Mâm cỗ miền Tây bày đủ món nhưng vắng người ngồi, biết lý do ai cũng xúc động
Trong các đám giỗ hay lễ cúng quan trọng, nhiều gia đình ở miền Tây chuẩn bị một mâm cỗ với hàng loạt món ngon, đặt trang trọng trên bàn lớn và bày trước nhà.
“Mâm cơm ngoài trời 12 chén mà hầu như đám giỗ nào ở miền Tây cũng có”, đoạn video với dòng mô tả ngắn được đăng tải trên mạng xã hội gần đây đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Phía bên dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng bày tỏ bất ngờ trước mâm cỗ đặc biệt. Nhưng khi biết ý nghĩa đằng sau mâm cơm “không thấy bóng dáng khách” này, ai nấy đều vô cùng xúc động.
“Đây là mâm cơm chiến sĩ - dành riêng cho những người lính đã hy sinh vì nền độc lập của đất nước, bình yên và hạnh phúc của nhân dân”, Mỹ Duyên (SN 2003) – chủ nhân đoạn video chia sẻ.
Mâm cỗ không bao giờ thấy khách nhưng bày đủ món ngon
Mỹ Duyên cho hay, mỗi lần vào các đám giỗ hay lễ cúng quan trọng trong năm, gia đình cô ở Đồng Tháp (tỉnh Tiền Giang cũ) đều chuẩn bị một mâm cơm chiến sĩ.
Mâm cơm này phải được dọn lên bàn lớn, đặt trang trọng ngoài thềm hoặc trước hiên nhà với số lượng bát đũa nhiều hơn mâm cỗ thường.
Tùy điều kiện và quan niệm từng nhà, người ta có thể bày biện lượng bát đũa khác nhau nhưng phổ biến nhất là 12 bát, tượng trưng cho 1 tiểu đội gồm 12 người.
Mỗi bát sẽ đi kèm một đôi đũa, được đặt ngay ngắn phía trên hoặc bên cạnh, thể hiện sự kính cẩn và trang nghiêm.
“Mọi người nói chiến sỹ hy sinh nhiều lắm, lại yêu thương nhau nên có khi sẽ tụ họp về rất đông. Vì vậy, các gia đình hay đặt nhiều bát, đũa.
Mâm cỗ dọn lên bàn lớn, đặt trang trọng trước cửa, ngoài thềm vì người dân tâm niệm, các chiến sỹ ngại vào nhà nên bày cỗ ở đó cho tiện”, Duyên tiết lộ.
Tùy văn hóa vùng miền và điều kiện từng nhà mà mâm cơm chiến sĩ của mỗi gia đình miền Tây sẽ có các món ăn khác nhau
Không chỉ bày biện nhiều bát đũa, người dân miền Tây còn chuẩn bị loạt món ngon khác nhau, đảm bảo mâm cơm chiến sĩ luôn đầy đủ, tươm tất nhất.
Mỗi mâm cơm sẽ gồm khoảng 10-12 món, đầy đủ từ món khai vị, món chính cho đến món tráng miệng. Duyên cho hay, món khai vị trong đám giỗ miền Tây thường là lồng hội (một đĩa bao gồm bánh bao chiên, chả nem, chả giò…).
Còn các món chính rất đa dạng, từ lợn quay, vịt quay ăn kèm bánh hỏi, bánh mì cho đến cá chiên cuốn bánh tráng, tôm hấp nước dừa, bò né, bò kho, lẩu,…


Mỗi mâm cỗ không chỉ chứa đựng nét đẹp văn hóa, tâm linh của người địa phương mà còn thể hiện sự biết ơn, lòng thành kính tưởng nhớ những người đã khuất
Tùy từng nhà mà người ta có thể chế biến thêm các món như bún xào, cháo, ăn kèm hải sản… Cuối cùng là món tráng miệng, thường là trái cây hoặc rau câu.
“Với gia đình mình, vào đám giỗ, các bà, các bác còn tự gói bánh tét hoặc bánh ít, đem đi hấp rồi dâng cúng ông bà, tổ tiên và các chiến sĩ.
Khi cúng, mọi người còn để sẵn túi nilon trên mâm với quan niệm ‘trần sao âm vậy’, ông bà, tổ tiên hay các chiến sĩ tới dùng tiệc có túi đựng bánh mang về”, Duyên kể.

Các thành viên trong gia đình của Mỹ Duyên sum họp vào đám giỗ
Cô gái cũng bày tỏ, trong đám giỗ ở miền Tây, các thành viên trong đại gia đình còn cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, tự nấu nướng các món ăn phục vụ mâm cỗ.
Đây không chỉ là dịp để người thân, họ hàng hỏi thăm nhau, tăng sự gắn kết giữa các thế hệ mà còn thể hiện lòng thành kính qua những món ngon, tưởng nhớ tới những người đã khuất.
Ngoài những món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong đám giỗ, nhiều gia đình miền Tây khi chuẩn bị mâm cơm chiến sĩ còn đặt thêm chén muối, chén gạo hay các lễ vật như đèn nến, hoa, trái cây…
“Không chỉ mang nét văn hóa, tâm linh độc đáo, mâm cơm chiến sỹ trong đám giỗ miền Tây còn gắn liền với lòng hiếu nghĩa, biết ơn của mỗi người Việt Nam với những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập cho Tổ quốc.
Đồng thời, giáo dục con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, cô gái trẻ bày tỏ.