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, nhất là sử dụng men vi sinh làm sạch môi trường nước, phòng chống dịch bệnh… Trên diện tích sản xuất khoảng hơn 1 ha, đã đem lại giá trị trên 1 tỷ đồng. Với diện tích thủy sản nuôi theo hình thức ao nổi chuyển đổi từ đất lúa, người dân áp dụng phương thức thâm canh đa dạng các loại cá, như: Chép, trắm trắng... Giá trị sản xuất trên diện tích ao nổi nuôi thủy sản tăng gấp 3 – 4 lần cấy lúa. Nuôi thủy sản ao nổi cơ bản không phá vỡ mặt bằng, có thể quay trở lại cấy lúa khi cần thiết. Một số hộ có diện tích mặt nước trên địa bàn huyện đã chuyển sang nuôi tôm càng xanh, ốc nhồi chứng minh được hiệu quả.
Đặc biệt, các xã ven sông Hồng phát triển nghề nuôi cá lồng, với tổng số 408 lồng cá. Tại đây, nhiều loại cá có giá trị được nuôi thành công như: cá lăng, chép lai, diêu hồng, rô phi đơn tính. Tính bình quân mỗi lồng nuôi thu 7– 8 tấn cá thịt/năm. Giá trị các loại cá nuôi lồng bè cao hơn 1,2 – 1,5 lần cá truyền thống. Theo ông Trần Văn Sỹ, hộ nuôi cá lồng bè trên sông Hồng lâu năm tại xã Phú Phúc, nuôi cá lồng trên sông Hồng có khá nhiều lợi thế, nhất là môi trường, nguồn nước được bảo đảm hơn so với trong đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lý Nhân có gần 50% diện tích mặt nước nuôi thủy sản được áp dụng theo hướng thâm canh cao và chuyên canh. Nổi bật tại xã Chân Lý có gần 80% diện tích trong tổng số 127 ha mặt nước được nuôi thâm canh, xã Trần Hưng Đạo có hơn 83% diện tích nuôi thâm canh và chuyên canh… Với tổng giá trị thủy sản của huyện 280 tỷ/năm, cho giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 180 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích thủy sản nuôi thâm canh, chuyên canh đạt khoảng 360 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần bình quân chung.
Bà Trần Thị Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Nhân cho biết: Diện tích nuôi thủy sản của huyện đang được duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả. Phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ để nuôi thủy sản phát triển hơn nữa, nhất là hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị…
Huyện Lý Nhân xác định nuôi thủy sản là một trong những hướng đi chính trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Do vậy việc nâng cao giá trị sản xuất thủy sản không những giúp khai thác tốt tiềm năng diện tích mặt nước mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển hơn nữa.