'Mai Vàng nhân ái' thăm Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ và NSƯT Xuân Quan
Ngày 6-5, Chương trình Mai Vàng nhân ái do Báo Người Lao Động khởi xướng với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ và NSƯT Xuân Quan tại quận 12, TP HCM.
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm và trao 2 phần quà hỗ trợ 2 nghệ sĩ, mỗi phần 5 triệu đồng. Dịp này, nghệ sĩ Võ Minh Lâm đã gửi tặng Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ và NSƯT Xuân Quan mỗi người 3 triệu đồng.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ: Luôn tiếp lửa cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ (tên thật Phạm Công Tỵ, SN 1956) là một trong những "báu vật nhân văn sống" theo cách gọi của cố GS-TS Trần Văn Khê. Những người như ông đã luôn thắp lửa cho thế hệ trẻ hiểu và trân quý bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ có 7 người con. Trong đó, 3 người theo nghề cha và đang là những nhân tố tích cực trong việc trực tiếp truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Từ năm 12 tuổi, Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ đã theo cha (nghệ sĩ Sáu Đờn, nổi tiếng với nhạc cụ đờn cò) tham gia đội nhạc lễ. Ban đầu, ông học đờn chỉ nghĩ sẽ là cách mưu sinh, nối nghiệp cha nhưng rồi "kết duyên" với các ngón đờn từ lúc nào không hay.
Không chỉ học đờn cò của người cha truyền dạy, ông còn say mê và theo học lóm đờn kìm, đờn gáo… Năm 1988, tại Liên hoan Nhạc lễ toàn quốc, Câu lạc bộ Nhạc lễ của Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn đã đoạt huy chương vàng. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Nghệ nhân Dân gian năm 2007, Nghệ nhân Ưu tú năm 2014 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Năm 1989, Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn thành lập thêm CLB Đờn ca tài tử. Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ được xem là thành viên nòng cốt của phong trào đưa đờn ca tài tử Nam Bộ đến gần hơn với giới trẻ.
Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ đã sáng tác nhiều bài bản, viết giáo trình giảng dạy, hướng dẫn các học trò giữ gìn những bản đờn truyền thống và sáng tác thêm nhiều bài bản mới.
Nhận số tiền hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" và món quà của nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ tâm sự: "Tôi bị bệnh đau khớp xương nhiều năm qua, tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu. Hôm nay nhận được món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", tôi cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động dành cho các nghệ nhân của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là sự quan tâm kịp thời, giúp nghệ sĩ vượt qua những khó khăn. Tại TP HCM đợt rồi có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân là tôi, ông Tấn Nhì, ông Lê Thanh Tùng. Đến nay thì hai ông bạn đã ra đi, chỉ còn một mình tôi tiếp tục cống hiến. Tôi mong được khỏe mạnh để truyền nghề cho lớp trẻ".
NSƯT Xuân Quan: Cả gia tộc gắn bó với hát bội
Đến khu vực đường song hành gần cầu vượt An Sương, quận 12, TP HCM, hỏi người dân thì ai cũng đều biết đến một gia tộc có 3 đời gắn bó với nghệ thuật hát bội. Đó là gia đình NSƯT Xuân Quan.
Là một trong những nghệ sĩ trụ cột của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM, NSƯT Xuân Quan có nhiều vai diễn để đời và nhiều vai đoạt HCV tại các hội diễn, liên hoan về nghệ thuật tuồng. Đó là các vai: Dư Hồng (vở "Lưu Kim Đính" – năm 1993); Đỗ Thanh Nhân (vở "Chất ngọc không tan" – năm 1995); Lê Quang (vở "Tiếng hát nàng Huyền Cơ" – năm 1999)…
Năm 2001, NSƯT Xuân Quan được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT. Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đã hoàn thành thủ tục xét tặng danh hiệu NSND cho ông.
Hơn 45 năm gắn bó với nghề, ông và vợ là NSƯT Thanh Trang đã có nhiều cống hiến, dìu dắt thế hệ diễn viên trẻ bằng cách trao truyền kinh nghiệm cho họ về nghệ thuật hát bội.
NSƯT Xuân Quan tâm sự: "Cách đây 3 tuần, tôi phát hiện mình bị bệnh đau cổ, đi khám thì mới biết ung thư vòm họng. Hiện tôi đang trong quá trình điều trị. Hôm nay nhận được món quà bất ngờ này của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" và của nghệ sĩ Võ Minh Lâm, tôi xúc động lắm. Tôi mong sao sẽ đạt hiệu quả tốt trong điều trị để tiếp tục truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ".
Chương trình "Mai Vàng nhân ái" nhằm tôn vinh, tri ân, hỗ trợ các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong hoạt động sáng tác, nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, những vai diễn xuất sắc nhưng hiện có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu… Chương trình mong muốn thế hệ trẻ nỗ lực sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Đến nay, Chương trình "Mai vàng nhân ái" đã đến thăm và hỗ trợ 127 văn nghệ sĩ cả nước.