Mai Sơn hướng tới sản xuất, chế biến cà phê bền vững

Huyện Mai Sơn hiện có trên 6.500 ha cà phê; trong đó, gần 6.200 ha cho thu hoạch quả, sản lượng ước đạt hơn 90.600 tấn. Bước vào vụ sản xuất cà phê năm 2022, huyện Mai Sơn đã tăng cường tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái cà phê đúng kỹ thuật; ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường đối với 100% các hộ tham gia hoạt động sơ chế và chế biến cà phê; triển khai xây dựng các vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, giữ vững thương hiệu sản phẩm cà phê Sơn La.

Mô hình trồng cà phê an toàn của HTX dịch vụ và nông nghiệp Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng cà phê an toàn của HTX dịch vụ và nông nghiệp Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Tìm hiểu ở xã Chiềng Ban, xã có diện tích cây cà phê lớn nhất huyện Mai Sơn với trên 1.250 ha, sản lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Xã đã phối hợp với các công ty thu mua sơ chế cà phê tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho trên 1.000 lượt nông dân địa phương nâng cao nhận thức, trình độ canh tác sản xuất. Đối với 28 hộ sơ chế và chế biến cà phê được cấp phép hoạt động, yêu cầu đầu tư đầy đủ các công trình bể chứa, bể túi khí có lót bạt HDPE, đảm bảo xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nông dân bản Củ, xã Chiềng Ban, thực hành thu hái quả cà phê.

Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nông dân bản Củ, xã Chiềng Ban, thực hành thu hái quả cà phê.

Điển hình như HTX dịch vụ và nông nghiệp Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, được thành lập từ tháng 2/2022 với 15 hộ, trồng gần 50 ha cây ăn quả xen vườn cà phê. HTX đang tiến hành các bước để được cấp chứng nhận vùng sản xuất cà phê an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê chế biến của HTX theo chuỗi sản xuất an toàn, bền vững.

Ông Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX dịch vụ và nông nghiệp Phiêng Quài, chia sẻ: HTX có 8/15 hộ thành viên có hoạt động sơ chế và chế biến cà phê được cấp phép hoạt động; các hộ đã ký cam kết với xã chấp hành nghiêm các quy định xả thải, tác động môi trường theo quy định. Đồng thời, ký hợp đồng với Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La thu mua cà phê giá cao hơn 10% so với thị trường.

Còn ông Lò Văn Hiệp, bản Phiêng Quài, tâm sự: Sản xuất theo quy trình VietGAP, chúng tôi nhận biết và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc “4 đúng”, chăm sóc cà phê theo quy trình nên năng suất và chất lượng cà phê liên tục được cải thiện. Điểm đặc biệt là năm nay, chúng tôi được cán bộ Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La tập huấn hướng dẫn thu hái cà phê đúng cách, không thu hái quả cà phê quả xanh, non, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thu hái cà phê cho nông dân bản Củ, xã Chiềng Ban.

Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thu hái cà phê cho nông dân bản Củ, xã Chiềng Ban.

Xã Chiềng Mung có 751 ha trồng cà phê, 27 cơ sở và 38 hộ sơ chế và chế biến sản phẩm cà phê. Ông Hà Văn Thong, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mung, cho biết: Cà phê là một trong những cây trồng kinh tế chủ lực trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, để thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao năng suất, chất lượng đối với sản phẩm cà phê, xã đã phối hợp với ngành chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê, phối hợp với với Công ty phân bón Bảo Ngọc tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ tại 21/21 bản của xã, xây dựng mô hình trình diễn trồng 0,5 ha cây cà phê hữu cơ tại bản Bôm Cưa.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La, ngay từ đầu năm, huyện Mai Sơn đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế cà phê, tổ chức triển khai hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho hàng nghìn lượt nông dân thực hành cắt tỉa cành, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chỉ thu hái quả cà phê chín, không thu hái quả cà phê non, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cà phê nhân và giá trị sản phẩm. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu mua, sơ chế của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sơ chế cà phê; yêu cầu các xã ký cam kết chấp hành Luật Bảo vệ môi trường với 100% cơ sở sơ chế và chế biến cà phê trên địa bàn; thường xuyên nhắc nhở, răn đe và xử lý các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không chấp hành quy định bảo vệ môi trường.

Hệ thống hồ chứa đảm bảo vệ sinh môi trường của một hộ sơ chế, chế biến cà phê tại xã Chiềng Ban.

Hệ thống hồ chứa đảm bảo vệ sinh môi trường của một hộ sơ chế, chế biến cà phê tại xã Chiềng Ban.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Để xây dựng vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao, huyện đã phối hợp điều tra hiện trạng, rà soát 500 ha đất để xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Mai Sơn; lựa chọn hỗ trợ các xã: Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Ban triển khai 8-10 ha làm mô hình ứng dụng công nghệ trên cây cà phê do Công ty cà phê Minh Tiến tài trợ.

Hiện, Mai Sơn đang tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, HTX phát triển sản xuất, chế biến cà phê, thành lập các HTX liên kết sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người trồng cà phê, từng bước đưa cà phê Mai Sơn nói riêng và cà phê Sơn La nâng cao vị thế trên bản đồ cà phê Việt Nam.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-huong-toi-san-xuat-che-bien-ca-phe-ben-vung-53359