Malaysia trên đường trở thành trung tâm dữ liệu tiếp theo của khu vực
Các chuyên gia dự báo thị trường trung tâm dữ liệu nội địa của Malaysia sẽ có mức tăng trưởng tới 7%, đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2027.
Malaysia đang chứng kiến việc tăng tốc xây dựng công suất trung tâm dữ liệu, trong đó các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ có một loạt khoản đầu tư mới và mới nổi với công suất hơn 800 megawatt (MW), dự kiến đi vào hoạt động theo từng giai đoạn trong 5 năm tới do chi phí năng lượng và phí thuê mặt bằng rẻ hơn.
Theo Ngân hàng đầu tư RHB Investment Bank Bhd, quốc gia Đông Nam Á này đã phát triển thành một địa điểm hấp dẫn để đầu tư vào trung tâm dữ liệu nhờ có nguồn đất đai và năng lượng dồi dào, kết nối quốc tế tốt và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Trích dẫn một báo cáo của Arizton Advisory and Intelligence, RHB Investment Bank Bhd cho hay thị trường trung tâm dữ liệu nội địa của Malaysia được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) từ 7% lên 1,6 tỷ USD vào năm 2027 từ mức 1,1 tỷ USD vào năm 2021, với động lực thúc đẩy là các khoản đầu tư quy mô lớn và nhu cầu về vị trí chung mạnh mẽ.
Malaysia đã có khoảng 41 trung tâm dữ liệu doanh nghiệp, bao gồm AIMS Data Center Sdn Bhd, Bridge Data Centers (M) Sdn Bhd, GDS Services Ltd, Keppel Data Centers Holdings Pte Ltd và TM ONE/VADS Bhd. Sự phát triển của ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu được giám sát bởi Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC), một cơ quan trực thuộc Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số, có nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ thông tin.
MDEC cùng với Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) và Đơn vị Phân phối và Quản lý Hiệu suất (Pemandu) đã thành lập lực lượng đặc nhiệm trung tâm dữ liệu (DCTF), chịu trách nhiệm hỗ trợ đầu tư trung tâm dữ liệu vào quốc gia Đông Nam Á này.
DCTF hoạt động như một trung tâm tổng hợp nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu tiềm năng đang tìm cách thiết lập sự hiện diện tại Malaysia. Công việc của lực lượng đặc nhiệm là tìm hiểu các yêu cầu và thông số kỹ thuật của nhà đầu tư, đồng thời kết nối nhà đầu tư với các bên liên quan như nhà cung cấp dịch vụ tiện ích, công ty viễn thông, chủ sở hữu đất và các cơ quan chính phủ có liên quan. Cuối cùng, lực lượng đặc nhiệm đẩy nhanh quá trình tổng thể từ đầu đến cuối đối với các khoản đầu tư của trung tâm dữ liệu.
*Sự đổ bộ của dịch vụ trung tâm dữ liệu
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, RHB Research cho biết ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại Malaysia đã phát triển ổn định trong thập kỷ qua. Theo ước tính của MDEC, công suất tổng thể của ngành đạt khoảng 100 MW vào cuối năm 2021. Con số này sẽ tăng mạnh mẽ trong thập kỷ tới khi các dự án phát triển siêu quy mô dần dần được đưa vào hoạt động mang tới công suất bổ sung khoảng 800 MW.
Trung tâm nghiên cứu này coi việc thiết lập các vùng đám mây của Microsoft Corp và Amazon Web Services (AWS) là một cuộc chuyển đổi lớn mang lại những lợi ích đáng kể cho ngành trung tâm dữ liệu trong nước và cả nền kinh tế Malaysia. Tháng trước, AWS đã chính thức công bố khoản đầu tư 6 tỷ USD để thiết lập một vùng đám mây tại Malaysia nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ về dịch vụ đám mây tại quốc gia này và cả khu vực Đông Nam Á. Trong hơn 15 năm qua, đây là khoản đầu tư công nghệ quốc tế lớn nhất của loại hình này tại Malaysia.
Các khách hàng hiện tại của AWS bao gồm Astro Malaysia Holdings Bhd, Axiata Group, Bank Islam Malaysia Bhd, CelcomDigi Bhd, Johor Corp, Payments Network Malaysia Sdn Bhd và Petroliam Nasional Bhd. Cùng với đó, các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ của Malaysia như Carsome, Baba Products, Omesti và StoreHub cũng đã và đang xây dựng doanh nghiệp của mình trên các dịch vụ đám mây của AWS.
Tháng 4/219, Microsoft đã thành lập khu vực trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Malaysia với khoản đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 5 năm. Trên cơ sở đánh giá các nguồn tin trong ngành, RHB Research nhận định Microsoft Azure là đối tượng thuê chính cho trung tâm dữ liệu Cấp 3 đầu tiên của Keppel tại Khu Công nghệ Sedenak tọa lạc ở bang phía Nam Johor với tổng diện tích sàn là 100.495 feet vuông (9.245 m2).
Theo RHB Research, dường như lệnh cấm của Chính phủ Singapore đối với việc xây dựng trung tâm dữ liệu đưa ra vào năm 2019 là chất xúc tác biến Johor trở thành tâm điểm của các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu trong những năm gần đây.
Truyền thông trích lời Thủ hiến bang Johor, ông Onn Hafiz Ghazi cho hay bang này dự kiến sẽ thu hút một số khoản đầu tư trị giá 15 tỷ RM (trên 3,5 tỷ USD) vào trung tâm dữ liệu trong thập kỷ tới do nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ đám mây trong khu vực.
*Trung tâm dữ liệu mới nổi của châu Á
RHB Research nhận định Malaysia là một trung tâm trung tâm dữ liệu mới nổi ở châu Á với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu. Theo tổ chức nghiên cứu này, chính phủ mới do Thủ tướng Anwar Ibrahim đứng đầu đã cam kết đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng kỹ thuật số trong nước – một động lực hỗ trợ cho ngành trung tâm dữ liệu nội địa.
Bên cạnh đó, theo RHB Research, Chính sách đầu tư mới do Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) công bố vào tháng 10/2022 cũng góp phần thúc đẩy triển vọng tích cực của lĩnh vực trung tâm dữ liệu, trong đó chính phủ đang tìm cách thúc đẩy sự phức hợp của nền kinh tế chất lượng cao để thúc đẩy các cơ hội việc làm có giá trị cao.
Các chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu này chỉ ra nguồn tri thức lớn và công nhân lành nghề của Malaysia cho thấy lợi thế cạnh tranh đáng kể trong việc xúc tác cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn – nhân tố rất quan trọng đối với không gian trung tâm dữ liệu. Ngoài AWS và Microsoft, nhiều trung tâm dữ liệu toàn cầu như GDS, Equinix và Yondr đang rót vốn đáng kể để xây dựng các cơ sở đầu tiên của mình ở quốc gia Đông Nam Á này.
RHB Research cho biết các ý tưởng đầu tư vào trung tâm dữ liệu thường hướng tới hệ thống viễn thông đường dây cố định truyền thống do các trung tâm dữ liệu là tài sản cốt lõi cho các dịch vụ và giải pháp liên quan đến doanh nghiệp bổ sung cho tài sản cáp ngầm rộng lớn mà doanh nghiệp sở hữu. Mặc dù không có doanh nghiệp trung tâm dữ liệu thuần túy nào niêm yết trên sàn chứng khoán Bursa Malaysia nhưng tổ chức này khuyên nghị việc phát triển chủ đề trung tâm dữ liệu cần bao gồm các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng và/hoặc loại dịch vụ tạo thành một phần của chuỗi giá trị rộng lớn hơn./.