'Ma trận' thị trường máy đo nồng độ ô xy trong máu
Những ngày này, chỉ cần tìm trên Google từ khóa 'máy đo nồng độ ô xy trong máu' hay 'máy SpO2' sẽ có khoảng 1.850.000 kết quả trong 0,37 giây. Trên các trang web cũng tràn ngập thông tin rao bán các loại máy này, với giá từ hơn 100 nghìn đến vài triệu đồng/máy, khiến người tiêu dùng không biết lựa chọn sản phẩm nào để đảm bảo chất lượng.
Mua bằng niềm tin
Cùng một nhãn hiệu Beurer PO30 (được quảng cáo hàng nhập khẩu chính hãng từ Đức) nhưng theo khảo sát của phóng viên, có nơi bán với giá 1.289 nghìn đồng, nơi khác lại bán 1.490 nghìn đồng, 1.590 nghìn đồng, thậm chí 2.400 nghìn đồng…
Ngoài nhãn hiệu Beurer PO30 được quảng cáo hàng chất lượng cao của châu Âu, tại nhiều nơi còn rao bán sản phẩm của Jziki (Trung Quốc), có mức giá từ 106 – 450 nghìn đồng; IMediCare (Singapore), từ 550 nghìn -1,2 triệu đồng; tương tự, Contec cms50d (Đức), rao bán từ 129 – 790 nghìn đồng... Loại nào cũng được quảng cáo là thương hiệu duy nhất trên thị trường, có dải đo SpO2 từ 0-100%, trong đó chỉ số sai lệch dưới 2%... khiến phóng viên có cảm giác như lạc vào ma trận.
Một nhân viên cửa hàng thuốc trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, mặt hàng máy đo nồng độ ô xy trong máu luôn “đắt hàng”. Đặc biệt từ sau Tết nguyên đán 2022, do mỗi ngày số ca nhiễm tăng cao nên nhiều thời điểm còn cháy hàng, khiến giá cũng tăng theo.
Trong vai người có nhu cầu sử dụng máy, phóng viên được nhân viên bán hàng trên phố Nam Trung Yên (Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) giới thiệu, Contec cms50d là mặt hàng phổ biến nhất hiện nay. “Giá nhiều chỗ bán tới 550 – 600 nghìn/máy, nhưng ở đây em bán 300 nghìn đồng/máy. Việc giá máy chênh lệch nhau khá nhiều như vậy là do lô hàng nhà em nhập được thời điểm giá chưa cao nên hàng bán ra cũng rẻ hơn so với chỗ khác”, nhân viên cửa hàng này cho biết; đồng thời cũng cảnh báo tôi: "Trong thời điểm dịch phức tạp như hiện nay, nhiều nơi lợi dụng làm và bán hàng nhái. Những máy này đo nồng độ không thể chính xác. Còn tại những cửa hàng bán hàng lâu năm, có địa chỉ rõ ràng như nhà em, nếu mua chị gặp trục trặc gì trong khi sử dụng thì được đổi hoàn toàn miễn phí".
Trong quá trình khảo sát, có nhân viên bán hàng còn quả quyết với phóng viên, tiền nào của nấy, máy đắt tiền thì độ nhạy cũng cao hơn, chất lượng tốt hơn. Những máy đo SpO2 dưới 500.000 đồng chắc chắn là hàng hàng nhái, độ sai số rất nhiều. Những máy này lúc nào cũng hiển thị chỉ số tốt (98-99%), nên nếu người bệnh đang ở trạng thái thiếu ô xy thì nguy hiểm thật đến tính mạng.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Khu Đô thị Nam Trung Yên - cho biết: “Trước thị trường giá cả cũng như chất lượng lẫn lộn như hiện nay, tôi chỉ còn cách tìm mua ở những địa chỉ rõ ràng, nơi thân quen mình hay mua, và với niềm tin trong đại dịch con người sẽ yêu thương, san sẻ với nhau nhiều hơn”.
Người dân không nên quá hoang mang
Theo chuyên gia y tế, nhiều ca F0 cách ly tại nhà do quá lo lắng dẫn đến khó thở. Lúc này, máy SpO2 có lợi ích như biết mình khó thở do lo lắng hay thực sự thiếu ô xy để có cách xử trí phù hợp. Tuy nhiên, do thị trường thiết bị y tế trong mùa dịch khó kiểm soát hơn nên người dân cần tìm đến những địa chỉ uy tín và được cấp phép để mua máy, không nên mua trôi nổi trên thị trường, vì máy nhái có thể cho ra những chỉ số sai. Nếu không phải đối tượng nguy cơ cao thì người dân không nên mua mà có thể tải app trên di động để chủ động theo dõi.
Máy SpO2 là thiết bị được sử dụng phổ biến trong ngành y tế. Gần như tất cả những người có bệnh lý về tim, phổi đều sử dụng thiết bị này để theo dõi. Nếu SpO2 > 97% có nghĩa là chỉ số ô xy trong máu bình thường; SpO2 từ 94% - 96%, chỉ số ô xy trong máu bắt đầu có dấu hiệu rối loạn nhẹ nhưng chưa nguy hiểm; SpO2 90% - 93%, chỉ số ô xy trong máu thấp, cần hỗ trợ hô hấp cho người bệnh.
Các bác sỹ chuyên khoa cũng khuyến cáo, thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch. Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại.
Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ COVID-19. Người tiêu dùng vẫn phải theo dõi sát triệu chứng khác của cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lựa chọn loại máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2 phù hợp với mục đích sử dụng. Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau, dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau. Các loại máy dùng ở bệnh viện được kiểm định kỹ thuật và độ chính xác cao so với các máy cá nhân có thể tự mua ở nhà thuốc.
Để quản lý mặt hàng này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã từng có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2 vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, để đo nồng độ ô xy trong máu SpO2 chính xác, người bệnh cần xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2; để cố định bàn tay lên trên mặt bàn, khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn. Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp; người bệnh cử động nhiều; đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp; người được đo SpO2 có sơn móng tay… là những yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2.