Mặc lệnh trừng phạt, kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga có thể tăng gần 40% trong năm nay
Nga dự kiến thu 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năm lượng trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái...
Khối lượng xuất khẩu dầu thô tăng và giá khí đốt tăng cao sẽ giúp Nga “bội thu” từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay, bất chấp các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga do hãng tin Reuters thu thập được, Nga dự kiến thu 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năm lượng trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là một nguồn lực khổng lồ giúp Nga củng cố nền kinh tế trong lúc hứng chịu sự trừng phạt, chẳng hạn giúp Chính phủ Nga tăng lương để cải thiện mức sống cho người dân.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng thu từ xuất khẩu năng lượng chỉ có thể bù đắp một phần cho những tổn thất mà lệnh trừng phạt gây ra cho nền kinh tế Nga.
“Ảnh hưởng của trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất không đồng đều. Ở một số lĩnh vực, lệnh trừng phạt gây ra thảm họa, chẳng hạn như ngành công nghiệp ô tô. Nhưng ngành dầu khí đến hiện tại nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều”, chuyên gia Janis Kluge thuộc Học viện Quốc tế và an ninh (IISA) của Đức nhận định.
Nhìn chung, dự báo của Bộ Kinh tế Nga cho thấy nền kinh tế nước này đang chống chọi với các biện pháp trừng phạt tốt hơn so với lo ngại ban đầu và suy giảm ít hơn dự báo ban đầu.
Ngoài ngành ô tô, ông Kluge cho rằng còn có hai lĩnh vực khác của Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt, là ngành công nghệ thông tin (IT) và tài chính. “Những ngành này vốn có mối quan hệ chặt chẽ nhất với phương Tây và do đó cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất”, ông nói.
Tài liệu của Bộ Kinh tế Nga dự báo kim ngạch xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm về mức 255,8 tỷ USD trong năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức 244,2 tỷ USD đạt được trong năm 2021 - năm trước khi chiến tranh nổ ra.
Cũng theo dự báo của cơ quan này, giá xuất khẩu khí đốt bình quân của Nga sẽ tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, lên mức 730 USD/1.000 mét khối trước khi giảm dần cho tới cuối năm 2025.
Dòng chảy khí đốt từ Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, đã giảm mạnh trong năm nay. Một số nước châu Âu đã bị Nga cắt khí đốt vì từ chối thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ còn 1/5 công suất đường ống.
Nguồn cung suy giảm khiến giá khí đốt tăng vọt, đặt các nước châu Âu trước nguy cơ phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này và đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Bộ Kinh tế Nga dự báo lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu qua đường ống trong năm nay sẽ giảm về mức 170,4 tỷ mét khối, thấp hơn mức dự báo 185 tỷ mét khối đưa ra hồi tháng 5 và mức 205,6 tỷ mét khối xuất khẩu trong năm 2021.
Tại liệu trên cũng cho biết Nga đã bắt đầu tăng dần sản lượng khai thác dầu thô do bán được nhiều hơn cho khách hàng châu Á, sau một thời gian phải giảm sản lượng dầu vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt. Vì vậy, Nga tăng dự báo cả về sản lượng khai thác và lượng xuất khẩu dầu thô cho tới cuối năm 2025.
Gần đây, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga cho biết xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc đang tăng lên, nhưng không đưa ra con số cụ thể. Châu Âu hiện vẫn đang là thị trường lớn nhất của khí đốt Nga.
Nhìn chung, dự báo của Bộ Kinh tế Nga cho thấy nền kinh tế nước này đang chống chọi với các biện pháp trừng phạt tốt hơn so với lo ngại ban đầu và suy giảm ít hơn dự báo ban đầu.
Đã có thời điểm Bộ Kinh tế Nga dự báo nền kinh tế giảm hơn 12% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể khi Liên Xô cũ tan rã. Giờ đây, cơ quan này dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm 4,2% và thu nhập khả dụng thực tế của người dân giảm 2,8% trong năm 2022.