Mãi xanh miền cây di sản
Rừng từ lâu được ví như vàng và vùng đất Mã Đà này may mắn được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên quý giá ấy. Bao năm qua, rừng chở che, tạo lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để rừng mãi xanh, ngoài trách nhiệm, ở những người bảo vệ rừng còn có tình yêu thiên nhiên, yêu núi rừng hùng vĩ. Chuyện giữ rừng đối với họ là mệnh lệnh và mệnh lệnh đó luôn xuất phát từ trái tim…
Chính từ mệnh lệnh trái tim mà hơn 30 năm qua, các đơn vị chức năng của tỉnh và huyện Đồng Phú đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B58 (TP. Đồng Xoài) triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả…
Tận tâm, tận lực bảo vệ rừng
Ở vị trí khá thuận lợi, cách TP. Đồng Xoài, trung tâm tỉnh Bình Phước 30km và bao bọc xung quanh là những vườn điều, cao su, cây ăn quả…, 512 ha rừng ở Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú luôn đối mặt với nhiều áp lực của nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cũng như khai thác trái phép lâm sản.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng quyết tâm của các nhân viên, cựu chiến binh (CCB), trong đó nòng cốt là gia đình CCB Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi khó khăn từng bước vượt qua… Bằng tấm chân tình và khát vọng giữ rừng, rất nhiều CCB đã cùng tham gia bảo vệ rừng, trong số đó nhiều CCB nguyên là lãnh đạo xã, đảng viên lão thành hơn 40 năm tuổi Đảng. Với họ, việc tham gia giữ rừng là tình cảm, trách nhiệm và là sự trả ơn rừng vì năm xưa đã từng bảo vệ, chở che họ khỏi mưa bom, lửa đạn của kẻ thù.
512 ha rừng ở Tiểu khu 379, xã Tân Hòa chính là rừng Chiến khu D, từng là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo lão thành hoạt động cách mạng. Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá... từ thời kháng chiến. Đó là tư liệu lịch sử quý giá, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Chính vì giá trị lịch sử to lớn đó mà từ năm 1993 đến nay, “bằng tất cả nguồn lực trong từng thời kỳ”, vợ chồng CCB Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi đã dành cả thanh xuân, sức khỏe, quãng thời gian đẹp nhất của đời người, cùng với đồng chí, đồng đội và con cháu tận tâm, tận lực bảo vệ nguyên vẹn 512 ha rừng Mã Đà thuộc Chiến khu D.
Để tiếp thêm nghị lực và lan tỏa việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững, hằng năm nhiều tướng lĩnh như: Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, Trung tướng Phạm Thanh Lân, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn Kiểm, Nguyễn Đình Trường và doanh nhân CCB các tỉnh, thành phố đã tới thăm và trồng cây để lan tỏa phong trào trồng cây - gây rừng.
Được vào thăm khu rừng 512 ha ở Tiểu khu 379, tôi rất mừng. Đáng mừng là cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đều vào cuộc phối hợp để bảo vệ rừng, đặc biệt là anh chị Trường - Tươi. Chúng tôi càng phấn khởi, càng mừng cho đất nước, mừng cho Bình Phước. Tôi mong rằng CCB cả nước và CCB Bình Phước cần phát huy, nhân rộng các mô hình như thế này để giữ môi trường và nhất là các khu rừng nguyên sinh. Trước đây, chúng tôi là người lính, đã từng chiến đấu và từng ở rừng, tôi rất thấm thía và hiểu rõ giá trị của rừng. Vì vậy, bảo vệ được khu rừng nguyên sinh như thế này chúng tôi rất tự hào và mong rằng nhiều khu rừng trong cả nước cũng được gìn giữ, phát triển tốt.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam
162 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam
Để có hệ thực vật phong phú như hiện nay, các lực lượng bảo vệ rừng đã vận dụng tri thức bản địa, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Họ lập ra rất nhiều chốt bảo vệ rừng; đào rãnh xung quanh làm đường cản lửa phòng, chống cháy rừng; chia lô, chia khoảnh để theo dõi sự phát triển của rừng và đặc biệt luôn ghi nhớ tên từng loài cây và loài cây ấy thuộc nhóm gỗ nào, giá trị của từng loài ra sao và ở đâu có thú rừng sinh sống để có phương án bảo vệ cụ thể…
Từ khi được bảo vệ nghiêm ngặt, rừng nguyên sinh cổ thụ ít bị tác động, hệ động, thực vật trở nên phong phú, đa dạng. Rừng đã bảo tồn được nhiều loại cây gỗ quý thuộc nhóm trong Sách đỏ như lim, gụ, gõ đỏ, trắc, cẩm lai... Hệ thực vật rừng phong phú, trữ lượng gỗ ước gần 300m3/ha. Trong hàng ngàn cây gỗ quý tại khu rừng này, quần thể cây di sản gồm 162 cây thuộc 15 loài đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tính độc đáo, đặc sắc, độc nhất của quần thể những Cây di sản Việt Nam tại Tiểu khu 379 Mã Đà chưa nơi nào có được, đó chính là rừng cây duy nhất trong cả nước có 15 loài cây. Tuổi cây cổ thụ cao, với 117 cây hơn 500 tuổi. Quần thể cây kơ nia ở đây có tính độc nhất là: cây mọc tự nhiên, cây mọc thành quần thể, cây tái sinh theo tự nhiên. Có đến 7 cây kơ nia hơn 1.000 tuổi, trong đó cây kơ nia tổ khoảng 1.230 tuổi.
Năm 2014, khi tôi gặp chị Tươi ngoài đảo Lý Sơn, chị truyền cảm hứng tích cực cho tôi. Sau đó, chúng tôi bắt đầu xác định và gắn bó với khu rừng này, gắn bó với vợ chồng chị Tươi để chứng minh với Chính phủ rằng lực lượng CCB bảo vệ rừng rất tốt. Sau đó, Chính phủ đã có ý kiến và tỉnh Bình Phước đã có quyết định giao khu rừng này. Qua khảo sát tôi thấy Tây Nguyên còn rất ít cây kơ nia và rừng Mã Đà giữ được mấy trăm cây như thế rất đáng quý, đáng trân trọng. Sau này, ở khu rừng này sẽ làm 1 cung đường kơ nia huyền thoại để tất cả ai muốn vào tham quan chỉ cần check-in thì biết ngay là cây kơ nia. Cây có tên khoa học là gì, độ cao, đường kính bao nhiêu, đặc tính thế nào để bảo tồn và phát huy.
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Lan tỏa tình yêu rừng
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, việc lựa chọn và vinh danh cây di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, tạo nguồn cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Bằng việc làm thiết thực, vợ chồng CCB Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi và những CCB, con em CCB Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B58 đã lan tỏa được tình yêu rừng đến với cộng đồng, nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy yêu quý rừng để bảo vệ “lá phổi xanh” cho cuộc sống; trân quý những giá trị văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh học, môi trường, du lịch sinh thái cộng đồng… tốt đẹp của rừng, của cây di sản được pháp luật, cộng đồng công nhận và bảo vệ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Tươi Phạm Hương Sơn (con trai CCB Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi) chia sẻ: Với cương vị là một người con, cũng là chủ doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp nối truyền thống của gia đình, của bố mẹ để phát huy giá trị, gìn giữ bền vững khu rừng này. Đặc biệt sẽ thực hiện được tâm nguyện của bố mẹ là bảo vệ khu rừng, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Với tình yêu, trách nhiệm và những thành quả đạt được, các lực lượng bảo vệ rừng cùng với người dân sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, biến gian nan thành động lực để bảo vệ rừng. Đó cũng chính là thể hiện lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/12/151502/mai-xanh-mien-cay-di-san