Lý Sơn - Điểm đến hấp dẫn sau Tết
Sau Tết, thời tiết thuận lợi, lượng du khách đến tham quan đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tăng mạnh.
Ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp khai thác thế mạnh du lịch biển đảo gắn với công tác bảo tồn để Lý Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.
Chị Nguyễn Thị Thúy, du khách ở thành phố Hồ Chí Minh rất thích thú khi chọn Lý Sơn là điểm đến trong những ngày đầu Xuân này: “Gia đình tôi đến đây đúng vào dịp đầu Xuân. Lý Sơn rất hiền hòa, chân chất. Không khí rất trong lành. Cảnh vật ở nơi đây rất đẹp, đặc biệt là những dấu vết của trầm tích núi lửa, những núi đá, rêu xanh, tạo cảnh vật rất tự nhiên.
Tôi cảm thấy rất tuyệt vời”.Từ sau Tết đến nay, mỗi ngày huyện đảo Lý Sơn , tỉnh Quảng Ngãi đón gần 3.000 lượt khách tham quan. Thời tiết những ngày đầu Xuân khá đẹp, du khách ra đảo ngày càng đông. Với lợi thế về biển đảo, cảnh đẹp hoang sơ, độc đáo, Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Những năm gần đây, lượng du khách đến đảo Lý Sơn ngày càng đông. Sức hấp dẫn của Lý Sơn không dừng lại ở vẻ đẹp về cảnh quan, biển đảo. Đến Lý Sơn vào mùa lễ hội, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đậm chất dân gian miền biển với những lễ hội cầu ngư, đua thuyền tứ linh truyền thống… Ông Trần Văn Thạnh, du khách từ Hà Nội vào đây cho rằng, với những di tích văn hóa, lịch sử độc đáo, Lý Sơn được ví như một bảo tàng di sản hấp dẫn du khách.
“Những người đi du lịch thường tìm đến những nơi có những lễ hội truyền thống. Tôi thấy bà con ở Lý Sơn duy trì được truyền thống của quê hương. Điều này rất quan trọng, nó góp phần phát triển du lịch của Lý Sơn”, ông Thạnh nói.
Theo ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nơi đây là một bảo tàng văn hóa biển, đảo sống động, với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo được lưu giữ từ ngàn đời nay. Địa phương tập trung khai thác thế mạnh phát triển du lịch văn hóa biển, đảo gắn với công tác bảo tồn.
Ông Nguyễn Viết Vy cho rằng, chính người dân sẽ được hưởng lợi từ du lịch và trực tiếp bảo vệ Lý Sơn: “Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Lý Sơn đặt mục tiêu, định hướng phát triển theo hướng bền vững, giữ được giá trị riêng có của huyện Lý Sơn. Phát triển gắn với bảo tồn. Quan trọng hơn nữa là mở ra cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên đảo Lý Sơn”.
Tỉnh Quảng Ngãi đã chọn Lý Sơn làm vùng lõi để xây dựng Công viên địa chất toàn cầu. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, khi được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, du lịch Lý Sơn sẽ phát triển theo hướng bền vững, gắn kết di sản với cộng đồng.
“Du khách biết đến Quảng Ngãi, một là thương hiệu về Văn hóa Sa Huỳnh ; thứ hai là Công viên địa chất gắn với biển đảo Lý Sơn. Ngành đang dồn tâm huyết vào hai mảng này, lồng ghép và xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh. Chúng tôi muốn mượn “cái vỏ” thiên nhiên là những xác núi lửa, biển đảo gắn với cài hồn là văn hóa Sa Huỳnh. Để làm được việc này, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, bền vững, chứ không phải cứ qua một đêm là có”, ông Trí nhấn mạnh.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12369/202001/ly-son-diem-den-hap-dan-sau-tet-5667439/