Mai Sơn mở rộng mã số vùng trồng xuất khẩu

Hiện nay, huyện Mai Sơn có gần 11.000 ha cây trồng các loại, sản lượng trên 54.000 tấn/năm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp và nhân dân phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tăng cường quản lý, rà soát, cấp mã số vùng trồng mới, để xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.

Diện tích nhãn của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Diện tích nhãn của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Căn cứ vào các yêu cầu, tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng hiện hành, huyện Mai Sơn đã cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới. Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật rà soát, kiểm tra, đánh giá đối với các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và diện tích đang đề xuất cấp mã số vùng trồng để điều chỉnh thu hồi mã số vùng trồng đối với những diện tích không đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Năm nay, toàn huyện có 8 HTX đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đối với sản phẩm xoài, nhãn và mắc ca. Phòng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ các HTX đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật để đánh giá, cấp chứng nhận mã số vùng trồng xuất khẩu mới cho các HTX. Đồng thời, rà soát đề xuất thu hồi mã số vùng trồng 80 ha xoài xuất khẩu của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, do HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX Ngọc Hoàng, cho biết: Thay vì phát triển nhiều sản phẩm, HTX đã tập trung vào sản phẩm thế mạnh và quyết định chuyển đổi 80 ha trồng xoài đã được cấp mã số vùng trồng sang trồng thanh long. HTX đã thông tin đến cơ quan quản lý Nhà nước về thay đổi kế hoạch sản xuất; đồng thời, khai thác hiệu quả những mối quan hệ hợp tác xuất khẩu đã có để kết nối, tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm thanh long. HTX đã xuất khẩu được 400 tấn thanh long quả tươi vào thị trường Pháp, Anh.

Trong các đề xuất cấp mã số vùng trồng xuất khẩu năm nay, sản phẩm mắc ca lần đầu tiên được HTX mắc ca Nà Ban, xã Hát Lót đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu để tìm kiếm đối tác xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế. Ông Tạ Tiến Thường, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có hơn 40 thành viên, với gần 50 ha cây mắc ca, trong đó 7,5 ha đã cho thu hoạch. Song chủ yếu là diện tích mắc ca trồng xen cây ăn quả và các cây trồng khác; HTX đang tích cực vận động các thành viên chuyển đổi trồng mắc ca tập trung theo vùng, liền khoảnh. Phấn đấu đến năm 2025 có 100 ha cây mắc ca, trong đó 20 ha đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Theo tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, các yêu cầu về sản xuất tập trung, liền vùng, liền khoảnh, diện tích tối thiểu từ 7-10 ha; quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng; ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong vụ canh tác và điều kiện canh tác… Hiện nay, huyện Mai Sơn có trên 1.100 ha nhãn, xoài, thanh long đủ điều kiện được cấp 39 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng diện tích trồng cây ăn quả của địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quy hoạch vùng trồng tập trung khó khăn do địa hình đồi núi, chia cắt, sản phẩm có mã số vùng trồng chưa được quan tâm đúng mức là rào cản cho việc mở rộng vùng trồng xuất khẩu.

Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, huyện Mai Sơn đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Triển khai chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ HTX, doanh nghiệp tem, nhãn bao bì sản phẩm, chứng nhận vùng sản xuất an toàn... Qua đó thiết lập và mở rộng mã số vùng trồng xuất khẩu mới, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-mo-rong-ma-so-vung-trong-xuat-khau-53094