Mai Sơn phát triển đa dạng sản phẩm OCOP
Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Công ty TNHH Mạnh Thắng, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), thành lập và hoạt động từ năm 2018, chuyên sản xuất và bán ra thị trường hàng tấn sản phẩm nấm linh chi sấy khô/năm. Năm 2020, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm nấm linh chi tham gia sản phẩm OCOP của tỉnh. Trước khi tham gia chương trình, Công ty đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng đồng bộ, khép kín từ nhà xưởng sản xuất đến dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không; hoàn thiện các phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng nấm đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm với quy mô khu sản xuất khoảng 1 ha...
Ông Đào Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty, cho biết: Sau gần 1 năm sản phẩm nấm linh chi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu cho doanh nghiệp. Hiện, Công ty đang tập trung phát triển một số sản phẩm mới, như: Cao nấm linh chi, trà nấm linh chi và rượu bao tử nấm... cung cấp cho thị trường trong nước và vươn tới xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng
Như vậy, cùng với nấm linh chi, huyện Mai Sơn có thêm 5 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương được chứng nhận OCOP, đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao, gồm: Thanh long sấy dẻo của HTX Ngọc Hoàng, xã Nà Bó; long nhãn sấy khô Nguyễn Phòng của HTX nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung; Ngọc trai Queen Pearl của Công ty TNHH MTV Queen pearl; ống hút tre của Công ty TNHH khai thác và xây dựng Bình Minh, thị trấn Hát Lót; hạt sa chi của HTX Quang Vinh, xã Chiềng Ve.
Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều có tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Các doanh nghiệp, HTX có sản phẩm đạt OCOP cũng quan tâm đến việc chế biến sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn, có năng lực, quy mô sản xuất lớn, có thể đáp ứng thị trường xuất khẩu; liên kết chuỗi chặt chẽ phạm vi trong tỉnh và ngoài tỉnh...
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Năm 2021, huyện Mai Sơn phấn đấu xây dựng 2 sản phẩm OCOP gồm: Hạt mắc ca của Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy và sản phẩm cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh của HTX Ara-Tay coffee. Đến thời điểm này, huyện đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chương trình; đồng thời, chú trọng truyền thông về các sản phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí địa phương, huyện đã bố trí gần 650 triệu đồng hỗ trợ các sản phẩm đảm bảo các tiêu chí khi tham gia đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP năm 2021.
HTX Ara-Tay coffee đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021. Hiện, HTX đang được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX mới thành lập cuối năm 2019 với 14 thành viên. HTX đã xây dựng xưởng sản xuất, máy rửa quả, máy pha cà phê, bao bì và máy đóng gói sản phẩm; 2 máy xát vỏ hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, công suất 5 tấn quả/giờ, giúp bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước; vỏ cà phê được ủ thành phân vi sinh, tiết kiệm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo chị Mòn, năm đầu tiên sau khi thành lập, HTX Ara-Tay coffee đã ký hợp đồng tiêu thụ được 14 tấn sản phẩm cà phê nhân với các đối tác tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và khu vực Tây Nguyên. Năm 2021, tham gia chương trình OCOP, HTX đăng ký sản phẩm cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh với mong muốn các sản phẩm của HTX được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi hơn, tạo lợi thế để sản phẩm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng, nâng hạng các sản phẩm OCOP, để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình OCOP, huyện Mai Sơn tiếp tục hướng dẫn các địa phương, người dân đổi mới phương thức sản xuất gắn với nâng cao giá trị sản phẩm; trong đó, chú trọng các sản phẩm nổi trội, thế mạnh và có tiềm năng của địa phương.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-phat-trien-da-dang-san-pham-ocop-40945