Malaysia phản đối Trung Quốc cho 16 máy bay quân sự vào sâu vùng đặc quyền kinh tế
Không quân Malaysia thông báo 16 máy bay PLA đã tiếp cận không phận nước này, máy bay chiến đấu Malaysia đã cất cánh giám sát, Malaysia đã gửi công hàm phản đối, sẽ triệu đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 2/6, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein hôm 1/6 cho biết ông sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Âu Dương Ngọc Tịnh (Ouyang Yujing) tới để yêu cầu giải thích về vụ việc máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia. Ông cũng sẽ liên lạc với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để bày tỏ với Trung Quốc rằng Malaysia rất quan tâm đến vụ việc này.
Ngoại trưởng Hishammuddin nhấn mạnh rằng lập trường của Malaysia là rất rõ ràng: Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào, nhưng điều đó không có nghĩa là thỏa hiệp về an ninh quốc gia; Malaysia sẽ tiếp tục bảo vệ phẩm giá và chủ quyền của mình.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia cùng ngày 1/6 ra tuyên bố nói, đây là hoạt động huấn luyện bay thường lệ của Không quân Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Người này nói, các máy bay quân sự Trung Quốc đã “chấp hành nghiêm các quy định liên quan của luật pháp quốc tế và không đi vào không phận của các nước khác. Theo luật pháp quốc tế liên quan, máy bay quân sự của Trung Quốc được hưởng quyền tự do bay trên không phận liên quan. Trung Quốc và Malaysia là hai nước láng giềng hữu nghị và Trung Quốc mong muốn tiếp tục các cuộc tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.
Bản đồ bay cho thấy các máy bay PLA xâm nhập sâu vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (Ảnh: Đa Chiều).
Bộ Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia (TUDM) ngày 1/6 cho biết 16 chiếc máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia vào trưa 31/5 và có lúc tiếp cận không phận của Malaysia thuộc bang Sabah, Đông Malaysia. Các máy bay quân sự này đã thực hiện các hành vi "đáng ngờ” tạo thành mối đe dọa đối với chủ quyền và an toàn bay của Malaysia. Máy bay huấn luyện Eagle-208 của RMAF đã được lệnh xuất kích khẩn cấp để theo dõi cảnh báo
RMAF cho biết, các máy bay quân sự của PLA đã tạo thành một đội hình chiến thuật và bay ở độ cao cách mặt đất từ 7 đến 8.000m với tốc độ 537 km/h. Bản đồ đường bay cho thấy đội hình bay của các máy bay PLA đã bay về phía nam sau khi đi qua Vùng thông tin bay Singapore, đi vào Vùng thông tin bay Kota Kinabalu ở Sabah rồi quay trở lại, có lúc đã xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia khoảng 110 km.
Máy bay huấn luyện Eagle-208 của phi đội 6 RMAF đã cất cánh khẩn cấp lúc 1 giờ 33 phút trưa 31/5 từ Labuan để giám sát. RMAF đã xác nhận phi đội không quân PLA bao gồm các máy bay vận tải Yun-20 và máy bay vận tải IL-76. Ngoài việc giám sát bằng radar, RMAF đã nhiều lần cố gắng hướng dẫn phi đội PLA liên lạc với tháp kiểm soát không lưu, nhưng các máy bay Trung Quốc đã không liên lạc với các kiểm soát viên không lưu khu vực Malaysia.
Hình ảnh do RMAF công bố chụp máy bay IL-76 của PLA bay trên vùng trời vùng đặc quyền kinh tế Malaysia mà không thông báo trước (Ảnh: Đa Chiều).
RMAF chỉ ra rằng cả Yun-20 và IL-76 đều là những máy bay vận tải chiến lược có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Ba (1/6) cho biết họ đã phát hiện ba tàu chiến của Hải quân PLA, bao gồm tàu khu trục Type 052D Thái Nguyên, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Tương Đàm và tàu tiếp liệu tổng hợp Sào Hồ, từ Kagoshima vượt qua Eo biển Osumi vào lúc 8 giờ sáng thứ Hai (31/5) đi về phía đông vào Thái Bình Dương. Eo biển Osumi là một eo biển quốc tế, không có vấn đề gì về luật pháp quốc tế đối với động thái này. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng họ giám sát trong toàn bộ quá trình hoạt động của các tàu chiến PLA.
Trang tin “Vùng trời Tây Nam của Đài Loan” cũng cho biết một máy bay quân sự của PLA đã đi vào Vùng nhận dạng Phòng không Tây Nam của Đài Loan vào tối 1/6, Không quân Đài Loan đã cho một máy bay chiến đấu lên ngăn chặn giám sát và phát thanh xua đuổi.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết hôm 31/5 Trung Quốc đã đưa một số lượng lớn máy bay quân sự bay qua khu vực quần đảo Trường Sa xuống đến khu vực bãi cạn Luconia sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia mà Trung Quốc cũng đang yêu sách chủ quyền trước khi vòng trở lại.
Máy bay vận tải hạng nặng IL-76 của PLA thả dù (Ảnh: Đa Chiều).
Tuy nhiên, các máy bay này không đáp ở thực thể có đường băng nào mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa. Đây là lần hiếm hoi một số lượng lớn máy bay quân sự Trung Quốc được phát hiện bay qua khu vực quần đảo Trường Sa xuống vùng phía Nam Biển Đông. Nhiều khả năng đây là hoạt động bay huấn luyện của Trung Quốc nhằm làm quen với những khu vực chiến trường trên biển để chuẩn bị cho các hành động chiến thuật như vận tải hoặc đổ bộ bằng nhảy dù.
Hãng tin Reuters của Anh bình luận rằng Trung Quốc đang thúc đẩy mở rộng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Năm 2020, một tàu thăm dò của Trung Quốc và một tàu khoan thăm dò dầu khí của Malaysia đã đối đầu trong suốt một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Từ mấy tháng trước đây, Philippines cũng đã cáo buộc hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố, Manila cũng đã liên tục phản đối ngoại giao với Trung Quốc, cho rằng những tàu đánh cá này do dân quân biển vận hành.