M1 Abrams có khoang vũ khí như T-14, mạnh hơn T-90?
Theo National Interest, với thiết kế tối tân, xe tăng M1 Abrams của Mỹ sở hữu sức mạnh hơn hẳn T-90 do Nga sản xuất.
Mở đầu bài viết, báo Mỹ cho rằng, xe tăng T 90 sử dụng hệ thống phong thủ chủ động quang học điện tử Shtora, hệ thống này không chỉ gây nhiễu hệ thống dẫn đường bằng laser qua bộ phát mà còn sử dụng lựu đạn khói để tạo ra một đám mây xung quanh xe với tác dụng làm mất phản xạ laser và che mắt xạ thủ để xe rút lui.
Với M1 Abrams, người Mỹ luôn tự hào có lớp giáp Chobham cao cấp đã được nâng cấp trong nhiều năm. Ưu điểm của Abrams còn có khoang chứa đạn riêng biệt (tương tự trên T-14), giúp giảm khả năng phát nổ khi gặp hỏa lực của đối phương.
Xe tăng M1 Abrams chỉ có thể di chuyển 386 km mà không cần tiếp nhiên liệu, trong khi T-90 có tầm hoạt động hơn 480km. Với chỉ số này, M1 tỏ ra khiêm tốn đôi chút so với T-90 nhưng Abrams lại có hỏa lực mạnh hơn.
Cuối cùng báo Mỹ kết luật: "Dù T-90 là loại tăng mạnh cả về công và thủ nhưng xét về tổng thể, rõ ràng T-90 kém hơn so với M1 Abrams của Mỹ".
Không chỉ National Interest đánh giá cao tăng Mỹ, theo bảng xếp hạng mới đây của Military-Today cho thấy, tăng Abrams đứng thứ 2 top 10 chiến tăng mạnh nhất thế giới và điều bất ngờ trong bảng xếp hạng này là, T-90A bị xếp vị trí thứ 9 và chỉ đứng trên tăng Oplot-M của Ukraine.
Dù đứng chót vót trên bảng xếp hạng nhưng năng lực trong thực chiến của tăng Mỹ khác xa với T-90. Theo số liệu thống kế của trang RIAN, số lượng các xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams do Mỹ cấp cho Quân đội Iraq đang giảm nhanh tột độ, sau khi hàng tá xe tăng loại này bị tên lửa của phiến quân nướng chín trong các trận chiến.
Giai đoạn năm 2013 - 2014, Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 146 xe tăng M1 cho Sư đoàn 9, quân đội Iraq.
Tuy nhiên, sau khi đi vào chiến đấu, các xe tăng này gần như không thể hiện được sức mạnh chiến đấu trong điều kiện đô thị, một số lượng lớn bị tên lửa của phiến quân phá hủy và bị thu làm chiến lợi phẩm. Trong khi đó, bị xếp vị trí bét bảng nhưng T-90A của Nga đã thể hiện thành tích chiến đấu rất ấn tượng.
Từ khi tham gia tấn công khủng bố tại Syria, đã có ít nhất 6 lần IS dùng tên lửa TOW tấn công T-90A nhưng chưa một lần chiến tăng này bị phá hủy.
Lần đầu tiên là vào tháng 2/2016, khi đó chiếc T-90A đã trúng tên lửa ngay mặt trước tháp pháo, nhưng lớp giáp phản ứng nổ Kontact-5 giúp nó chỉ thiệt hại nhẹ. Hình ảnh ghi nhận được công bố cho thấy lớp giáp Kontact-5 này đã hoạt động tốt khi chiếc T-90A bị trúng quả tên lửa TOW.
Một tiếng nổ lớn bùng lên từ giáp phản ứng nổ, đẩy đầu đạn của TOW ra khỏi xe tăng, giúp cho lớp giáp chính không bị xuyên thủng. Sau tiếng nổ, tháp pháo xe tăng vẫn còn nguyên vẹn, hộp đạn của súng máy 12,7 ly trên xe không bị bung ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy đạn pháo bên trong xe tăng bốc cháy.
Có thể nói T-90A đã sống sót một cách ngoạn mục sau cú đòn. Hồi tháng 4/2017, phiến quân IS tiếp tục dùng tên lửa TOW đánh trúng sườn 1 chiếc T-90A. Tuy nhiên, sau khi ăn trọn quả đạn, xe tăng Nga vẫn di chuyển bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra.