Bản xem trước của mẫu xe Bufori CS vừa được giới thiệu tại Malaysia. Theo kế hoạch, bản thương mại của mẫu xe này sẽ ra mắt chính thức vào nửa đầu năm 2020.
Dù hãng Bufori giới thiệu chiếc CS là xe thể thao, chúng ta có thể xem đây là siêu xe với sức mạnh khủng và những công nghệ đi kèm. Nếu được sản xuất, Bufori CS sẽ là siêu xe đầu tiên của Malaysia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tổng thể, Bufori CS không phải là mẫu xe cho đại chúng. Thậm chí, có người sẽ ghét Bufori CS vì thiết kế chẳng giống ai. Nhưng nếu bạn là người yêu những mẫu coupe cổ điển trong quá khứ, bạn sẽ có cái nhìn khác về CS. Những đường cong là đường nét thiết kế chủ đạo của Bufori CS.
Bên cạnh những đường cong, Bufori còn mang đến cho CS khá nhiều hình tròn. Ở phía trước, toàn bộ hệ thống đèn được gói gọn trong 8 hình tròn, bao gồm đèn chiếu sáng, đèn sương mù và đèn báo rẽ. Lưới tản nhiệt cũng độc đáo không kém với cảm hứng thiết kế từ bộ ria mép của người đàn ông Hồi giáo - tôn giáo chiếm đa số tại Malaysia.
Ở phía sau, đuôi xe của Bufori CS có thiết kế khá giống với BMW Z4 và Toyota Supra. Mui xe thấp dần về phía sau rồi được vuốt lên đôi chút, tương tự cánh gió cố định.
Xe được trang bị bộ vành hợp kim 19 inch đa chấu thể thao đi kèm kẹp phanh Brembo hàng hiệu.
Mẫu xe này dài 4.555 mm, rộng 1.950 mm và trục cơ sở dài 2.620 mm. Với số đo này, Bufori CS dài hơn 36 mm và rộng hơn 98 mm so với Porsche 911 thế hệ mới nhất. Điều này mang đến tỷ lệ phân bổ tốt hơn cho CS. Với mong muốn tạo nên chiếc GT, Bufori đã kéo dài phần đầu của CS thêm 350 mm so với bản thảo trước đây. Bản vẽ đầu tiên của chiếc Bufori CS đã ra đời cách đây 10 năm.
Dù đầu xe được kéo dài, khoang ca-bin của Bufori CS vẫn không quá chật. Xe được trang bị bộ ghế đua Sabelt CF, màn hình thông tin giải trí 7 inch hỗ trợ cảm ứng và một màn hình hiển thị thông tin lái ở giữa 2 đồng hồ.
Những chi tiết bên trong Bufori CS được vay mượn khá nhiều từ những mẫu xe của Fiat Chrysler. Điểm dễ nhận thấy nhất là cần số kiểu máy bay, tương tự trên những chiếc Jeep. Một số chi tiết vay mượn khác như bảng điều khiển trung tâm, điều hòa không khí tương tự Chrysler 300.
Sức mạnh của Bufori CS cũng đến từ tập đoàn Fiat Chrysler. Bản tiêu chuẩn của CS được trang bị động cơ hút khí tự nhiên V6 3.6L mạnh 320 mã lực và hộp số tự động 8 cấp ZF. Sau khi được sản xuất, Bufori CS sẽ có thêm bản động cơ tăng áp mạnh 500 mã lực.
Bản cao cấp Bufori CS8 sử dụng động cơ siêu nạp Hemi V8 6.4L của Chrysler. Động cơ này sản sinh công suất 750 mã lực và mô-men xoắn 1.000 Nm. Xe đi kèm hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động cầu sau. "Siêu xe" này có thể tăng tốc 0-100 km/h trong 3,5 giây và tốc độ tối đa 320 km/h.
Là mẫu xe thể thao, Bufori CS vẫn sở hữu những công nghệ hỗ trợ lái và an toàn như chống bó cứng phanh ABS, phân bố lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, cảnh báo sai làn đường, giám sát điểm mù, cảnh báo phương tiện phía sau, camera lùi và 2 túi khí.
Bufori CS được tối giản khối lượng khi sử dụng thân xe liên khối bằng vật liệu carbon kết hợp với sợi kevlar. Vật liệu carbon giúp xe "giảm cân", trong khi sợi kevlar mang đến độ bền và dẻo dai. Nhờ vậy, khối lượng của Bufori bản CS8 cũng chỉ dừng ở 1.400 kg.
Bufori là hãng xe thủ công được thành lập vào năm 1986 bởi 3 anh em Anthony, George và Gerry Khouri. Khởi đầu, hãng Bufori có trụ sở tại Australia. Đến năm 1998, cả 3 anh em nhà Khouri quyết định chuyển toàn bộ cơ sở vật chất của hãng xe Bufori đến thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Trong hơn 30 năm, hãng Bufori đã cho ra đời 7 mẫu xe, bao gồm Bufori Madison (1986-1988), Bufori MK I (1988-1992), Bufori V6i (1992-1994), Bufori MK II (1992-2003), Bufori La Joya, Bufori BMS R1 và Bufori Geneva.
Thượng Tâm
Ảnh: Paultan