Mâm cỗ ngày tết và lợi ích sức khỏe

Đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới. Mọi gia đình sẽ cùng nhau sum vầy, sửa soạn mâm cỗ Tết và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên bày tỏ lòng tri ân, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và chúc mừng năm mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều gì đã tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Tết Việt? Người Việt ăn rất tinh tế, thức ăn trước khi được vị giác cảm nhận ngon thì thị giác phải thấy đẹp và khứu giác phải ngửi thơm mới là hoàn hảo. Tinh hoa trong nghệ thuật ẩm thực Việt không chỉ thể hiện qua màu sắc đẹp trên món ăn mà còn ở liều lượng chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể cung cấp bao nhiêu năng lượng, có lợi cho sức khỏe như thế nào.

Không khí tết cổ truyền thể hiện qua câu thơ “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Màu sắc chủ đạo trong mâm cỗ Tết là màu đỏ tươi thắm tượng trưng cho may mắn và màu xanh lá tượng trưng cho sung túc. Để trình bày một mâm cỗ đẹp phải theo hướng đông bông, tây quả, nghĩa là hoa được bày ở hướng đông và trái cây hướng tây. Hoa cúng tết thường là hoa đào với các cành hoa chụm lại tượng trưng cho sự sum họp, hoa mai tiếng miền nam phát âm như “may” nghĩa là may mắn, cũng có thể cúng hoa lay ơn thể hiện lòng biết ơn, hoa cát tường mong may mắn hay hoa đồng tiền mong sung túc.

Trái cây trên bàn thờ là ngũ quả có 5 màu khác nhau là 5 lời ước nguyện, có thể là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và thơm với ẩn ý cầu mong vừa đủ xài thơm. Dưa hấu và bưởi thì chưng thành cặp đối xứng, dán hoặc vẽ thư pháp những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Phát. Mỗi loại trái cây đều có nhiều vitamin bổ dưỡng cho cơ thể, đặc biệt trong dưa hấu có acid amin citrulline tăng cường quá trình lưu thông máu, có lợi cho sức khỏe tim mạch, trong bưởi có fenofibrat giúp hạ mỡ máu, bảo vệ cơ thể.

Thức ăn thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên có bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, miến gà trắng trong, súp bóng cá vàng, măng khô hầm chân giò nâu, thịt lợn đông, gà luộc bẻ cánh tiên vàng, nem rán, chả lụa, … ăn kèm với các món muối chua như củ kiệu, hành muối, dưa muối, củ cải trắng ngâm nước mắm đường. Các dĩa thức ăn phải là số chẵn: 4 dĩa 4 món tượng trưng cho 4 mùa xuân hạ thu đông, 6 hay 8 món có ý nghĩa 6 là Lục (Lộc), 8 là Bát ( Phát) cầu xin năm mới Lộc Phát.

Mâm cỗ Việt không thể thiếu bánh chưng, bánh tét để mỗi người đều có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị quê nhà. Một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật như thịt lợn ba chỉ, đến thực vật như đậu xanh, gạo nếp, lá dong. Ở miền Nam bánh chưng được thay bằng bánh tét, thành phần chính vẫn là nếp và thịt lợn nhưng lá dong được thay bằng lá chuối, đậu xanh có khi thay bằng đậu đỏ và sáng tạo thêm nhân hột vịt muối, nhân chuối. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 100g bánh chưng sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể 181 Kcal; 4,3g chất đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94g sắt; 1,4g kẽm.

Mâm cỗ Việt cũng luôn có dĩa xôi gấc màu đỏ tươi tượng trưng cho sự may mắn. Cây gấc có tên khoa học là Momordica cochinchinensis Cucurbitaceae, bộ phận dùng là quả. Màng hạt gấc chứa 55,3% chất béo; 16,6% chất đạm; 1,8% tanin; 2,8% chất xơ; 6% nước; 2,9% chất vô cơ; 2,9% đường; 11,7% chất khoáng. Lớp màng trong quả có màu đỏ của lycopene và β-Caroten (tiền sinh tố A) có khả năng chống oxy hóa, chống lão hóa, bổ mắt và bảo vệ phổi, tim, mạch máu, thần kinh. Gấc làm đẹp da, giảm nếp nhăn, duy trì sắc đẹp, ngừa ung thư và làm tăng tuổi thọ.

Để đưa vị và giảm độ ngán của các chất dầu mỡ, chúng ta ăn kèm với các món phụ gia như hành muối, dưa muối, củ kiệu, củ cải trắng ngâm nước mắm đường. Các món muối chua này cung cấp cho cơ thể vi khuẩn thân thiện probiotic giúp tiêu hóa. Tuy nhiên, những người rối loạn tiêu hóa, đang mang thai hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch do hóa trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch thì không nên ăn dưa muối. Củ cải trắng ngâm nước mắm tỏi ớt ăn bánh chưng cũng rất tuyệt nhưng người bị bệnh tim mạch, huyết áp hay bệnh gan thì không nên dùng. Củ kiệu ngâm với dung dịch muối, đường, giấm sẽ tạo ra ethanol nên những người bị bệnh gan không nên ăn.

Hiện nay, người tiêu dùng mua sản phẩm làm sẵn trong các cửa hàng, siêu thị được nhập từ các cơ sở có chứng nhận đảm bảo An toàn thực phẩm cũng là một lựa chọn tốt. Về phía cơ sở sản xuất lưu ý nhãn thành phẩm phải ghi rõ thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn dùng và cách bảo quản.

Để có sức khỏe tốt chúng ta cần dinh dưỡng tốt, để ăn tết an toàn thì phải chế biến thực phẩm vệ sinh. Kính chúc mọi người, mọi nhà đón Tết Ất Tỵ nhiều Sức khỏe, Niềm vui, Ấm no và Hạnh phúc./.

DSCKII - Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mam-co-ngay-tet-va-loi-ich-suc-khoe-a189092.html