Mạch nguồn văn hóa tâm linh
Trong cái nắng nhè nhẹ của những ngày tháng 3 âm lịch, du khách thập phương lại nô nức trẩy hội đền thờ Lê Hoàn. Không gian linh thiêng phảng phất khói hương bảng lảng khiến lòng người cũng trở nên thanh thản, an yên…
Lễ hội được ví như tấm gương phản chiếu diện mạo của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng làng, xã – thành trì văn hóa của dân tộc. Giá trị lớn nhất và quan trọng nhất của lễ hội có lẽ là ở khả năng cố kết cộng đồng, trở thành một khối thống nhất, bền chặt để xây dựng cuộc sống bình yên, no ấm.
Đồng thời, lễ hội cũng là sinh hoạt văn hóa - tinh thần giúp con người cân bằng đời sống và gửi gắm những mong muốn, khát vọng của cá nhân và cộng đồng. Không những vậy, lễ hội gắn với những nhân vật lịch sử lớn còn là cách để hậu thế thể hiện tình cảm tri ân, ngưỡng vọng theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, với tầm ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật được thờ phụng mà lễ hội không bị giới hạn trong không gian làng xã, mà đã thu hút đông đảo khách thập phương tìm về. Đó ví như cuộc hành hương trở về nguồn cội, để nhắc nhớ con người không được phép lãng quên đi quá khứ hào hùng.
Xuất phát từ những ý nghĩa to lớn ấy mà hàng năm, cứ vào ngày chính lễ 27-4 (tức ngày 8-3 âm lịch), những con dân đất Việt lại hướng về Lễ hội đền thờ Lê Hoàn để dâng nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành với “công đức rộng lớn, ân trạch thịnh dày” - đã viết nên một chương rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta. Bởi vậy mà “dân trong bốn biển tưởng nhớ sâu sắc, bèn lập đền thờ ở quê nhà, để bốn mùa hưởng sự báo đền của thiên hạ”.
Cẩn thận sửa soạn mâm lễ vật để dâng lên Hoàng đế Lê Đại Hành, bà Phạm Thị Minh (TP Thanh Hóa), không khỏi xúc động: Với những ai quý trọng lịch sử và văn hóa dân tộc, sẽ không thể không biết đến tên tuổi của Hoàng đế Lê Đại Hành. Công lao hiển hách của ông đã làm rạng rỡ sử sách dân tộc. Bởi vậy, hàng năm vào dịp tổ chức lễ hội, tôi cùng con cháu đều đến đây dâng lễ. Những năm gần đây, lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn, không gian lễ hội ngày càng rộng và phong phú hơn đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của Nhân dân. Đây là dịp tốt để cho thế hệ hôm nay nhớ về cội nguồn dân tộc, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đến những người đã có công giữ nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Về với lễ hội đền thờ Lê Hoàn là về với vùng đất “địa linh nhân kiệt” nhuốm đầy “hào khí non sông”. Thành kính dâng nén hương thơm lên Hoàng đế Lê Đại Hành, ông Trịnh Văn Hùng (huyện Thọ Xuân) cho hay: Với người dân, thì lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là sinh hoạt văn hóa tâm linh trang trọng và linh thiêng bậc nhất. Bởi vậy, vào ngày tổ chức lễ hội, tôi và gia đình đã đến đây từ rất sớm để thành kính dâng hương tại nơi thờ tự Hoàng đế, đồng thời hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chúng tôi mong muốn lễ hội sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy để lưu giữ nếp làng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và dấu ấn văn hóa đặc trưng của mảnh đất này.
Đặc biệt, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 gắn với lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là dịp để khách thập phương tìm về chiêm bái và tham gia nghi thức long trọng và quan trọng bậc nhất của lễ hội đó là lễ rước kiệu. Lễ rước kiệu được thực hiện vào giờ khắc thiêng liêng, giao hòa của đất trời, trong không khí rộn ràng, trang trọng và thành kính, thu hút đông đảo người dân tham dự. Đoàn rước kiệu gồm những người khỏe mạnh trong làng, mang theo cờ lộng, dàn binh khí, phường bát âm đi trước, sau đó là toàn thể dân làng đi theo thứ tự người già đi trước, người trẻ đi sau.
Kiệu được rước từ đền thờ ra đền Quốc mẫu, làm lễ xong lại rước về đền; tiếp sau đó lại rước kiệu từ đền thờ ra lăng Hoàng Khảo, làm lễ xong đoàn lại rước về đền. Nhân dân ở xã Trường Xuân thì rước kiệu từ lăng Lê Đột (bố nuôi của Hoàng đế Lê Đại Hành) lên đền thờ. Hình thức rước kiệu của Nhân dân tại các làng, các xã phản ánh lòng thành kính, biết ơn đối với Hoàng đế, mang kiệu đến rước bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi về đền dự lễ hội.
Trong nhịp sống hối hả hiện nay, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn vẫn giữ nguyên nét truyền thống, không chỉ trong cách thức tổ chức mà còn là ở tâm thức của bao thế hệ người dân, bởi nó đã “sống” và gắn bó rất bền chặt với cộng đồng làng xã và được cộng đồng này gìn giữ và phát huy như một “báu vật”.
Về với Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm nay, du khách gần xa còn có cơ hội tìm hiểu về những giá trị văn hóa phong phú của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này. Những chàng trai, cô gái Mường trong trang phục truyền thống cất tiếng ca hòa cùng điệu nhảy sạp uyển chuyển; điệu múa Pôồn Pôông quanh cây bông đủ màu sắc với các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất, bầy muông thú,… tượng trưng cho vũ trụ bao la của đồng bào dân tộc Mường; trò Xuân Phả, một trong những trò diễn tiêu biểu, lưu dấu quá khứ hào hùng dân tộc qua các vương triều trong lịch sử phong kiến, được trình diễn bởi các nghệ nhân văn hóa dân gian.
Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm tại không gian trưng bày sản vật địa phương, với hàng trăm gian hàng bày bán các sản phẩm hàng hóa phong phú và thưởng thức các đặc sản của Thọ Xuân như bánh lá răng bừa, bánh gai tứ trụ… Và đặc biệt, một trong những điểm nhấn của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, đó là hội trại binh được dựng mô phỏng theo trại đóng quân thời Tiền Lê. Với 12 trại binh được làm theo bản thiết kế, từ nguyên vật liệu tự nhiên, có sẵn tại địa phương, dựa trên các tài liệu lịch sử và tham khảo ý kiến các chuyên gia, có kích thước lớn và yêu cầu kỹ thuật sản xuất khó. Đây là một trong những hạng mục được các xã, đơn vị tham gia kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc sắc tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm nay.
Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là di sản quý báu mà cha ông ta sáng tạo, gìn giữ và trao truyền lại. Trách nhiệm đặt ra cho hậu thế là tiếp tục vun đắp và phát huy để những giá trị lịch sử, văn hóa mãi trường tồn, soi sáng nẻo về nguồn cội cho con dân đất Việt.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/mach-nguon-van-hoa-tam-linh/184667.htm