Mái ấm cho những hộ nghèo
Việt Nam quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của Nhân dân, giúp giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người dân xây nhà
Tháng 10/2024, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nay đến năm 2025. Phong trào nhằm huy động nguồn vốn xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực từ Nhà nước, để thực hiện ba nhiệm vụ lớn gồm: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình không thuộc hai nhóm trên.
Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các Bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Sau khi phát động, chương trình huy động được hơn 5.900 tỷ đồng.
Tháng 11/2024, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 09/11/2024 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Thủ tướng nêu rõ, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các Bộ ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và Nhân dân, phần lớn người dân đã có ngôi nhà kiên cố. Thời gian qua, có khoảng 340 nghìn hộ gia đình người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ, có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đến nay, cả nước còn trên 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106 nghìn hộ người có công, 46 nghìn hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”.
Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đ/1 căn nhà xây mới, 30 triệu đ/1 căn nhà sửa chữa; cùng với ngân sách Nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hóa.
Đa dạng nguồn lực, có mẫu nhà phù hợp
Thời gian qua, hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, các Bộ ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể từ tỉnh, thành phố đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, lên kế hoạch thực hiện.
Nhiều chính sách về nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai được ban hành, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát như Sơn La, Tuyên Quang, Bình Thuận, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bắc Giang, Hà Giang…
Đồng thời, các tỉnh, thành phố đã rà soát, thống kê cụ thể, chính xác đối tượng, số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ; định hướng mô hình thiết kế, hình thức nhà, công năng sử dụng phù hợp với từng địa bàn, dân tộc; hướng dẫn địa phương giải quyết vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến nguồn gốc đất.
Thực hiện đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít"; Tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, hiện Bộ Xây dựng đang tập trung phổ biến, hướng dẫn địa phương về yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật các mẫu nhà, kèm theo dự toán kinh phí dự trù vật liệu để người dân tham khảo, lựa chọn phù hợp với thực tế, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bộ Xây dựng đang dự thảo văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 3 mẫu nhà ở điển hình cho người dân.
Cụ thể, nhà ở phải có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 (đối với hộ độc thân; hộ người cao tuổi không nơi nương tựa không thấp hơn 18 m2); đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng); có đầy đủ công năng sử dụng. Tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái phải được làm từ các loại vật liệu chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu làm tăng độ cứng của nền như vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
“Khung - tường cứng” gồm hệ thống khung, cột, tường, móng đỡ. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu, gồm bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.
“Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu gồm bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói.
Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
Nhà ở phải có sàn cao hơn mức ngập lụt thường xuyên tại khu vực được làm từ các loại vật liệu bền chắc, ví dụ như bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Tường xây gạch, đá hoặc làm từ gỗ bền chắc…
Bộ Xây dựng yêu cầu địa phương có giải pháp về kiến trúc nhà ở phù hợp, khai thác được nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm riêng của địa phương.
Thủ tướng thống nhất chủ trương hỗ trợ xây nhà ở trên đất ở không có tranh chấp, giao Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Về mẫu nhà ở, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể, bảo đảm phù hợp với đặc thù từng địa bàn…
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/mai-am-cho-nhung-ho-ngheo-392036.html