'Mắc kẹt' giữa ranh giới chồng lấn

Sống trong khu vực chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Ngãi, người dân gặp rất nhiều khó khăn

UBND tỉnh Quảng Nam mới đây tiếp tục có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị tháo gỡ vướng mắc về chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) giữa xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My) và xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum); giữa xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) và xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).

Dân khốn khổ trong vùng chồng lấn

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện xã Trà Vinh có 472 hộ, gần 2.000 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay trên địa bàn của 3 thôn. Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ ĐGHC, đường ĐGHC không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương. Trong đó, toàn bộ thôn 3 của xã Trà Vinh với 238 hộ, hơn 1.000 khẩu (100% là đồng bào dân tộc thiểu số) đang sinh sống và canh tác trên địa bàn của xã Đăk Nên.

Tổng diện tích khu vực chồng lấn gần 6.200 ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10 km; diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống được khoanh vẽ hơn 3.000 ha. Năm 2008-2021, các ngành, địa phương của Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức làm việc với tỉnh Kon Tum nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết do vấn đề chồng lấn ĐGHC chưa được giải quyết nên địa phương không thể triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh như đường giao thông, điện thắp sáng, trường lớp học... Nguyên nhân là vì huyện Nam Trà My không thể đầu tư ngân sách xây dựng hạ tầng dân sinh do không thuộc ĐGHC quản lý còn huyện Kon Plong cũng không thể đầu tư hạ tầng vì đối tượng thụ hưởng không thuộc hộ khẩu Kon Tum. "Chính vì vậy, đời sống đồng bào dân tộc Cadong nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc đi lại, giao thương hàng hóa bị ách tắc, sinh hoạt hằng ngày không bảo đảm, việc học tập của trẻ em bị gián đoạn, không bảo đảm an toàn khi điểm dạy và học tạm bợ, xuống cấp…" - ông Dũng nói.

“Mắc kẹt” trong vùng chồng lấn địa giới hành chính, đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh và người dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn

“Mắc kẹt” trong vùng chồng lấn địa giới hành chính, đời sống sinh hoạt, học tập của học sinh và người dân thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My gặp nhiều khó khăn

Ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, cho biết do chồng lấn ĐGHC, người dân thôn 3 sống trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Hiện tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 80% dân số. Cả trăm hộ dân sống chen chúc trên một quả đồi với điều kiện sống còn mang dáng dấp tự cung tự cấp. Mấy chục năm nay, nhiều gia đình đã quen với việc sống mà không có điện lưới.

Hạ tầng giao thông không được đầu tư, đường vào thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My hết sức trắc trở Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hạ tầng giao thông không được đầu tư, đường vào thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My hết sức trắc trở Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Trong khi đó, giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi cũng tồn tại vướng mắc về ĐGHC ở xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) và xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng). Tổng diện tích tự nhiên tại khu vực vướng mắc là 789 ha. Tại khu vực này, có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Cor) của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ổn định từ bao đời nay, nhưng hồ sơ ĐGHC theo bản đồ 364 thì thuộc địa phận của xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi). Lãnh đạo huyện Bắc Trà My cho biết do chồng lấn ĐGHC nên khu vực 97 hộ dân đang sinh sống ở xã Trà Giáp chưa được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng… khiến đời sống người dân còn ở mức thấp.

Đề nghị Bộ Nội vụ sớm giải quyết

Từ thực tế quản lý và nguyện vọng của người dân, Quảng Nam đề nghị Bộ Nội vụ sớm chủ trì, tổ chức làm việc để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về địa giới hành chính nêu trên. Tỉnh Quảng Nam đề nghị tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum điều chỉnh phần diện tích thực tế, ĐGHC các khu vực, diện tích người dân đang sinh sống về lại tỉnh Quảng Nam.

Về vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Kon Tum cho biết quan điểm của tỉnh là sớm có phương án thống nhất, mục đích tạo thuận lợi cho người dân. Nếu người dân thôn 3 xã Trà Vinh đồng ý về xã Đăk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Hạ tầng giao thông không được đầu tư, đường vào thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My hết sức trắc trở Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Hạ tầng giao thông không được đầu tư, đường vào thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My hết sức trắc trở Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Còn tỉnh Quảng Ngãi mới đây cũng đưa ra thông báo chính thức cho rằng, tỉnh này có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định quyền sở hữu đối với phần diện tích đất mà hiện nay 97 hộ dân thôn 1, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My đang sinh sống, canh tác... Qua kiểm tra, rà soát, tuyến ĐGHC giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam đã được xác định rõ ràng ngoài thực địa, hoàn toàn trùng khớp giữa hồ sơ và bản đồ, không có sự chồng lấn.

"Việc hiện nay có 97 hộ với 462 nhân khẩu của xã Trà Giáp sang sinh sống, canh tác trên địa phận huyện Trà Bồng (Tây Trà cũ) là vấn đề xâm canh, xâm cư giữa các địa phương với nhau. Quan điểm nhất quán của tỉnh Quảng Ngãi và các xã có liên quan từ trước đến nay xem đây là vấn đề xâm canh, xâm cư; việc xâm canh, xâm cư là việc diễn ra bình thường của đồng bào các dân tộc nói chung" - thông báo nêu.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đang triển khai, thực hiện dự án tuyến đường kết nối từ thôn Cát, xã Trà Thanh đến khu vực xâm canh, xâm cư của người dân thôn 1, xã Trà Giáp. Chiều dài tuyến khoảng 7 km, thời gian thực hiện, từ năm 2023 - 2025. Sau khi hoàn thành xây dựng hệ thống đường giao thông, việc đi lại của người dân khu vực này về xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My.

Cần bảo đảm đời sống cho người dân

Theo UBND xã Trà Vinh, cuối tháng 4 vừa qua, địa phương vận động các nhà hảo tâm đóng góp 760 triệu đồng để làm cầu treo dân sinh và điểm trường tiểu học thôn 3 nhưng trong quá trình thi công thì UBND xã Đắk Nên lập biên bản buộc tạm dừng thi công. Vấn đề này, ông Trần Duy Dũng cho rằng giải quyết chồng lấn ĐGHC là việc của cấp ủy Đảng và chính quyền của 2 địa phương nhưng cuộc sống nhân dân cần phải được bảo đảm những yêu cầu tối thiểu. Do ngân sách nhà nước không thể đầu tư nên việc vận động nguồn lực xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để xây dựng hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh là cần thiết, cần nhận được sự ủng hộ đồng thuận của chính quyền để phục vụ đời sống nhân dân.

TỬ TRỰC - TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mac-ket-giua-ranh-gioi-chong-lan-196240730202516957.htm