Mai Đình (Hà Nội): Nhiều hộ dân mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ

Hơn 30 năm nằm trong quy hoạch xây dựng Sân bay Quốc tế Nội Bài mở rộng, hàng trăm hộ dân trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị hạn chế nhiều quyền lợi, trong đó có việc cấp sổ đỏ cho diện tích đất mình đang sinh sống.

 Những căn nhà tại thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ

Những căn nhà tại thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ

Không có sổ đỏ, không vay được vốn

Xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có vị trí liền kề với Sân bay Quốc tế Nội Bài. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trong vài năm trở lại đây kéo theo đời sống của người dân ở đây có sự thay đổi. Từ một địa phương thuần nông, đến nay, hoạt động sản xuất tại địa phương này chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp với thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng/người/năm.

Trong năm 2023, Mai Đình là 1 trong 8 xã của huyện Sóc Sơn hoàn thành nông thôn mới nâng cao và đang thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, ở xã Mai Đình, hiện nay còn hàng trăm hộ dân đang ngóng chờ ngày được cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Được biết, trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 1998, có hàng trăm thửa đất được UBND xã Mai Đình cấp trái thẩm quyền cho người dân để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, diện tích đất này lại nằm trong quy hoạch mở rộng Sân bay Quốc tế Nội Bài nên người dân không được cấp sổ đỏ. Điều này kéo theo nhiều quyền lợi của người dân bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế.

Những căn nhà tại thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ

Những căn nhà tại thôn Thái Phù (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ

Sinh sống lâu năm ở thôn Thái Phù (xã Mai Đình), ông Đinh Văn Huy (54 tuổi) hiểu những vất vả của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong khi nhiều người dân vẫn còn bám trụ với cây lúa, ông đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi bò, lợn.

Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục vay vốn, mặc dù đã có xác nhận của chính quyền địa phương nhưng ông Huy vẫn bị ngân hàng từ chối do căn nhà dùng làm tài sản thế chấp của gia đình ông nằm trên diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ.

Để có vốn sản xuất, ông Huy bàn với vợ đứng tên và vay vốn thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN xã Mai Đình. "Vốn vay được nhưng không nhiều nên gia đình tôi chỉ biết chăn nuôi nhỏ lẻ, bán lứa trước để lấy lãi, tái đầu tư lứa sau", ông Huy chia sẻ.

Cũng theo ông Huy, căn nhà nơi gia đình ông đang sinh sống được xây dựng trên diện tích đất được UBND xã Mai Đình cấp từ năm 1992. Cùng thời điểm đó, ngoài gia đình ông Huy còn có nhiều hộ dân khác cũng được cấp đất. Một thời gian sau, cán bộ thôn có đến từng nhà để thông báo việc đóng tiền làm sổ đỏ. Tuy nhiên, 3 lần đóng tiền (mỗi lần 10.000 đồng) nhưng đến nay, ông Huy vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Không có sổ đỏ khiến ông Đinh Văn Huy (ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không thể vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế

Không có sổ đỏ khiến ông Đinh Văn Huy (ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) không thể vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Văn Tuyên (59 tuổi, trú tại thôn Thái Phù) cũng là một trong những trường hợp chưa có sổ đỏ cho diện tích đất gia đình đang sinh sống dù đã 3 lần đóng tiền làm sổ. Chỉ tay vào căn nhà 3 tầng của gia đình, ông Tuyên chia sẻ: "Thời ấy 10.000 đồng là số tiền không nhỏ. Nhiều nhà không có tiền vẫn phải cố chạy vạy để đóng tiền làm sổ đỏ nhưng sau đó không thấy được cấp sổ mà tiền cũng không thấy hoàn trả cho dân".

Trong thời gian sinh sống tại đây, gia đình ông vẫn đều đặn đóng tiền sử dụng đất hằng năm. Những hóa đơn ấy đều được ông Tuyên gìn giữ cẩn thận. Ông Tuyên lo trong trường hợp diện tích đất của gia đình bị thu hồi để xây dựng Sân bay Quốc tế Nội Bài mở rộng, với việc không có sổ đỏ, liệu gia đình ông có bị ảnh hưởng về quyền lợi.

Mắc kẹt giữa các quy định

Việc nằm trong quy hoạch xây dựng Sân bay Quốc tế Nội Bài mở rộng còn kéo theo một hệ lụy đó là ngay cả các hộ gia đình có diện tích đất đã được cấp sổ đỏ có cả đất ở và đất vườn, nay muốn chuyển đổi một phần đất vườn thành đất ở để chia cho các con xây nhà cũng không được chính quyền xem xét giải quyết.

Phiếu thu tiền sử dụng đất hàng năm của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Phiếu thu tiền sử dụng đất hàng năm của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Đơn cử là trường hợp của bà Vũ Thị Tâm (trú tại thôn Thái Phù). Nhiều năm qua, bà Tâm không ít lần lên UBND xã Mai Đình để đề nghị chuyển đổi một phần đất vườn thành đất ở để chia cho 2 người con trai. "Tuy nhiên, họ cầm giấy tờ, cầm cả sổ đỏ nhưng một thời gian sau họ lại gọi lên, trả lại giấy tờ và cho biết lý do là khó giải quyết", bà Tâm chia sẻ.

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ nằm trong quy hoạch xây dựng Sân bay Quốc tế Nội Bài mở rộng. Có những thửa đất người dân ở từ trước năm 1993, thậm chí trước những năm 1980 đến bây giờ không được cấp sổ đỏ, không mua bán chuyển nhượng được khiến người dân rất khó khăn, trong đó có nhu cầu tách hộ, tách thửa do con cái lớn.

Vị này cũng cho biết, theo luật và các quy định khác, các hộ dân trên có thể được xem xét cấp sổ đỏ, tách sổ. Tuy nhiên, theo quy định về cấp sổ, đất phải phù hợp với quy hoạch mới cấp được. Trong khi, các hộ dân lại nằm trong quy hoạch sân bay chứ không phải đất ở nên bị mắc kẹt giữa các quy định.

Liên quan đến nội dung này, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối tháng 4/2024, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho rằng, với dự án chậm triển khai, quy hoạch "treo" nhiều năm nên giải quyết thủ tục để bảo đảm điều kiện sinh sống cho người dân.

"Các công trình vì lợi ích quốc gia đều được người dân đồng thuận. Do vậy, nếu người dân có đất cha ông để lại mà "xây không được, bán không xong, không vay được ngân hàng" thì rất khó khăn", ông Thanh cho biết.

Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải làm việc với huyện Sóc Sơn để rà soát lại các chủ trương, chính sách. "Trong trường hợp đó là quyền lợi chính đáng thì phải cấp sổ đỏ cho người dân", ông Thanh nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mai-dinh-ha-noi-nhieu-ho-dan-mon-moi-cho-cap-so-do-20240619100049147.htm