Mái ấm đừng quá 'nóng'

Khi nóng giận, có những cặp vợ chồng vì khó kiềm chế mà dẫn tới nói lời gay gắt làm tổn thương nhau. Sự điều chỉnh tâm lý 'cơm sôi bớt lửa' trong mỗi gia đình là cần thiết và pháp luật cũng hiện diện, can thiệp kịp thời.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Pháp luật điều chỉnh

Tháng cuối cùng của năm 2024, dư luận xôn xao về việc cặp vợ chồng U60 tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, xô xát, cãi vã to tiếng với nhau tại nhà nghiêm trọng tới mức Công an phường phải tới lập biên bản.

Khi "hàng xóm chịu hết nổi", cơ quan chức năng có mặt thì hai vợ chồng vẫn có những lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhau. Cuối cùng, Công an sở tại đã tham mưu cho UBND TP Đồng Hới ra quyết định xử phạt hành chính cặp vợ chồng này.

Người ký quyết định xử phạt là bà Hoàng Thị Thanh Nhung, Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới. Quyết định xử phạt, theo bà Nhung, căn cứ vào Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Quyết định xử phạt của UBND TP Đồng Hới, người vợ đã vi phạm vào khoản 1 Điều 54 của Nghị định 144, không có tình tiết tăng nặng nên bị phạt mức 7,5 triệu đồng vì xúc phạm chồng.

Còn người chồng bị phạt số tiền gấp đôi là 15 triệu đồng do vừa có lời lẽ xúc phạm, vừa có hành vi đánh vợ. Cả hai người này đều có hành vi vi phạm trong cùng một thời điểm và không có yêu cầu đối phương xin lỗi công khai.

Cũng vào cuối tháng 12/2024, Công an huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đưa thông tin, cơ quan này đã khởi tố bị can Lê Văn Tuấn, 40 tuổi, ngụ tại thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, để điều tra về tội "hủy hoại tài sản" theo Điều 17 Bộ luật Hình sự.

Đáng chú ý trong vụ án này, Tuấn đã bị vợ tố cáo lên công an, vì cho rằng Tuấn bẻ, ném, làm hư hỏng hoàn toàn chiếc điện thoại di động của vợ. Chiếc điện thoại này có giá 8 triệu đồng.

Ngoài ra, bị can Tuấn còn bị UBND huyện Cô Tô ra mức xử phạt hành chính về các hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và đánh đập, gây thương tích cho thành viên gia đình, theo Nghị định số 144/NĐ-CP.

Khi bị triệu tập lên cơ quan công an, bị can Lê Văn Tuấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình.

Mái ấm đừng… "sôi"!

Các sự việc trên khiến dư luận quan tâm, vì sự điều chỉnh của pháp luật đã rất kịp thời hiện diện, dù trong môi trường riêng tư, đó chính là mái ấm mỗi gia đình. Nhiều người cho rằng, vì đó là "chuyện riêng" của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nên không để tâm và/hoặc không tham gia.

Hôn nhân không chỉ là tình yêu mà còn là cái nghĩa, là trách nhiệm. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Khi người phối ngẫu biết nhường nhịn, thấu hiểu và tôn trọng nhau, mọi mâu thuẫn đều có thể hóa giải. Cuộc sống gia đình là một quá trình dài cùng vun đắp, không ai hoàn hảo, cũng không ai đúng hoàn toàn trong mọi cuộc cãi vã. Điều quan trọng là mỗi người học được cách kiềm chế bản thân, nhẫn nhịn một chút để “lửa giận” không thiêu rụi mái ấm mà cả hai đã cùng dựng xây”.

Luật sư, hòa giải viên Đỗ Ngọc Thanh

Thậm chí, nếu hàng xóm, người thân có góp ý, còn bị mang tiếng là "nhiều chuyện", "vô duyên", "không tôn trọng người khác". Bởi vậy mà vấn nạn bạo hành gia đình vẫn còn tiếp diễn ở đâu đó.

Khi vợ/chồng đã có sự tố giác nhau, hẳn những mâu thuẫn tưởng chỉ gói gọn trong cách đối xử của người đầu ấp tay kề, đã bị đẩy lên ở mức độ lớn hơn, cay nghiệt hơn, có khi không thể hòa giải khiến hôn nhân tan vỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở phía ngược lại, có những cặp vợ chồng ngày ngày chì chiết, mâu thuẫn, thậm chí đuổi đánh nhau khiến hàng xóm rất phiền lòng, nhưng vẫn duy trì được đời sống hôn nhân lâu dài. Điều đó cho thấy sự đa dạng và phức tạp của mối quan hệ vợ chồng.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư, hòa giải viên của Tòa án nhân dân TPHCM Đỗ Ngọc Thanh cho biết, qua bao tình huống các cặp vợ chồng được hòa giải, cách lý tưởng nhất vẫn là "chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê".

"Là một hòa giải viên, cũng là người đã có gia đình, tôi hiểu rằng trong cuộc sống vợ chồng, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là cả hai cần giữ bình tĩnh, cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề thay vì để cơn nóng giận đẩy mọi chuyện đi quá xa.

Tình nghĩa vợ chồng không phải ở lúc thuận hòa mà ở cách họ cùng nhau vượt qua sóng gió", luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến.

Theo luật sư Ngọc Thanh, người phối ngẫu, dù là vợ hay chồng, cũng là người đồng hành trong suốt cuộc đời. Xúc phạm nhau trong lúc nóng giận chỉ làm tổn thương thêm tình cảm và lòng tự trọng của đối phương.

Những lời nói, hành động khi không kiểm soát được sẽ trở thành vết sẹo khó lành trong tâm hồn bạn đời. Có những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không biết cách dừng lại có thể dẫn đến hậu quả lớn hơn, thậm chí để pháp luật can thiệp.

Trong khi đó, quan điểm của luật sư, hòa giải viên của Tòa án nhân dân TPHCM Võ Thị Như Ngọc thì có sự khác biệt hơn. "Ông bà ta thường nói về việc "cơm sôi bớt lửa". Nói thì nói vậy, nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng làm được điều này.

Có những hoàn cảnh, ví như khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được mà một trong hai người vì lý do nào đó lại không thể ly hôn.

Khi mà những mâu thuẫn càng ngày càng đầy và nhiều hơn như không còn tình nghĩa vợ chồng; cả hai không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ/chồng sống ly thân, bỏ mặc người kia; vợ/chồng có quan hệ ngoại tình;

vợ/chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau; không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ/chồng;

không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ/chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển. Rất nhiều những lát cắt trong cuộc sống gia đình như vậy, nếu kể ra cụ thể thì nhiều hơn nữa".

Luật sư, hòa giải viên Võ Thị Như Ngọc không ủng hộ việc một trong hai người phải cam chịu, dồn nén những uất ức. Bởi lẽ những vụ án giết người từ người vợ hoặc người chồng cũng như những vụ án cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng cũng từ đó mà ra.

Sự giả tạo về hạnh phúc có thể làm ảnh hưởng đến con cái. Do đó, nếu hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì cả hai nên giải quyết kết thúc mối quan hệ vợ chồng và các quyền liên quan khác trong quan hệ này.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, luật sư, hòa giải viên Võ Thị Như Ngọc cho biết thêm, bà đã theo bảo vệ cho những người phụ nữ yếu thế trong các vụ án ly hôn. Nhiều người vợ bị chồng xúc phạm bằng những từ ngữ thô tục, thậm chí bị chồng ném thẳng giày vào mặt.

"Tiếp nhận các vụ việc ấy, tôi luôn nhờ tới sự can thiệp của Hội LHPN cơ sở. Quan điểm của tôi là không thể điều chỉnh cho quan hệ hôn nhân như thế", luật sư, hòa giải viên Võ Thị Như Ngọc phân tích.

Xã hội văn minh được xây dựng bởi sự an lành từ mỗi mái ấm gia đình. Tùy theo từng hoàn cảnh, người trong cuộc sẽ chọn cho bản thân những quyết định sáng suốt. Có thể chưa phải tốt nhất nhưng sẽ là tốt hơn. Để làm sao, con người cần hướng tới điều quan trọng nhất, đó chính là chất lượng trong cuộc sống và tôn trọng bản thân mình.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mai-am-dung-qua-nong-20241230122250175.htm