Mặc cảm ngoại hình do thường xuyên lê la mạng xã hội
Việc dành nhiều thời gian cho mạng xã hội và các ứng dụng chỉnh sửa ảnh được cho là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tự ti về ngoại hình của mình.
Mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Theo tiến sĩ Gary Goldfield, nhà khoa học cấp cao của Bệnh viện Nhi đồng, Viện Nghiên cứu Đông Ontario, Ottawa, Canada, lợi ích rõ ràng nhất của mạng xã hội là cho phép giới trẻ có thể kết nối, giao lưu với bất kỳ ai, dù ở bất cứ đâu.
Vì vậy, số lượng bạn bè, số người theo dõi hoặc số lượt thích của bài đăng dần trở thành thước đo phản ánh mức độ nổi tiếng của một người. Cuộc đua về mức độ phổ biến ảo cũng có thể dẫn đến áp lực mạnh mẽ trong việc đăng bài và "theo kịp xu hướng" hoặc có nguy cơ bị coi là có cuộc sống kém thú vị.
Bên cạnh đó, những so sánh trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể ảnh hưởng đến cách người trẻ cảm nhận về bản thân. Việc tiếp xúc với những tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế, hoàn hảo trên mạng xã hội có thể hình thành cảm giác không hài lòng về cơ thể và cân nặng của bản thân.
Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Gary Goldfield thực hiện đầu năm 2023 trên nhóm thanh niên Canada 17-24 tuổi sử dụng mạng xã hội hơn 2 giờ mỗi ngày cho thấy phần lớn họ không hài lòng về ngoại hình của mình.
Khi bắt đầu nghiên cứu, họ trả lời các câu hỏi về ngoại hình và cân nặng trên thang điểm từ 1 (không bao giờ) đến 5 (luôn luôn). Trong đó, 31% cảm thấy không hài lòng, thậm chí chán ghét ngoại hình của mình, 40% cảm thấy căng thẳng về cơ thể khi xem ảnh trên mạng xã hội, 35% đã ngừng ăn hoặc ăn ít hơn vì lo lắng về cân nặng, 40% cảm thấy sợ hãi những nhận xét của bạn bè về ngoại hình, 37% cảm thấy buồn và xấu hổ về điều đó.
Trong tuần đầu tiên của cuộc thử nghiệm, nhóm thanh niên được sử dụng mạng xã hội một cách bình thường. Việc sử dụng được theo dõi bằng một chương trình.
Trong tuần thứ hai, một nửa số người giảm thời gian lướt mạng xã hội xuống không quá một giờ mỗi ngày. Họ đã giảm tần suất xuống còn khoảng 78 phút mỗi ngày. Nhóm còn lại tiếp tục sử dụng mạng xã hội trung bình 188 phút mỗi ngày.
Sau đó, những người tham gia một lần nữa trả lời những câu hỏi về ngoại hình và vóc dáng của mình. Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhóm người hạn chế sử dụng mạng xã hội đã có sự cải thiện đáng kể về cách họ nhìn nhận về thân hình của mình.
Theo một nghiên cứu khác được công bố hồi đầu tháng 3/2024 trên tạp chí Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, các nhà nghiên cứu của Đại học Boston (Mỹ) cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với cảm giác không hài lòng về ngoại hình và mong muốn thay đổi đặc điểm cơ thể của một người.
Để có được kết luận cụ thể, nhóm nghiên đã khảo sát 175 người tham gia trên 18 tuổi tại một phòng khám từ tháng 10/2019 đến tháng 6/2022. Các tình nguyện viên đã hoàn thành một bảng câu hỏi về việc sử dụng mạng xã hội, hiểu biết của họ về các quy trình thẩm mỹ và liệu họ có phẫu thuật hay không.
Kết quả cho thấy, những người theo dõi những người nổi tiếng trên mạng xã hội hay quen sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh thường không hài lòng với vẻ ngoài của mình và muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này cũng xảy ra nếu họ theo dõi các tài khoản về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phòng khám da liễu cho thấy kết quả của các thủ thuật thẩm mỹ.
Theo các chuyên gia, trong kỷ nguyên kỹ thuật số giới trẻ tiếp xúc với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hình ảnh mỗi ngày. Phần lớn hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội đều đã được chỉnh sửa cẩn thận thông qua các phần mềm để đảm bảo hình ảnh hoàn hảo nhất, khiến việc so sánh ngoại hình trở nên trầm trọng và nguy hiểm hơn.
Cùng với đó, những bài đăng có nội dung về cuộc sống quá hoàn hảo, về những trường hợp thành công sau khi phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến giới trẻ cảm thấy không hài lòng với ngoại hình của mình và vì thế, khiến cuộc sống của họ không được như mong đợi.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, người dùng mạng xã hội nên tự ý thức được tính hai mặt của nền tảng này. Việc thay thế việc sử dụng mạng xã hội bằng các hoạt động nâng cao sức khỏe tâm thần hơn như hoạt động thể chất, dành thời gian cho thiên nhiên, theo đuổi sở thích và dành thời gian chất lượng cho bạn bè và gia đình có thể mang lại lợi ích tâm lý lớn hơn cho sức khỏe.