Mặc cho lý do phủ màu ảm đạm lên bất động sản ở châu Á, chuyên gia lạc quan về sự phục hồi đúng hướng của quốc gia này
Ngoài lĩnh vực bất động sản, việc Trung Quốc đầu tư vào sản xuất đang được duy trì và chi tiêu tiêu dùng đang bắt đầu quay trở lại đúng hướng. Những điều này sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến các nước còn lại trong ASEAN+3, theo nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3.
Trong bản cập nhật hằng quý về Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 công bố ngày 4/10, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn so với mức dự kiến ba tháng trước, đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này đang lan sang các khu vực khác ở châu Á.
Theo AMRO, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 5%, thấp hơn so với mức 5,5% trong dự báo đưa ra hồi tháng 7. Phát biểu tại cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO - cơ quan giám sát và phân tích các nền kinh tế thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - cho biết cuộc khủng hoảng bất động sản - trở ngại chính đối với tăng trưởng của Trung Quốc, đã trở nên tồi tệ hơn trong quý II.
Sự gia tăng giá bất động sản thời kỳ trước đại dịch COVID-19 đã chững lại trong vài năm qua, phơi bày các khoản nợ của các nhà đầu tư bất động sản và khiến giá nhà lao dốc. Ông Khor nói: “Đó là một vấn đề thực sự về bảng cân đối kế toán và cần phải có một giải pháp thực sự giữa các nhà phát triển bất động sản và chủ nợ”.
Dự báo của AMRO phù hợp với dự báo của các ngân hàng quốc tế và các tổ chức tài chính đa phương khác. Trước khi dữ liệu chính thức của tháng 8 được công bố vào giữa tháng 9, trong đó cho biết có dấu hiệu phục hồi ngành bất động sản, ít nhất 6 tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc trong năm nay thấp hơn so với mục tiêu của chính phủ đề ra là khoảng 5%. Trong nửa đầu năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 5,5% và tăng 3% trong năm 2022.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào sản xuất đang được duy trì và chi tiêu của người tiêu dùng đang bắt đầu trở lại đúng hướng.
Theo AMRO, các thị trường tài chính ở Đông Nam Á và các nước xung quanh đã chịu áp lực trong quý III do lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Báo cáo của AMRO cho biết vụ vỡ nợ hồi tháng 8 của Country Garden - hãng phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc - đã “làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng hệ thống” ở các nước xung quanh. Báo cáo cho biết thêm nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm ở mức 4,3% trong năm tới, thì tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á khác có thể giảm 1,6 điểm phần trăm do thương mại, đầu tư và du lịch giảm. Khu vực ASEAN+3 được dự báo tăng trưởng 4,3% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 4,6% đưa ra vào tháng 7, chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II thấp hơn dự kiến.
ASEAN, khu vực Đông Nam Á với 666 triệu dân và GDP 3.660 tỷ USD, phụ thuộc vào nguyên liệu thô và đầu tư của Trung Quốc cho hoạt động sản xuất xuất khẩu của khối này. Người tiêu dùng Trung Quốc là nguồn cung quan trọng đối với phần lớn ngành du lịch Đông Nam Á.
Nhà kinh tế trưởng Khor lạc quan về sự phục hồi trong ngành sản xuất của Trung Quốc cùng với các biện pháp chính sách “nhanh chóng” được chính phủ thực hiện để hỗ trợ tăng trưởng. Hồi tháng 8, Trung Quốc đã tung ra các biện pháp kích thích để giải cứu thị trường bất động sản. Nhà kinh tế Khor cho rằng những thay đổi đó sẽ thể hiện ở mức tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc, đồng thời dự báo GDP của nước này sẽ tăng 5,3% vào năm tới.
Trong báo cáo triển vọng, ông Khor nêu rõ: “Bất chấp những tin tức ảm đạm về hoạt động kinh tế của Trung Quốc, chúng ta phải nhìn mọi thứ ở góc độ khác. Ngoài lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào sản xuất đang được duy trì và chi tiêu tiêu dùng đang bắt đầu quay trở lại đúng hướng. Những điều này sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến các nước còn lại trong ASEAN+3".