Malaysia cam kết giảm mạnh nợ công

Theo Báo cáo của Tổng kiểm toán Malaysia, nợ quốc gia của nước này được ghi nhận ở mức 1.173 tỷ ringgit (270 triệu USD) vào năm 2023 - mức cao nhất từ trước đến nay.

Ảnh tư liệu: Người dân đi lại trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Ảnh tư liệu: Người dân đi lại trên đường phố tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã cam kết giảm mạnh nợ công vào cuối năm nay, trong khi Bộ Tài chính nước này cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ 64% xuống còn 60% trong 5 năm tới.

Theo Tiến sĩ Goh Lim Thye, Giảng viên Khoa Kinh tế, đại học Malaya, Malaysia, chính phủ đã nỗ lực triển khai các nội dung của Ngân sách 2024, song nợ quốc gia vẫn đang ở mức cao. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân.

Sau khi chính quyền dưới thời Liên minh Hy vọng (PH) được thành lập vào năm 2018, Malaysia đã phải gánh các khoản nợ từ chính quyền trước đó, bao gồm khoản nợ từ Quỹ Đầu tư Nhà nước

Malaysia (1MDB). Gần đây, Thủ tướng Anwar tiếp tục khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực giảm các khoản nợ quốc gia vốn có từ các chính quyền trước đây.

Tuy nhiên việc này không hề dễ dàng khi chính phủ vẫn phải duy trì các hoạt động cơ bản như xây dựng hạ tầng công cộng, trường học, cùng nhiều công việc khác để vận hành và phát triển đất nước. Điều này có nghĩa là mỗi chính phủ kế tiếp không chỉ phải đối mặt với thách thức từ nợ của các chính quyền trước, mà còn bị buộc phải chi nhiều hơn để phát triển nền kinh tế, qua đó có đủ điều kiện để trả các khoản nợ.

Hiện nay, mọi thứ đang trở nên phức tạp hơn từ các cuộc khủng hoảng như chiến tranh, suy thoái kinh tế và đặc biệt là đại dịch COVID-19. Năm 2020 có lẽ là thời điểm khó khăn đối với các chính phủ và người dân trên toàn cầu. Theo ông Goh, xét về mặt giảm GDP, ảnh hưởng từ đại dịch vừa qua cao gấp khoảng 3 lần so với cuộc khủng hoảng năm 2018. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Malaysia phải vay nhiều tiền hơn trong vài năm qua.

Chỉ tính riêng năm 2020, chính quyền của Liên minh Dân tộc (PN) khi đó đã phân bổ 322 tỷ ringgit cho Gói kích thích kinh tế. Ngoài ra, chính phủ cũng đã chi 100 tỷ ringgit để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào năm 2021 và 100 tỷ ringgit vào năm 2022. Các khoản tiền này được đưa ra nhằm tiếp tục thực hiện Gói kích thích kinh tế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm ổn định nền kinh tế.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Goh, mặc dù nợ ở mức cao, song điều quan trọng là chính phủ quản lý và sử dụng các khoản nợ này như thế nào? Cụ thể, ông chia sẻ: “Về mặt kinh tế, miễn là Malaysia duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ và thực hiện các chính sách tài khóa tốt thì nợ quốc gia vẫn có thể được quản lý trong trung và dài hạn”. Năm 2024, kinh tế Malaysia đã tăng trưởng tích cực, đạt 4,2% trong quý I và 5,9% trong quý II. Thành công này là nhờ chi tiêu hộ gia đình tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và ngành sản xuất, đặc biệt là ngành điện, điện từ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Ngoài ra, Malaysia đã tập trung đầu tư vào các công nghệ mới nổi như xe điện (EV) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Để giảm nợ quốc gia, cải cách lớn đầu tiên là bãi bỏ kiểm soát giá đối với thịt gà vào năm 2023 - chấm dứt mức giá trợ cấp cho thịt gà tươi trong nhiều thập kỷ. Năm 2024, chính phủ tiếp tục hợp lý hóa trợ cấp dầu diesel và xác định rõ các đối tượng được hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, chính phủ cũng điều chỉnh giá điện vào tháng 1/2024 và xem xét chấm dứt trợ cấp đối với trứng gà.

Các chính sách cải cách này dự kiến sẽ giúp chính phủ tiết kiệm hàng tỷ USD. Mặc dù nhiều người cho rằng các biện pháp hợp lý hóa trợ cấp này sẽ khiến giá cả tăng vọt, nhưng cho đến nay vẫn chưa tác động nhiều đến đa phần người dân Malaysia. Các biện pháp hợp lý hóa trợ cấp được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền tiết kiệm được khoảng 10 tỷ ringgit ((2,32 tỷ USD) trong năm nay để triển khai các sáng kiến và chương trình phát triển kinh tế như đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. So với trợ cấp toàn diện, các biện pháp mới đảm bảo rằng chỉ người dân cần mới nhận được các khoản hỗ trợ này.

Ngoài ra, chính phủ cũng đã thông qua Đạo luật Tài chính Công và Trách nhiệm Tài chính vào năm 2023. Đây là luật đầu tiên trong lịch sử Malaysia nhằm quản lý các chính sách tài chính của chính phủ, trong đó buộc Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đồng thời, Đạo luật cũng đưa ra các mục tiêu tài chính mà chính phủ cần đạt được, đồng thời cung cấp kết hoạch dự phòng khi các mục tiêu không đạt được.

Tiến sĩ Goh đánh giá, nợ quốc gia cao không đồng nghĩa với việc kinh tế tồi tệ. Cụ thể, ông chia sẻ: “Có một quan niệm sai lầm phổ biến là nợ quốc gia phải được xóa bỏ hoàn toàn hoặc bất kỳ sự gia tăng nợ cũng là dấu hiệu của việc quản lý tài chính yếu kém”. Tỷ lệ nợ trên GDP là một thước đo phổ biến để đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia. Về cơ bản, tỷ lệ càng cao thì rủi ro vỡ nợ càng cao. Tuy nhiên, các cường quốc trên thế giới lại có tỷ lệ nợ trên GDP ở mức cao, như Mỹ là 122%, Trung Quốc 66,8% và Singapore là 131%. Các quốc gia này vay nợ triển khai các chính sách phát triển kinh tế trong dài hạn và có đủ nguồn lực để trả nợ, cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế.

Cuối cùng, Tiến sĩ Goh kết luận, mặc dù nợ quốc gia là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của một nền kinh tế, song chỉ ở mức tương đối. Điều quan trọng là cần đánh giá khả năng quản lý, sử dụng nguồn vốn vay của một quốc gia có hiệu quả hay không.

Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/malaysia-cam-ket-giam-manh-no-cong/350831.html