Ma Thiên Lãnh
Đúng là duyên kỳ ngộ! Đang viết dở cuốn tiểu thuyết có phần nói về Nguyễn Ánh bôn tẩu Nam Kỳ và cái chết oan khuất của bà Phi Yến vợ thứ Nguyễn Ánh.
Viết đến đây nghĩ bụng nếu ra được Côn Đảo viếng di tích bà Phi thì hay biết mấy! 40 năm tôi không có dịp quay lại đây kể từ lần đầu tình cờ được ghé thăm đúng 8 tiếng đồng hồ. Lần này may mắn hơn, có người cháu mời ra khai trương một cái khách sạn mi ni ở đây, giập gẫy một ngày chuẩn bị laptop, máy ảnh, thế là lên đường.
Côn Đảo đã thay đổi hoàn toàn! Từ một phố huyện âm u ngập tràn âm khí, nay những con đường nhựa rộng đẹp ngang dọc như bàn cờ làm nền cho một đô thị du lịch hiện đại đã hiện hữu ở khu trung tâm, từ đó tỏa ra những con đường lớn xuyên dọc và bao quanh đảo đã hoàn thành từng đoạn để tiến dần vào vùng rừng núi hoang vu. Từ khách sạn phố trung tâm, chỉ mười lăm phút xe ôm dọc đại lộ xuyên đảo Nguyễn Văn Linh, đến một ngã ba, anh xe ôm đánh tay lái rẽ chừng dăm chục mét dừng lại trước một cổng tam quan có dòng chữ đắp nổi AN SƠN MIẾU. Đó, đền thờ bà Phi Yến đó, anh bảo.
Ông thủ từ tên Tư Trước cai quản miếu 18 năm nay dẫn chúng tôi vào gian chính điện thắp hương khấn vái đâu đấy rồi mời ra uống nước. Biết công việc của tôi, ông nhiệt tình kể lại đầu đuôi câu chuyện cũng như lịch sử ra đời ngôi miếu thờ bà Phi. Tôi tranh thủ ghi chép, chụp ảnh lấy tư liệu… kỹ lưỡng mất cả tiếng đồng hồ. Một tập tư liệu quí, và tôi tự nhủ, chuyến đi ngắn mà kết quả thì thật không ngờ!
Từ miếu Bà Phi tôi có ý định tranh thủ đi thăm các di tích nhà tù Côn Đảo để dành thời gian trọn buổi tối cùng mọi người vào thắp hương mộ Cô Sáu ( dân địa phương bảo cô Võ Thị Sáu thiêng lắm vì cô đã hiển thánh, khách thập phương ai ra đảo cũng đi lễ mộ Cô Sáu ). Chúng tôi đi theo con đường ven hồ nước dài rộng cả cây số mang tên hồ Quang Trung, nơi quanh năm đầy ắp nước ngọt dự trữ cho cả đảo.. Con đường trải nhựa trồng cây đẹp như một bức tranh sơn thủy. Đến một đoạn, thấy ven đường có cái biển hướng dẫn giao thông đề ba chữ lớn MA THIÊN LÃNH và hình mũi tên hướng về bên trái. Đứng trên đất Côn Đảo lúc này, hồi ức ào ào trở lại trong tôi. Đúng rồi, Ma Thiên Lãnh là một địa danh nổi tiếng rùng rợn được nhắc đến nhiều lần trong tiểu thuyết lừng danh VƯỢT CÔN ĐẢO của cố nhà văn Phùng Quán. Tôi hỏi chú xe ôm biển đề vậy là sao? Chú bảo đó là hướng đi lên Ma Thiên Lãnh. Có xa không, ở đó có gì không? Lên đấy chừng 2 cây số, trên đó có cây cầu và miếu thờ các tù nhân ngày xưa bị Pháp đánh chết khi xây cầu! Thế thì chú cho tôi lên đó luôn!
Từ đường ven hồ rẽ ngoặt vào một con đường ven núi, ngay chỗ cua tay áo đã thấy cái biển đề ĐƯỜNG MA THIÊN LÃNH. Xe máy cài một số lùi ì ì lên dốc, được một đoạn lại lùi một số nữa, tiếng máy gầm vang mới đủ sức trườn lên phía trước dưới sức nặng tạ rưỡi của cả khách và chủ. Con đường trải nhựa rộng chừng chục mét, bên trái là bờ thành dựng đứng ngăn con suối xây ghép bởi những tảng đá lớn được đục đẽo vuông vức, bên phải là thành núi đá còn hằn rõ những vết đục đẽo nham nhở của bàn tay con người. Ngoái lại phía sau, ống xả con Future 125 phun ra từng luồng dài khói đen khét lẹt núi rừng. Tôi cố mường tượng lại hình ảnh từng đoàn tù khổ sai chân bị xiềng xích và tay trần đục đẽo núi đá mở đường và không ít người đã chết gục dưới làn mưa gậy gộc của lũ cai tù. Họ đã truyền cho nhau lòng căm thù và chí khí phục hận qua những vần thơ nhỏ máu;
Bọn Pháp Nhật muốn trước khi trải nhựa
Lót một lần óc sọ của tù nhân.
... Khoảng hai cây số như thế con xe nấc lên từng hôi rồi dừng lại. Anh tài ôm quệt mồ hôi trán bảo, Ma Thiên Lãnh đây rồi chú ơi!
Trước mặt tôi lúc này là một khoảng không gian mở rộng. Con suối đến đây cũng mở rộng ra và chạy vòng sang phải cắt ngang con đường. Phía bên kia suối là một dải đất hẹp khá bằng phẳng trải dài ôm lấy sườn dựng đứng của một ngọn núi cao. Anh xe ôm bảo đấy là ngọn Núi Chúa, đỉnh cao nhất của hòn Côn Sơn Côn Đảo. Thị trấn Côn Đảo nơi chúng ta đang ở nắm ở phía Bắc đảo, bên kia Núi Chúa là vùng rừng nguyên sinh Nam đảo, hiện được qui hoạch là Vườn Quốc Gia Côn Đảo. Chiếc cầu lớn chúng ta đang đứng đây Nhà nước mình cho xây dựng để du khách qua đó có thể đi vào vườn Quốc Gia. Con đường này không thể vượt qua núi sang Nam đảo, muốn vượt qua phải theo con đường khác chạy vòng quanh đảo hiện Nhà nước đang cho xây dựng. Cạnh cây cầu lớn này, chếch sang trái mấy chục mét chú thấy đấy chính là dấu vết còn lại của hai mố cầu mà người Pháp cho xây từ năm 1930 với ý định mở một con đường hầm xuyên qua Núi Chúa sang Nam đảo, nhưng đến khi cách mạng tháng Tám 1945 thì bỏ dở dang, đây chính là cây cầu mang tên Ma Thiên Lãnh. Cái tên nghe rất rùng rợn này, theo các người già trên đảo kể lại, là do các người tù khổ sai thời Pháp đặt ra. Họ bị xiềng xích tay chân lên đây từng đoàn, công việc hàng ngày lao dịch phá núi xẻ đá xây cầu, tất cả chỉ bằng sức lực chân tay. Khí hậu khắc nghiệt sơn lam chướng khí, ăn đói mặc rét, bị đánh đập tàn nhẫn, bị đá đè nên tù nhân ở đây bị chết rất nhiều. Trong khoảng 15 năm xây cầu này đã có tới 356 tù nhân bị chết ở đây. Tù nhân Côn Đảo sợ cái lãnh địa chết chóc ma quỉ và âm khí ngút trời này như một điều ám ảnh khủng khiếp nên nghĩ ra cái tên Ma Thiên Lãnh để nhắc nhở nhau và cũng là để khắc sâu mối thù muôn kiếp đối với bọn giặc cướp nước tàn bạo.
Tôi ngồi trên phần mố cầu dang dở Ma Thiên Lãnh bên bờ suối, lặng nghe tiếng suối róc rách từ thung sâu vọng lên, và trong cả tiếng gió ngàn vi vút cánh rừng xa, tưởng như vẫn còn vang vọng trong đó tiếng nấc nghẹn ngào uất hận của những người tù khổ sai mà lòng nao nao trĩu nặng. Tôi ngước mắt nhìn lên tấm bia lớn ghi lại sự tích bi thương của cây cầu đá như muốn mường tượng ra phần nào lịch sử bi thương của đất nước mình. Thương lắm thay và cũng yêu lắm thay!
Trên đường trở về vẫn con đường mang tên Ma Thiên Lãnh, anh xe ôm bảo giờ thì khỏe re, leo dốc số nào đổ đèo số đó. Tiếng máy nổ đều đều và nhẹ như tiếng thở hồi tĩnh sau một chặng đua tốc độ. Có một lúc anh nói với tôi, con đường và cây cầu Ma Thiên Lãnh này có lịch sử đau thương như vậy nhưng ít người biết tới lắm chú à. 100 người đi du lịch đảo thì may ra có một vài người biết mà tìm tới đây thôi, người mà tới tìm hiểu ghi chép kiểu như chú cũng là hiếm lắm đó!
Nghe anh xe ôm nói vậy tôi thấy có chút chạnh lòng, bởi vậy sau chuyến đi tôi liền viết bài này, chỉ muốn kể với các bạn rằng có một địa danh như thế ở Côn Đảo, để nếu có điều kiện ra thăm xin bạn dành chút thời gian ghé qua thắp một nén hương cho những linh hồn bất hạnh còn đang phiêu bạt tận nơi góc bể chân trời.
Theo Chuyện Làng Quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ma-thien-lanh-a9093.html