Malaysia đứng trước khủng hoảng thiếu nhân công

Hiện nay, do tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư tăng cao, các công ty Malaysia từ đồn điền dầu cọ đến nhà sản xuất chất bán dẫn đều từ chối đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD, và hệ quả đang đe dọa đến tốc độ phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Các ngành sản xuất thiếu hụt nguồn lực trầm trọng

Tại Malaysia, doanh thu từ các nhà sản xuất chiếm gần 1/4 nền kinh tế đất nước, nhưng khi tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng thì tình trạng thiếu nhân công lại kéo dài. Các nhà sản xuất tại quốc gia này đang lo sợ mất khách hàng vào tay các quốc gia khác. Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai, đại diện cho hơn 3.500 công ty cho biết, mặc dù có sự lạc quan hơn về triển vọng và sự gia tăng doanh số, một số công ty bị cản trở nghiêm trọng trong khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng. Theo dữ liệu, Malaysia hiện nay đang thiếu ít nhất 1,2 triệu công nhân trong lĩnh vực sản xuất, đồn điền và xây dựng, tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng hơn khi nhu cầu tăng lên cùng với sự giảm bớt của đại dịch.

Báo cáo từ các nhà sản xuất cho thấy, họ đang thiếu 600.000 công nhân, xây dựng cần 550.000, ngành dầu cọ thiếu 120.000 công nhân, các nhà sản xuất chip thiếu 15.000, vì vậy không thể đáp ứng nhu cầu mặc dù thiếu chip toàn cầu và các nhà sản xuất găng tay y tế cho biết họ cần 12.000 công nhân. Theo dữ liệu từ S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng của Malaysia đã giảm xuống từ mức 51,6 trong tháng 4 còn 50,1 trong tháng 5, hầu như không tiếp tục mở rộng, do lĩnh vực này giảm nhiều việc làm nhất kể từ tháng 8 năm 2020.

Nguồn: The Straits Times

Nguồn: The Straits Times

Tại lĩnh vực sản xuất chip, các nhà sản xuất đang phải từ chối các đơn hàng từ khách hàng do lo ngại không thể đáp ứng đủ và trả đúng hạn. Mặc dù người dân địa phương đã thử làm công việc này, nhưng đa số đều không quan tâm và nhiều người đã nghỉ việc sau chưa đầy nửa năm. Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu cọ đóng góp 5% cho nền kinh tế Malaysia, cảnh báo 3 triệu tấn hoa màu có thể bị mất trong năm nay do trái cây bị hỏng, nghĩa là tổng thiệt hại lên tới hơn 4 tỷ USD. Ngành sản xuất găng tay cao su ước tính sẽ mất 700 triệu USD doanh thu trong năm nay. Đây đều là những ngành sản xuất trọng điểm của Malaysia, do đó, nếu tình trạng thiếu hụt nhân công kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Bài toán khó về lao động nhập cư

Các quốc gia khu vực Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu, đây là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó cần hàng triệu công nhân từ nước ngoài để làm việc tại các nhà máy, đồn điền. Mặc dù Malaysia đã dỡ bỏ lệnh cấm tuyển dụng lao động nước ngoài vào hồi tháng 2, hầu hết các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến việc bảo đảm nguồn nhân lực để các ngành có thể hoạt động tối ưu nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất, song lượng lao động nhập cư quay trở lại vẫn chưa đáng kể.

Sự chậm trễ này một phần do quá trình phê duyệt, cũng như các cuộc đàm phán kéo dài với Indonesia và Bangladesh về vấn đề bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, sau nhiều tháng mở lại trang đăng ký tuyển dụng lao động nước ngoài, chỉ có hơn 2.000 đơn đăng ký trong lĩnh vực sản xuất và trồng trọt được chấp thuận. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp là 4,2%, với hơn 680.000 vị trí tuyển dụng, nhưng người lao động địa phương không muốn làm việc trong những lĩnh vực kể trên do công việc không hấp dẫn và thu nhập không cao.

Trên thực tế, theo Liên đoàn sử dụng lao động nước ngoài Malaysia (MEF) không có lao động nước ngoài mới nào được nhập cảnh thông qua Hệ thống quản lý tập trung lao động nước ngoài (FWCMS) bởi quy trình xét duyệt hồ sơ nhiều bước của FWCMS. Trước thực trạng này, đại diện của MEF hối thúc Chính phủ đàm phán với các quốc gia có nguồn nhân lực dôi dư để kiểm soát và giới hạn phí tuyển dụng của các đại lý. MEF cũng hy vọng rằng thời gian xét duyệt hồ sơ của lao động nước ngoài có thể được rút ngắn. Quá trình nộp đơn cho lao động nước ngoài mới ước tính mất đến sáu tháng, trước khi một lao động nước ngoài có thể bắt đầu làm việc.

Ngoài ra, Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) kêu gọi Chính phủ thông báo rõ ràng lý do từ chối hoặc không xử lý đơn xin việc của lao động nước ngoài để người sử dụng lao động có thể nhanh chóng khắc phục sự việc. Chủ tịch FMM Tan Sri Soh Thian Lai cho rằng, Chính phủ nên rõ ràng và nhất quán hơn trong quy trình đăng ký và tuyển dụng, đồng thời đề nghị rút ngắn thời gian quảng cáo bắt buộc 30 ngày trên MyFutureJobs, điều này sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi để xử lý giấy phép lao động.

Trên thực tế, tại Malaysia có hai luồng ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ việc sử dụng lao động nước ngoài cho rằng việc giải quyết vấn đề trước mắt là rất hợp lý, do việc thiếu hụt lao động sẽ làm cản trở tăng trưởng kinh doanh và phục hồi kinh tế. Song, một số ý kiến khác cũng đặt câu hỏi: liệu việc nâng cao chuỗi giá trị và giảm bớt sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nước ngoài có thể khả thi nếu họ tiếp tục thuê lực lượng lao động này như đã từng làm trước đây?

Đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu

Trong hai năm qua các hoạt động lao động trên khắp đất nước Đông Nam Á đã bị giám sát chặt chẽ do lo ngại về quyền lao dộng nhập cư. Trong đó, dầu cọ là một trong những loại dầu thực vật rẻ nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới, được sử dụng trong các sản phẩm từ thực phẩm, mỹ phẩm đến dầu diesel sinh học, song ngành công nghiệp này đã phải đối mặt với sự giám sát vì nạn phá rừng lan rộng ở Đông Nam Á, cũng như nạn bóc lột lao động nhập cư. Lao động nhập cư từ các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và Bangladesh chiếm khoảng 80% lực lượng lao động dầu cọ ở Malaysia, nhà sản xuất hàng hóa lớn thứ hai thế giới, sau nước láng giềng Indonesia.

Trước tình hình kiểm duyệt nghiêm ngặt và tình trạng thiếu công nhân, Bộ Nguồn nhân lực của Malaysia - cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt việc tiếp nhận lao động nước ngoài cho biết, các công ty đã yêu cầu thuê 475.000 lao động nhập cư nhưng Bộ chỉ chấp thuận 2.065. Những yêu cầu khác bị từ chối vì thông tin không đầy đủ hoặc chưa tuân thủ các quy định. Các nhà ngoại giao từ Indonesia và Bangladesh, hai trong số những nguồn cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất của Malaysia cho biết, quyền của người lao động là một phần của việc hạn chế tìm kiếm lao động nhập cư. Theo đó, Bangladesh đã ký một thỏa thuận vào tháng 12.2021 để gửi công nhân, nhưng việc thực hiện bị trì hoãn sau khi Chính phủ nước này phản đối quy trình tuyển dụng đề xuất của Malaysia, vì lo ngại kế hoạch này có thể dẫn đến tăng chi phí cho người lao động và nợ nần. Bộ trưởng Phúc lợi người nước ngoài và việc làm ở nước ngoài của Bangladesh Imran Ahmed cho biết, trọng tâm chính của họ là phúc lợi và quyền lợi của người lao động. Chính phủ hy vọng sẽ bảo đảm người lao động nhận được mức lương tiêu chuẩn, có chỗ ở thích hợp cũng như nhận được tất cả các an sinh xã hội khác.

Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia Saravanan Murugan đã khẳng định với Chính phủ Bangladesh rằng, họ sẽ bảo đảm mức lương tốt hơn và bảo vệ phúc lợi cho người lao động nhập cư, đồng thời đại diện Malaysia cũng đã phủ nhận những cáo buộc quá trình tuyển dụng có sai sót. Ông cho biết thêm, Chính phủ Malaysia đang hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật, thủ tục tuyển dụng và các thỏa thuận với một số quốc gia nguồn.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/malaysia-dung-truoc-khung-hoang-thieu-nhan-cong-i291903/