Mạc Văn Khoa: 'Té sông, lật xuồng, 2h sáng vẫn ngâm mình dưới nước'
'Chưa bộ phim nào tôi uống nhiều thuốc như phim này, đau họng, nhức đầu rồi cảm sốt. Nhiều lần bị té sông, lật xuồng, 2h sáng vẫn quay những cảnh ngâm mình dưới sông' - anh kể.
Từ một diễn viên không có lợi thế về ngoại hình, Mạc Văn Khoa với sự duyên dáng của mình đã trở thành quán quân Cười xuyên Việt (2015). Sau 5 năm, anh đã có bước tiến dài trong nghề, từ thí sinh game show trở thành trưởng phòng của Ơn giời, cậu đây rồi cùng với Trấn Thành, Trường Giang. Mạc Văn Khoa cũng góp mặt trong một số phim điện ảnh, vai diễn Lâm của anh trong Lật mặt: 48h đang nhận được nhiều phản hồi tích cực khi hóm hỉnh và không lố.
"Té sông, lật xuồng, 2h sáng vẫn ngâm mình trên sông"
- Phong cách làm phim của Lý Hải là nói không với ngôi sao, nhưng khi anh nổi tiếng hơn, Lý Hải vẫn chọn anh, tại sao?
- Chắc tôi chưa đủ nổi tiếng chăng! (Cười). Nói vui vậy thôi, tôi không nghĩ mình là một ngôi sao, anh Hải chọn tôi chỉ vì phù hợp cho tuyến hài của phim. Và khi được giao, tôi cũng cố gắng làm sao để thể hiện hết sức mình trong mọi phân cảnh. Chỉ mong được khán giả ủng hộ để phim sau lại hợp tác với anh Hải.
- Hài trong phim hành động làm sao để vừa chừng, không lệch tông?
- Lật mặt: 48h là phim hành động nguy hiểm nhưng tôi lại đảm nhận bên tuyến hài. Nhưng mà cái hài trong phim cũng lại rất khác so với hài tình cảm vì đây là hài hành động. Hài hước vừa đủ thôi để làm sao người xem vẫn thấy sự gay cấn. Nhiệm vụ của tôi chỉ là làm nhẹ đi không khí quá hành động, hài trong mức cho phép và không được quá lố, ảnh hưởng đến tâm lý hành động của các nhân vật khác.
- Cái khó nhất ở "Lật mặt: 48h" với anh?
- Chắc là vấn đề sức khỏe, chưa bộ phim nào mà tôi uống nhiều thuốc như phim này, đau họng, nhức đầu rồi cảm sốt. Nhiều lần bị té sông, lật xuồng, 2h sáng vẫn quay những cảnh ngâm mình dưới sông. Những ngày quay trên sông tôi thường lờ đờ, mệt mỏi vì bị say sóng. Cái nữa là phim này nhiều cảnh nguy hiểm mà phim Việt mình chưa đảm bảo được hết an toàn cho diễn viên như phim nước ngoài.
Cái khó nữa là võ. Mọi người biết tôi không phải là diễn viên chuyên về võ thuật nhưng trong phim cũng có những cảnh quay phải đánh và lại là quay one-shot nên phải đánh chính xác 100%. Mình chỉ sai một chút là phải quay lại phần đó nên cũng áp lực.
- Mạc Văn Khoa thấy Lý Hải là đạo diễn như nào?
- Anh Hải ít nói, nhiều lúc hai anh em ngồi ăn cơm với nhau cũng không biết nói gì. Bên ngoài, anh Hải cũng rất hiền nhưng ra phim thì tập trung 100%.
Làm phim, anh Hải cũng rất chịu khó đầu tư bối cảnh, nhiều lúc, chính diễn viên cũng bất ngờ. Nếu phần 4 toàn rừng là rừng, phần 5 lại toàn nước là nước (cười). Anh Hải cũng là người tự viết kịch bản, ở Việt Nam, không phải ai cũng có phong cách như anh Hải. Đến nổi nóng, anh cũng có nét rất khác các đạo diễn khác, đôi khi hơi buồn cười.
- Còn gì nữa, khi nói về sự khác biệt?
- Phim của Lý Hải không mời diễn viên nổi tiếng để câu khách mà quan trọng là diễn viên có hợp với vai diễn đó hay không. Và thực sự ở trong đoàn phim là không khí của tình thân, rất công bằng.
Không giống như những bộ phim khác diễn viên này ngồi cách xa diễn viên kia, xa ê-kíp. Phim của anh Hải cả đạo diễn lẫn diễn viên khi quay xong là tất cả anh em cùng ngồi ăn cơm giống như một bữa cơm gia đình. Đó là điều anh Hải đã làm được. Sau phim của anh Hải, bao giờ tôi cũng có thêm những người bạn.
"Một ngày chăm con mệt bằng một tuần đóng phim"
- Thành - bại của một bộ phim có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của anh?
- Là diễn viên hay đạo diễn, nhà làm phim thì ai cũng mong phim thành công. Thành công là thăng hoa, cảm giác thích nhất là phim mình đóng ra rạp và mình được đọc những bình luận của mọi người. Đối với những bộ phim thất bại thì tất nhiên mình sẽ buồn nhưng mà trong thất bại đó mình phải nhìn lại xem bởi vì sao.
Có những bộ phim tôi vô cùng thích vai đó và tâm đắc nhưng khi ra lại không được quý vị khán giả đón nhận. Cái khó là mình không thể nào hiểu được thị hiếu của khán giả và càng không định hướng được khán giả khi đứng trên quan điểm và suy nghĩ của cá nhân.
Cái khó là mình không thể nào hiểu được thị hiếu của khán giả và càng không định hướng được khán giả khi đứng trên quan điểm và suy nghĩ của cá nhân.
- Phim “30 chưa phải là Tết" năm ngoái có thể được coi là một thất bại, tâm thế của anh khi đó thế nào?
- Với 30 chưa phải là Tết, khán giả đã không xem được trọn vẹn những cảnh của bộ phim. Phim cũng bị cắt nhiều khúc quan trọng nên không truyền được hết tinh thần. Phim đó tôi cũng rất tiếc.
- Anh bây giờ có còn giữ thói quen bỏ tiền ra rạp mua vé xem phim?
- Trước giờ thì tôi bị nghiện xem phim mà thật sự ngoài đi xem phim thì hai vợ chồng cũng không biết đi đâu. Nhưng từ khi vợ sinh tới giờ và con còn rất nhỏ, không ai chăm nên tôi chưa ra rạp được. Lật mặt: 48h là lần tôi vào rạp sau khoảng thời gian khá dài.
- Cảm giác chăm con nhỏ và cảm giác đi đóng phim khác nhau ra sao?
- Một ngày quay phim rất mệt nhưng chăm con còn mệt hơn. Một ngày chăm con bằng một tuần quay phim mà là trong tâm thế ngủ nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng bật dậy.
Nhưng mỗi lần nhìn con thì tôi như bị đứng hình. Tại sao con mình lại có thể dễ thương như thế? Tại sao con lại nhìn bố như vậy rồi cười? Tại sao con lại nhìn bố rồi khóc vậy con? Đủ thứ diễn ra, phải có con mới hiểu được thật.
- Anh thấy sự khác biệt gì bên trong con người mình từ khi làm cha?
- Tôi già đi 5 tuổi sau khi có con nhưng hạnh phúc. Khi có con, suy nghĩ của tôi trưởng thành hơn, ngày xưa tôi suy nghĩ đơn giản lắm nhưng từ ngày làm chồng, làm cha tôi khác hoàn toàn. Ví như bây giờ mà đổ tiền đầu tư kinh doanh cũng phải chắc chắn vì để thua lỗ, không có tiền thì nuôi con bằng gì.
Tiền bạc trong gia đình, của ai nấy quản
- Anh dự định khi nào làm đám cưới?
- Trong giai đoạn này thì phải chờ con cái cứng cáp chút chứ bây giờ không lẽ vừa cưới vừa làm lễ vừa chăm con nhỏ thì hơi kỳ (cười). Tôi muốn con dự đám cưới của bố mẹ nó, và tôi cũng sẽ cố gắng bù đắp cho vợ bằng việc chuẩn bị một lễ cưới thật đẹp.
- Tài chính trong nhà anh, ai sẽ quản?
- Vợ chồng tôi thì tài chính tự quản, nói chung là mỗi người kiểm soát tài chính của mình. Tôi lấy tiền để mở quán kinh doanh thêm, rồi tích góp để mua nhà, mua xe còn vợ tôi thì có những quán nhỏ mà vợ mở nên tự quản lý, rồi tiết kiệm mua đồ cho con, sinh hoạt gia đình.
- Độc lập nhưng vẫn là một cách khác của đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm?
- Chắc cũng gần như vậy (cười).
- Anh đã vào nghề được 5 năm, nhìn lại hành trình ấy thấy thế nào?
- May mắn nhưng cũng thăng trầm, có phim thành công, cũng có phim thất bại. Đặc biệt trong thời gian dịch, không được đi quay, không được gặp mọi người, tôi nhớ lại hành trình của mình. Tôi thấy mình là người may mắn, nhận được rất nhiều sự giúp đỡ dù ngoại hình xấu, không có lợi thế gì cả.
- Anh tự nhận mình xấu nhưng dường như là “vẻ xấu ra tiền”. Đôi khi không có lợi thế ngoại hình cũng là thế mạnh?
- Không phải tôi tự nhận mình xấu đâu mà bởi tôi xấu thật nhưng có thể là "vẻ xấu ngàn vàng". Tôi từng nghĩ nếu mình sửa cái gì đó đẹp lên khéo không ai chấp nhận. Tôi là nhà quê chính hiệu, sinh ra ở Hải Dương, bao quanh toàn núi, con người bao năm vẫn thế ngay cả khi đã sống ở thành phố, đã được mọi người biết đến.
Phim Hàn cũng có những diễn viên xấu và rất thành công, tôi hy vọng mình đạt được một phần như họ.