'Mãi mãi một tình yêu' của hai Nghệ sĩ nhân dân
Ngày 15/6, tại phòng West lake (Hồ Tây), khách sạn Pan Pacific (Số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội) đã diễn ra chương trình thơ nhạc 'Mãi mãi một tình yêu' và ra mắt tập thơ 'Nặng tình' của NSND Phan Ngọc Lan, kể lại câu chuyện tình yêu của bà với người bạn đời, NSND Ngô Mạnh Lân - nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Câu chuyện tình yêu và cuộc sống của hai NSND một lần nữa khẳng định rằng, cho dù năm tháng có trôi đi trong bao nhiêu thăng trầm của đời sống nhưng tình yêu và sự gắn kết bền chặt của tình cảm gia đình vẫn mãi mãi là một điểm tựa để tổ ấm vẹn toàn và hạnh phúc tuổi già viên mãn...
NSND Ngọc Lan chia sẻ rằng, trong suốt cả cuộc đời, bà dành tình yêu trọn vẹn cho người chồng yêu thương của mình, NSND Ngô Mạnh Lân. Mối tình bền chặt gắn bó kể từ ngày ông bà gặp nhau tại Moscow, khi cô diễn viên "Lửa trung tuyến" Ngọc Lan xinh đẹp mới 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, là đại diện của điện ảnh Việt Nam vinh dự kéo cờ khai mạc Liên hoan phim Moscow 1961.
Còn họa sĩ Ngô Mạnh Lân khi ấy 27 tuổi, đang là sinh viên được Nhà nước cử đi học tại Trường Đại học Điện ảnh (Khoa Họa sĩ, Đạo diễn phim hoạt hình). Ông là một trong những sinh viên đầu tiên theo học tại Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK). Trong tập thơ mới nhất, NSND Ngọc Lan đã kể lại câu chuyện tình yêu của mình bằng thơ với chùm thơ tình tha thiết viết tặng ông.
Trong bài thơ "Ngày ấy", bà tâm sự: "Dâng trào cảm xúc bất ngờ/ Tay trong tay nắm tình cờ trao nhau/ Duyên trời sắp đặt từ đâu/ Khi về đất mẹ một câu hẹn hò". Đến ngày kết duyên, rồi cùng xây một tổ ấm với con cháu, dâu rể thành đạt cho đến tuổi bát thập, bà vẫn hạnh phúc chia sẻ: "Sắp tròn cái tuổi 85/ Mở thêm triển lãm "Nét đằm thời gian"... Cười hiền chỉ nói một câu/ "Say nghề yêu nghiệp bao lâu chẳng nề/ Riêng em vui đến bất ngờ/ Bên anh vẫn thấy như là khi xưa/ Nửa già thế kỷ kề bên/ Xem tranh em lại thấy càng thêm yêu".
Tình nghệ sĩ, là những cung bậc cuộc đời trầm bổng, đã có biết bao nhiêu gian nan, vất vả trong những tháng ngày bên nhau ấy nhưng họ đã cùng nhau vượt qua tất cả để cập bến bờ hạnh phúc. Một họa sĩ, một diễn viên đã chung sức chung lòng nuôi 4 người con ăn học trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước đã để lại dư âm trong những trang thơ của NSND Ngọc Lan.
Đó là những đêm trăn trở không ngủ xoay xở lo cho cuộc sống, những năm tháng đóng phim nhiều nhất lại là những thời điểm các con bà còn nhỏ dại, bà vừa đưa đón con đi học, vừa đi đóng phim và về nhà thì rảnh là chăn nuôi sản xuất để kiếm thêm thu nhập. Trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa xúng xính đi chơi, tụ tập sau giờ diễn thì bà đạp xe lọc cọc từ xưởng phim về nhà để... chăn nuôi.
Những năm tháng ấy bà còn đi cuốn thuốc lá sợi giao cho các cửa hàng tạp hóa. Suốt 5 năm bà mở tiệm cắt may quần áo và đưa sỉ đồ pizama cho các cửa hàng mậu dịch như cửa hàng Ngọc Hà, cửa hàng Nguyễn Biểu, cửa hàng Thụy Khuê, Bưởi. Các con thấy mẹ vất vả cũng xắn tay vào làm cùng mẹ. Chị Phương Lan, chị Lê hỗ trợ mẹ thùa khuy, đơm cúc áo... Những thửa vải còn thừa ra nhiều, bà may áo cho con. Bà vẫn nhớ có tấm vải may áo dài màu cam rất đẹp, bà cắt áo dài cho khách xong, vải còn thừa bà cắt may cho con gái Phương Ly (hồi đó 5 tuổi) một chiếc áo dài nho nhỏ.
Phương Ly ngày ấy sung sướng mặc đến lớp học vẽ ở cung Văn hóa thiếu nhi và kèm theo câu "nịnh" mẹ: "Con yêu mẹ nhất trên đời!". Bà bảo: “Phương Ly tuy bướng bỉnh nhất nhà nhưng lại nói chuyện có duyên và tâm hồn lãng mạn. Có những ngày đi học vẽ, mẹ chưa đón kịp, Phương Ly tự đi bộ qua phố Phan Đình Phùng để về nhà ở phố Ngọc Hà. Đường Phan Đình Phùng ngập sấu chín rụng trên lối đi, Phương Ly đã nhặt sấu về cho mẹ nấu canh chua”.
Cuộc sống ngày xưa tuy vất vả nhưng NSND Ngọc Lan chia sẻ, trong gia đình ông bà, các con luôn đầy ắp tiếng cười. Bà luôn tâm niệm, cho dù bà là một diễn viên trẻ của ngày xưa và cần phấn đấu trên con đường sự nghiệp, nhưng bà vẫn luôn dành sự quan tâm sát sao cho các con. Bà khẳng định, với người phụ nữ, con cái mới là một tài sản đáng quý và bằng mọi giá bà phải dạy dỗ các con nên người, trở thành những người tốt, có ích cho xã hội.
Và bà hạnh phúc vì sau gần 60 năm chung sống bên nhau, hai ông bà tự hào có những người con trai con gái hiếu thảo, những người con dâu, rể thành đạt, giỏi giang và đang có những cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Bà cũng hạnh phúc vì có những người con nối nghiệp ông bà.
Con gái cả là tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên là Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Chị là người đã đồng hành cùng mẹ trên con đường nghệ thuật. Người con trai út của bà, họa sĩ Ngô Đức Lâm lại theo nghề của bố. Anh hiện là giáo viên Trường Mỹ thuật công nghiệp. NSND Ngọc Lan kể lại: khi biết Ngô Lâm có thiên hướng theo hội họa giống bố, bà định hướng cho anh trau dồi nghề vẽ từ lúc 4- 5 tuổi. Bà bày mẫu tĩnh vật để anh vẽ, vẽ xong thì mới được đi chơi cùng bạn bè hàng xóm.
Dù bận rộn đến mấy nhưng bà luôn dành thời gian trong ngày để gần gũi quan tâm, bảo ban các con. Cả hai ông bà đều thống nhất quan điểm để các con tự lập và tự đi trên đôi chân của mình, bằng nỗ lực của bản thân mình, đề cao sự chân thực và lòng tự trọng.
Chị Ngô Phương Lan, người con gái đầu lòng của ông bà chia sẻ: "Mỗi người con đều có những tình cảm đặc biệt với cha mẹ. Đối với tôi, tình cảm với bố mẹ thì quá nhiều để có thể nhớ và chia sẻ. Các chị em chúng tôi đều chịu ảnh hưởng bố mẹ mình từ nếp sống trung thực, làm việc luôn tận tình. Bố mẹ tôi sống chung thủy, chung tình, bởi vậy mà chúng tôi cũng theo nếp nhà và luôn cảm thấy cuộc sống cân bằng, yên ổn. Ông bà may mắn, gặp nhau, có ảnh hưởng đến nhau và đến các con. Trong gia đình tôi, cho dù ở thời điểm nào thì ông bà cũng tôn trọng cuộc sống và tôn trọng các con, từ trong công việc đến chuyện gia đình. Riêng với mẹ, tôi có sự gần gũi và chia sẻ nhiều hơn các em vì tôi là con cả.
Tôi là người đi qua thời bao cấp cùng bố mẹ nên cùng chịu thương chịu khó để hỗ trợ mẹ vượt qua những gian khó chung. Tôi biết vì sao mẹ lại yêu thơ và đến với thơ ca như một lẽ tự nhiên. Thơ của mẹ tôi chân thực, chỉ khi có cảm xúc thật thì mới viết nên những áng thơ. Tôi chưa bàn đến thành công từ góc độ nghệ thuật bởi mỗi người một mức độ và sự đánh giá khác nhau. Nhưng, thơ của mẹ tôi cảm xúc rất thật. Dường như không biết làm thế nào để bộc lộ được tình cảm của mình bằng lời nói trong đời sống thường ngày thì mẹ tôi bộc lộ bằng thơ.
Là người trong nghề, tôi hiểu rằng, làm diễn viên thường lo cho thanh sắc. Nhưng mẹ tôi thì khác các thế hệ diễn viên cùng thời với bà, mẹ tôi sinh nhiều con nhất. Đông con thì ảnh hưởng đến sự nghiệp, hy sinh thời gian và tâm sức cho con thì không có nhiều thời gian cho sự nghiệp. Nên tôi cho rằng, với khả năng và cái duyên điện ảnh của mình, có lẽ mẹ tôi sẽ tiến xa hơn. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ phàn nàn gì đến việc lựa chọn giữa gia đình hay nghề nghiệp. Bố mẹ tôi truyền cho các con sự trung thực, ngay thẳng và làm việc gì cũng làm với cả cái tâm của mình. Công việc, sự nghiệp tự thân đi trên đôi chân mình và gây dựng bằng đôi tay mình. Với bố mẹ tôi, mọi thứ cũng có sự hữu duyên thiên định và tôi thấy ông bà luôn vui vẻ, thỏa mãn với những gì mình đã có”.
Người ta vẫn bảo rằng, mọi sự trong đời đều là một mối "duyên trời" thì điều này thực sự đã đúng trong sự gặp gỡ của NSND Ngọc Lan và NSND Ngô Mạnh Lân. Đọc tập thơ “Nặng tình” của bà, tôi thấy hiện lên trong mỗi trang sách là một chữ "Duyên", một chữ "Thiên định" xuyên suốt trong những tình cảm và câu chữ cùng những tình cảm gia đình thương quý, trân trọng nhau.
Tôi có được nghe NSND Ngọc Lan kể về những kỷ niệm với bè bạn, những nhà thơ cùng thời và cả các thế hệ sau bà, những người gặp gỡ bà đều dành cho bà, một người nghệ sĩ thuộc về Nhân dân, thuộc về màn ảnh, những tình cảm đáng quý. Bản thân tôi là người được may mắn thỉnh thoảng lui tới gia đình ông bà, đôi khi tôi ước ao rằng, mỗi một nữ nhà thơ, cho dù đó là thế hệ nào, cũng được hưởng những đặc ân của số phận như NSND Ngọc Lan.
Tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp của gia đình, từng ánh mắt yêu thương mà hai ông bà trao gửi cho nhau ở tuổi bát thập. Bà vẫn cặm cụi trong bếp nấu những món ăn mà ông ưa thích, nấu cho ông một bát chè sen thơm ngọt, ông thì hóm hỉnh nói những câu đùa vui cùng bà, đầy yêu thương và chan chứa hạnh phúc. Những điều này đã được bà đưa lên trang giấy, trong những vần thơ giản dị ấm tình người.
Đối diện với mối tình nghệ sĩ này, tôi chỉ có một khát khao duy nhất là những người yêu thương nhau trong cuộc đời, dưới những mái ấm gia đình, vẫn có được những tình cảm nồng đượm và tha thiết thế. Ông bà đã truyền một ngọn lửa yêu thương để mỗi người trẻ chúng tôi biết trân quý hơn nữa tình cảm gia đình, nghĩa vợ chồng, vì đó là sợi dây bền chặt neo giữ con người ta những ký ức và những ân tình, mà đi suốt cuộc đời không bao giờ có thể mờ phai được...
Mẹ tôi
Kính tặng mẹ Ngọc Lan
Mẹ gần tám chục tuổi rồi
Vẫn xinh đẹp, vẫn rạng ngời nét xuân
Muôn trùng vất vả gian nan
Chống trèo mẹ vượt chẳng cần bì suy
Thời bao cấp khó trăm bề
Bát cơm còn độn dễ gì miếng ngon
Một nách mẹ bốn đứa con
Loay hoay cuốn thuốc, lại còn
máy khâu
Đóng phim, diễn kịch nơi đâu
Mẹ về ấm áp rộn câu nói cười
Đàn con ríu rít bên người
Bao nhiêu hơn thiệt lẽ đời lùi xa
*
Những năm con học bên Nga
Nghĩ về cha mẹ mắt nhòa nhớ thương
Mẹ cha một nắng hai sương
Con được ăn học, đến trường mê say
Chắt chiu, tích cóp mỗi ngày
Để dành, con góp một tay giúp nhà
Các em đang tuổi ăn no
Thèm từng cái kẹo, quả nho,
viên đường
Áo quần ngắn, nghĩ mà thương
Con nào quản ngại quãng đường
gần xa
Tuyết rơi, giá rét cắt da,
Gửi quà lặn lội, miễn là em vui!
Miễn là đỡ mẹ, mẹ ơi
Dăm ngày tiền chợ, mẹ vơi
nhọc nhằn!
*
Đã qua bao khúc gian truân
Con mong mẹ giữ mùa xuân
trong lòng
Ngày ngày cha mẹ thong dong
Vui cùng con cháu, phúc hồng tổ tiên
Cuộc đời biến đổi triền miên
Bên cha mẹ, thấy vô biên đủ đầy!