Má trồng rau ăn tết
Tiết trời lành lạnh, mưa phùn phây phất rây, lâu lâu hửng lên chút nắng vàng. Theo kinh nghiệm, khoảng thời gian này rất thích hợp cho các bà, các mẹ gieo trồng rau chuẩn bị đón tết.
Nhà tôi ở miền quê nhưng đất đai chẳng mấy dư dả. Ấy thế nên má tận dụng khoảng nhỏ sau hè, một bên trồng ít rau củ, bên còn lại thả mấy con gà. Mấy hôm nay má loay hoay mãi nơi góc vườn nhỏ, nhổ hết những cụm rau già nua, cằn cỗi. Má nhổ cỏ dại, xới lại đất rồi bón thêm ít phân chuồng. Quanh khu vườn, má giăng thêm lớp lưới để những con gà không chạy sang bới đào. Chỉ trong một hôm, khu vườn như được khoác lên áo mới. Má dặn phải làm đất cho thật kỹ thì rau mới sinh trưởng và phát triển tốt, ít côn trùng phá hoại.
Trong chiếc giỏ đi chợ quen thuộc của má những ngày sau có thêm bịch hạt giống với đầy đủ những loại rau. Hạt cải, xà lách, tần ô, củ hành… và có cả hạt dưa leo, đậu que. Má đem hạt gieo đều trên mấy luống đất rồi rải lên trên một lớp tro bếp để tránh kiến. Má thường làm vào sáng sớm vì đó là lúc tiết trời thanh khiết nhất trong ngày.
Chiếc bình tưới có vòi sen mang đến những giọt nước mát lành, giúp hạt giống ghim chặt vào luống đất, tạo độ ẩm cho cả đất và hạt. Những tàu lá chuối được má phủ lên trên là bước cuối cùng. Có năm không kiếm được lá chuối, má dùng rơm để thay thế, làm như vậy để hạt nảy mầm nhanh.
Khi người ta trồng một loại cây nào đó, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy hạt giống nảy mầm và lớn lên từng ngày. Má cũng vậy. Má chăm bẵm những luống rau như chăm chút một đứa trẻ. Tôi nhìn thấy niềm vui nhen nhóm trên gương mặt má ngay giây phút giở lớp lá chuối và trên nền đất một màu xanh đều đặn mơn mởn.
Nhiều năm thời tiết quá lạnh, hoặc chất lượng hạt không tốt khiến những hạt giống không thể nảy mầm, tôi lại thấy nỗi buồn thấp thoáng trong đôi mắt má. Những lần như thế, má chưa bao giờ bỏ cuộc mà cố gắng thay đổi cách thức chăm bón và gieo thêm lứa khác.
Những luống cải non, xà lách, tần ô… dần dà mướt mát. Những luống rau càng cứng cáp, tần suất má ở vườn càng nhiều hơn. Má tỉa bớt chỗ rau mọc dày để cấy vào những chỗ thưa. Đêm, má soi đèn pin để bắt ốc sên cắn đọt. Má còn tận dụng chỗ đất trống, trồng thêm vạn thọ để trưng ngày tết.
Sau khoảng 1-2 tuần, những luống rau đã có thể ăn được. Dây dưa leo, đậu que quấn quýt bên giàn, mới ngang bụng người lớn đã bát ngát hoa, chực chờ cho trái.
Thời điểm đẹp nhất trong vườn rau của má có lẽ là từ rằm tháng Chạp. Khi những lớp mầm xanh ngập tràn đua nhau khoe sắc, những đóa vạn thọ e ấp nụ hoa, bướm ong rập rờn ghé đậu.
Quê tôi chỉ trồng được rau mỗi năm một lần, nên có lẽ nhà nhà đều tận dụng khoảng thời gian ấy. Tôi thích nhất được tận tay nhổ từng loại rau, được với hái trái dưa leo còn đầy gai. Những bữa cơm cuối Chạp đầu Giêng làm sao thiếu được một rổ rau sống hái ở vườn nhà từ bàn tay má.
LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/311988/ma-trong-rau-an-tet.html