'Mái ấm' của cô Hồng

Suốt 18 năm qua, giữa vùng quê ấp Rạch Bảy (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có một mái ấm cưu mang các cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa

Người dân địa phương vẫn quen gọi là mái ấm cô Hồng hay viện dưỡng lão Hồng Thuận.

Vợ chồng cô chú Nguyễn Thị Hồng - Trần Thanh Thuận tình nguyện chăm sóc các cụ già đến hết đời

Vợ chồng cô chú Nguyễn Thị Hồng - Trần Thanh Thuận tình nguyện chăm sóc các cụ già đến hết đời

Biết ơn sự ủng hộ thầm lặng của chồng

Đường về mái ấm cô Hồng hay tên chính thức là cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo do cô Nguyễn Thị Hồng thành lập không hề dễ tìm vì nơi này là một vùng quê, đường sá quanh co, khó đi. Nhưng chỉ cần ghé thăm một lần chắc chắn sẽ không thể quên được, bởi mái ấm của cô Hồng rất rộng, khang trang và tiện nghi không khác các trung tâm dưỡng lão ở thành phố.

Cuối chiều là khoảng thời gian cô Hồng rảnh tay đôi chút vì khi đó hơn 40 cụ già sẽ tự kéo ghế ra sân lớn đón nắng, hóng gió trò chuyện cùng nhau. Họ chẳng hề thân thích và đa phần cũng chẳng còn người thân nhưng họ đã cùng nhau về đây bởi sự yêu thương của cô Hồng, một người phụ nữ có trái tim nhân ái, phụng dưỡng 81 cụ già, trong đó có 45 cụ bị liệt, ròng rã suốt 18 năm qua.

Cô Hồng năm nay đã 58 tuổi, cô có nét mặt phúc hậu và ăn mặc rất giản dị, thường chỉ vài bộ quần áo màu nâu, màu xám của các bà đi lễ chùa. Cô Hồng kể lại rằng, hồi đó ở chỗ cô không có đường đi mà phải đi bằng ghe, con đi học phải lên Biên Hòa trọ học. Mỗi lần lên thăm con trên Biên Hòa, cô nhìn những cụ già đi nhặt ve chai, bán vé số, đi ăn xin và mủi lòng. Một lần, cô thấy một cụ già khoảng 70 tuổi ra bờ sông ngồi khóc một mình, cô tiến lại hỏi thăm. Cụ già mếu máo nói trước làm giúp việc cho người ta nhưng giờ già rồi làm không nổi bị họ cho nghỉ việc. Cụ không con và không biết đi về đâu. Cô nói cụ về ở với con, con nuôi cụ.

Lúc cô Hồng về trò chuyện với chồng, chú Thuận - chồng cô Hồng - đã gạt đi ngay, nói rằng trăm phần trăm cũng không được, ngàn phần ngàn cũng không được. "Anh bảo em làm từ thiện gì anh cũng ủng hộ nhưng chăm người già cực lắm, bệnh tật rồi khi họ qua đời. Em thích thì nuôi trẻ em đi, càng ngày nó càng lớn việc càng nhẹ" - cô Hồng nhớ lại lời chồng từ chối.

Chú Trần Thanh Thuận cho biết: "Lúc mới đưa về sợ vợ không lo được cho các cụ lại thành ra có tội khi lỡ gieo hy vọng cho các cụ. Vợ cương quyết, tôi không hài lòng nhưng dần dần chấp nhận để vợ lo cho các cụ".

Bà Nguyễn Thị Bé (trái) đã có một mái ấm cuối đời nhờ sự chăm sóc của vợ chồng cô Hồng

Bà Nguyễn Thị Bé (trái) đã có một mái ấm cuối đời nhờ sự chăm sóc của vợ chồng cô Hồng

Làm việc thiện xuất phát từ tâm

Những tưởng vợ chỉ nhận nuôi một vài cụ nhưng cô Hồng liên tục đưa các cụ già neo đơn về nuôi. Không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà bất cứ đâu, nghe được thông tin cô sẽ cất công mời các cụ về chung mái ấm. Số lượng các cụ tăng nhanh chóng buộc cô Hồng phải bàn bạc với chồng cho cất căn nhà lá kề bên.

Cô Hồng còn nhận chăm sóc cả người bị thần kinh, mất trí nhớ. "Hồi đó, tôi nhận một người bị thần kinh lúc ở nhà thường hay đánh mẹ. Có lần em đánh vào mặt tôi nhưng tôi không giận em vì tôi hiểu mình muốn cảm hóa con người thì phải có tình thương thật sự" - cô Hồng cho biết.

Suốt 8 năm đầu cưu mang hàng chục cụ già không hề ai biết đến việc làm thiện nguyện của cô để cùng chung tay giúp đỡ. Ngay cả đến bây giờ, cô Hồng cho biết rất mừng khi được các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, tã lót, chung tay lo cho các cụ nhưng cô không kêu gọi, vì làm thiện nguyện xuất phát từ cái tâm.

Bà Ngũ Thuận Sang, 90 tuổi, cho biết: "Hồi đó tôi ở dưới chỗ phà Cát Lái, tôi cũng già yếu nên nhờ người quen giúp đỡ đem tôi vào với cô Hồng. Ở đây được ăn uống, thuốc men đầy đủ, cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều".

Một số cụ về với mái ấm cô Hồng chẳng có một mảnh giấy tùy thân hoặc mất trí không nhớ nổi tên, quê quán, cô Hồng bèn đặt lại tên cho cụ, chụp tấm ảnh để đi đăng ký tạm trú.

Mỗi ngày riêng chi phí sinh hoạt, ăn uống của các cụ đã mất khoảng 3 triệu đồng. Hai cô chú đã bán hết vàng cưới, tiền tích góp bao năm trời cùng 5 mẫu đất để xây sửa mái ấm khang trang cho các cụ ở. Còn 2 vợ chồng ở ngôi nhà cấp 4 đã cũ mong đổi lấy những tháng ngày an lành cho các cụ lúc cuối đời.

Các cụ già yếu thường hay bệnh tật nên tủ thuốc luôn sẵn trong mái ấm. Cụ nào bệnh nặng, cô Hồng đều đích thân đưa từng cụ đi bệnh viện. Lúc mới vào các cụ đa phần không có thẻ bảo hiểm y tế nên chi phí khá cao, cô Hồng lại giật gấu vá vai lo cho các cụ chóng khỏe, không để cụ nào phải chịu đau đớn do bệnh tật giày vò.

Cô Nguyễn Thị Hồng đã 18 năm chăm sóc các cụ già neo đơn, bệnh tật ngay tại nhà riêng của mình. (Ảnh: Phan Diệp và nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Hồng đã 18 năm chăm sóc các cụ già neo đơn, bệnh tật ngay tại nhà riêng của mình. (Ảnh: Phan Diệp và nhân vật cung cấp)

Lan tỏa mầm thiện

Tiếng lành đồn xa, có những cặp vợ chồng trẻ vì đức hiếu sinh đã tình nguyện về mái ấm cô Hồng để phụ giúp cô chăm sóc các cụ. Mái ấm hiện có tới 5 cặp vợ chồng từ các tỉnh về góp sức mang lại cuộc sống mới cho các cụ.

Anh Đỗ Văn Phước, đến từ tỉnh An Giang cho biết: "Trước đây tôi làm nghề sửa xe. Lúc 2 vợ chồng tôi quyết định đi vào đây phụ cùng cô Hồng thì không làm nữa. Thấy cô Hồng quá hy sinh để lo cho các cụ, thương lắm nên mình mới đi theo cô được. Hai vợ chồng cảm thấy rất hạnh phúc khi ở đây".

Anh Trần Nguyễn Thanh Phong, con trai cô Hồng, hiện đang làm bác sĩ đa khoa tại TP Cần Thơ, cho biết: "Đa số các cụ ở đây bị huyết áp, tim mạch, tiểu đường, hen suyễn. Các cụ vào đây sức khỏe tốt hơn nhiều so với lúc mới đầu. Có cụ lúc vào bị hen suyễn, nặng chỉ hơn 30 kg hiện giờ cụ đã ổn hơn rất nhiều. Tôi rất ủng hộ việc làm này của ba mẹ suốt bao năm qua".

Việc nhân nghĩa của vợ chồng cô Hồng được bà con lối xóm xúm vào giúp đỡ để kiến tạo một xã hội tình người thu nhỏ giữa miền quê sông nước. Anh Lợi, hàng xóm cứ đúng 2 giờ sáng lại qua phụ nấu ăn, còn chị Thuận kế bên cùng con gái thường xuyên có mặt để chăm sóc các cụ…

Mỗi năm có khoảng 10 cụ qua đời tại mái ấm. Cô Hồng lại lo an táng chu toàn cho các cụ rồi lại đi làm giấy báo tử. Cô coi mảnh giấy đó như kỷ vật cuối cùng mỗi cụ gửi tặng lại cô. Đến ngày rằm tháng 7 âm lịch cô Hồng đều tổ chức lễ giỗ chung tưởng nhớ các cụ đã mất, thể hiện đạo hiếu như một người con đối với cha mẹ. Cứ lớp cụ này ra đi cô Hồng lại đón lớp cụ khác đến, cô Hồng nói còn sống ngày nào sẽ gắng hết sức lo cho các cụ.

Ông Võ Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: "Đối với cơ sở mái ấm Hòa Hảo, địa phương rất ủng hộ, năm 2018 mái ấm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cấp giấy phép cơ sở bảo trợ xã hội. Bà con địa phương rất mến cô Hồng, cô là người làm từ thiện rất có tâm đức".

Lịch trình làm việc một ngày của cô Hồng khiến cô chẳng có một ngày nghỉ ngơi hay đi du lịch cùng gia đình. "Sáng 8 giờ thì tắm cho các cụ, 10 giờ ăn cơm trưa. Một ngày thay tã 4 lần, đút cơm và uống sữa 3 lần. Đến 23 giờ, hai vợ chồng dậy thay tã cho các cụ để các em tình nguyện viên nghỉ ngơi" - cô Hồng cho biết.

Không thể đứng ngoài cuộc

Cô Hồng trước mặt thì nghe lời chồng như đằng sau vẫn âm thầm dẫn cụ về nhà nuôi. Thấy bà vợ "bướng bỉnh" nhất mực làm theo ý mình, chú Thuận tỏ ra không vui nhưng vì thương vợ chỉ biết lo cho người khác, chú đành lặng thinh chẳng nói năng gì nữa. Biết chồng đã ngầm đồng ý, cô Hồng tiếp tục đưa thêm cụ thứ 2, thứ 3 về nuôi. Nhưng đến cụ thứ 5 thì gặp khó do cụ bị liệt, phải mất nhiều công chăm sóc, khi này chú Thuận càng thương cô hơn nên không thể đứng ngoài cuộc.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

LỆ GIANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-long-tot-quanh-ta-mai-am-cua-co-hong-196240322192544365.htm