'Mắc sốt xuất huyết, tôi tưởng mình không qua khỏi'
So với mọi năm, dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng gia tăng bất thường, nhiều bệnh nhân phải nhập viện.
Tự mua thuốc uống
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) các bác sĩ đang tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 30 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nhiều trường hợp nặng phải theo dõi sát sao.
Bà N.T.H (67 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu hạ thấp. Bệnh nhân này chia sẻ bà bị sốt nhưng tự mua thuốc về uống. Tình trạng không đỡ, bà thấy ngày càng mệt hơn, sốt, kèm theo ban dưới da. Khi làm xét nghiệm tại nhà, tiểu cầu của bà bị sụt giảm mạnh, bác sĩ yêu cầu nhập viện cấp cứu. Cả gia đình vội vàng đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Nằm trên giường bệnh, người phụ nữ mệt mỏi than thở: "Tôi không thể ăn uống được, người mệt rã rời, miệng đắng ngắt, tưởng như không thể qua khỏi được".
Chồng bà H. đang chăm sóc vợ cũng cho biết ông không nghĩ vợ mình bị nặng như vậy. Tại viện, các bác sĩ đã truyền tiểu cầu, theo dõi biến chứng của sốt xuất huyết đối với bệnh nhân này.
Trường hợp khác cũng đang điều trị tại viện là anh N.Đ.V (trú tại Thạch Thất, Hà Nội). Anh có triệu chứng sốt cao và nghĩ mình bị sốt xuất huyết vì khu vực sinh sống đang có dịch. Tuy nhiên, anh cho rằng sốt xuất huyết không có gì đáng sợ nên đến một phòng khám gần nhà và được cho uống hạ sốt, nghỉ ngơi ở nhà. Ba ngày sau, tình trạng sức khỏe của anh không cải thiện, thậm chí ngày càng mệt hơn.
Khi ngủ dậy, anh xúc miệng và thấy mình bị chảy máu chân răng dữ dội, kèm theo chảy máu cam. Anh hoảng hốt gọi người nhà đưa đi viện cấp cứu.
Bác sĩ cho biết nếu chậm cấp cứu, bệnh nhân có thể rơi vàng trạng thái sốc, nguy hiểm tính mạng vì xuất huyết nhiều vị trí, tràn dịch màng bụng, màng phổi. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành điều trị, truyền máu cho anh. Mỗi ngày, anh V. được truyền hai bịch máu. Nhìn kim truyền trên tay, người đàn ông này lo lắng vì không nghĩ rằng sốt xuất huyết lại kinh khủng như vậy.
Một mùa dịch có thể mắc 2 lần sốt xuất huyết
Bác sĩ Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết gần đây Hà Nội có hiện tượng thời tiết thất thường vừa nắng, vừa mưa dẫn tới muỗi sinh sôi và phát triển.
Theo bác sĩ này, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân vào viện điều trị sốt xuất huyết tăng hơn rất nhiều. Người bệnh thường có biểu hiện sốt và tự đi mua thuốc về điều trị, nhầm lẫn sốt xuất huyết với cúm A, cúm B và Covid-19.
Ở miền Bắc, cao điểm của dịch sốt xuất huyết thường vào tháng 9-10 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay, dịch bất thường, đến sớm hơn, nhiều bệnh nhân nặng. Trong đó, bác sĩ Hưng lo ngại nhất là biến chứng thoát huyết tương gây trụy mạch hoặc tiểu cầu giảm thấp gây chảy máu dưới da và mất máu cấp.
Lưu ý, sốt xuất huyết có 4 type DEN1, DEN2, DEN3, DEN4 và bệnh nhân có thể tái mắc nhiều lần vì miễn dịch không bền vững. Bệnh nhân có thể mắc tới 2 lần trong một mùa dịch hoặc mắc 2 type khác nhau, lần tái mắc bệnh sẽ nặng hơn lần trước.
Bác sĩ Hưng cho biết sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, bệnh nhân chỉ điều trị theo triệu chứng như sốt uống hạ sốt, bù dịch và theo các biến chứng đi kèm. Do đó, việc phát hiện sớm các trường hợp biến chứng do sốt xuất huyết rất quan trọng.
Theo CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 1.100 ca sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, chưa có ca tử vong. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch, trong đó, quận Hoàng Mai xuất hiện nhiều ổ dịch nhất (8 điểm), tiếp đến là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng (2-3 điểm/quận). Các quận Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức mỗi nơi một ổ dịch.