Mái ấm nơi cửa thiền
Chùa Tiên, xã Hùng Tiến (huyện Kim Sơn) nằm giữa vùng quê yên ả. Nhưng khác với vẻ trầm mặc như bao ngôi chùa khác, ở đây, sau cánh cổng chùa là tiếng nô đùa, tiếng dạy nhau học bài của những đứa trẻ kém may mắn. Không phải ruột thịt, họ hàng, nhưng những đứa trẻ ấy đã thân thiết, gắn bó như người thân trong một mái nhà hạnh phúc.
Ngô Ngọc Tâm, bé gái năm nay 11 tuổi, có nước da trắng hồng và đã ra dáng một người chị đảm đang. Ngoài việc học tập, Ngọc Tâm còn phụ giúp sư cô Thích Đàm Quy, Trụ trì chùa Tiên chăm sóc em nhỏ. Hỏi Ngọc Tâm lớn lên muốn làm gì? Cô bé bẽn lẽn bảo rằng: Cháu thích làm cô giáo lắm. Không những dạy học cho các em nhỏ mà cháu còn muốn được nuôi thật nhiều những em bé không có cha mẹ, giống như sư cô bây giờ.
Ngọc Tâm đến với nhà chùa vào một sáng mùa hạ trời trong trẻo. Ni sư Thích Đàm Quy kể lại rằng, sau khi tụng kinh sớm, ni sư phát hiện tiếng trẻ khóc ở ngoài cổng chùa. Ngọc Tâm khi ấy mới chừng tròn tháng tuổi, được đặt nằm trong chiếc làn, dưới đó có một lá thư. Người thân của em đã nhờ nhà chùa nuôi giúp vì hoàn cảnh của họ quá khó khăn. Mẹ em là người miền Tây, sinh em xong thì để em lại. Em được nuôi bằng đôi bàn tay vụng về của bố. Hoàn cảnh quá khó khăn, người bố ấy đã mang em đến để nương nhờ cửa Phật.
"Đó là sinh linh bé bỏng nhưng đầy khát vọng sống. Tôi đã nắm lấy bàn tay nhỏ xíu ấy và đón em vào chùa. Tôi báo với chính quyền, nhờ y tế kiểm tra sức khỏe và làm thủ tục để nuôi cháu. Cái tên Ngô Ngọc Tâm với họ Ngô là họ của tôi, còn Ngọc Tâm là để nói với con rằng, con chính là viên ngọc sáng. Cuộc sống sau này dù có như thế nào thì con vẫn giữ được cái tâm trong sáng, thiện lương. Tôi cũng mong con có một cuộc đời rực rỡ như một sáng mùa hạ, khi con đến với chùa..."- ni sư Thích Đàm Quy xúc động.
Cậu bé Ngô Lâm Đường Vũ mới tròn 4 tuổi. Hoàn cảnh của Vũ éo le hơn Tâm. Vũ được gửi vào chùa khi mới chỉ được vài ngày tuổi vào một ngày mưa gió. Khi lại gần, ni sư hốt hoảng vì đó là một đứa trẻ còn đỏ hỏn. Ni sư đặt tên cho bé là Vũ, với mong muốn, con sẽ luôn mạnh mẽ vững vàng trước những sóng gió của cuộc đời. Mặc dù Vũ là đứa trẻ thứ tám đến nương tựa ở chùa Tiên, song cháu lại là em bé ít ngày tuổi nhất. Nuôi một đứa trẻ sơ sinh, đối với ni sư trụ trì quả thực là một khó khăn.
Ni sư Thích Đàm Quy chia sẻ: Những đứa trẻ khi được gửi vào chùa đa số đều còn rất nhỏ nhưng Vũ là em bé ít ngày tuổi nhất. Tôi không có kinh nghiệm nuôi những em bé sơ sinh như thế, vì vậy khi đón Vũ vào chùa, tôi đã phải tự học hỏi kinh nghiệm từ việc chăm sóc, cách cho bé ăn, theo dõi sức khỏe… Các phật tử ở địa phương cũng giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc chăm sóc Vũ. Có phật tử có con nhỏ, hàng ngày đến cho Vũ bú để con cảm nhận được hơi ấm của mẹ.
Kể ra những khó khăn thì nhiều lắm, song điều thôi thúc tôi luôn cố gắng, đó là tình yêu thương vô bờ đối với các sinh linh bé bỏng ấy. Chắc cũng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên người thân, cha mẹ các con mới gửi đến nương nhờ cửa Phật. Và khi đã đến cửa chùa, âu cũng là cái duyên của các con. Dù có vất vả, chúng tôi cũng cố gắng để sưởi ấm phần nào những thiệt thòi mà các con phải chịu đựng.
Các nhà hảo tâm tặng quà cho các bé đang được nuôi dưỡng tại chùa.
Chắc cũng vì thương ni sư mà bọn trẻ được nuôi dưỡng tại đây rất ngoan. Trừ những lúc ốm đau, còn lại chúng rất ít khi quấy khóc. Nhiều phật tử trong thôn nghe tin đều cảm động trước tấm lòng nhân ái của ni sư, tích cực phát tâm làm điều thiện. Ai có sữa thì cho sữa, người mua cho các bé đồ chơi, quần áo… những người lớn tuổi hơn thì thường xuyên đến chùa để phụ giúp ni sư chăm sóc các bé và cùng hạnh phúc chứng kiến sự lớn khôn mỗi ngày của những đứa trẻ kém may mắn.
Không chỉ được chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, Vũ và các anh chị trước đó đều được ni sư dạy về lòng nhân ái, sự nhường nhịn, yêu thương nhau và sống tự lập. Vì thế, mặc dù còn nhỏ, song các cháu khá chủ động trong sinh hoạt hàng ngày. Buổi sáng dậy sớm quét sân, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng, đến trường. Buổi chiều thì ôn bài, tụng kinh sau đó được vui chơi… Thấm thoắt, những đứa trẻ bị bỏ rơi năm nào nay đã lớn và khỏe mạnh.
Nhìn các cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh, dễ thương, nhiều người có điều kiện ngỏ ý xin các cháu về làm con nuôi. Nhưng ni sư Thích Đàm Quy không đồng ý.
"Trước thiện ý của nhiều người, tôi cũng có chút đắn đo. Được nhận làm con, các cháu sẽ có một gia đình trọn vẹn. Nhưng rồi lại nghĩ, liệu rằng cuộc sống của các con có tốt hơn không. Hơn nữa, khi gửi các con vào cửa Phật, hẳn cũng là bước đường cùng của các bậc làm cha mẹ. Có lẽ, họ cũng rất đau đớn khi phải xa con. Vì vậy, tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó, nếu cuộc sống tốt hơn, họ sẽ tìm về với con mình. Thực tế, có nhiều bé tôi nuôi lớn rồi được gia đình đón về nuôi rồi. Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới cha mẹ các cháu - nếu họ còn sống và cả những người sắp làm bố, làm mẹ rằng xin đừng đẩy con ra khỏi vòng tay của mình. Ở bất cứ đâu, dẫu có được yêu thương đến mấy thì cũng không thể thay thế tình cảm của cha mẹ ruột. Bọn trẻ vẫn khát khao tình yêu thương, sự chăm bẵm của cha mẹ. Còn nếu vì cuộc sống hoặc hoàn cảnh quá khốn khó thì cửa chùa vẫn luôn rộng mở để đón những đứa trẻ kém may mắn"- ni sư Thích Đàm Quy chia sẻ thêm.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mai-am-noi-cua-thien/d20220606102145356.htm