Mầm hạnh phúc của các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Tây Nguyên

Triển khai từ năm 2023, Chương trình 'Ươm mầm hạnh phúc' tại Đơn vị IVFMD Buôn Ma Thuột, thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn tại Tây Nguyên hiện thực hóa ước mơ về một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Góp phần tạo thêm động lực và niềm tin trong hành trình tìm con của các cặp vợ chống hiếm muộn.

“Trời ơi, lúc đó òa khóc luôn, tự nhiên bác sỹ Khải bảo là ra rồi đây, cu ra rồi đây nước mắt thế là trào ra, vui lắm”

“Cảm giác thấy ngọt ngào, hạnh phúc, như thanh xuân của mình trẻ lại, dài ra”.

Lần gặp mặt đầu tiên đầy xúc động của chị Nguyễn Thị Thu Dền và con.

Lần gặp mặt đầu tiên đầy xúc động của chị Nguyễn Thị Thu Dền và con.

Đó là tâm sự của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Dền ở Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk khi lần đầu tiên được gặp con trong phòng mổ. Chị Dền chia sẻ, vợ chồng chị đã hiếm muộn hơn 5 năm, cũng từng đi khám tại nhiều cơ sở y tế ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng đều không có kết quả. Suốt 5 năm đi tìm con, 2 vợ chồng chị đã gặp nhiều áp lực về tinh thần và tài chính. Năm 2023, vô tình được biết đến chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, vợ chồng chị Thu tìm đến để thử vận may. Và may mắn đã mỉm cười với vợ chồng chị khi hồ sơ của chị được phê duyệt. Qua 2 lần chuyển phôi chị đã thành công mang thai đứa con đầu lòng.

Cũng như chị Dền, vợ chồng chị Nông Thị Thu, ở thôn 6a, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk cũng được gieo mầm hạnh phúc từ chương trình này. Chị Thu cho biết, suốt 11 năm ròng 2 vợ chồng chị đã lặn lội đi khắp nơi để tìm con. Quá trình đó, chị đã trải qua 1 lần chọc hút, 3 lần bị sảy thai sinh hóa, 1 lần mổ poluyp tử cung. Tưởng rằng sẽ buông xuôi vì kinh tế và tinh thần đã kiệt quệ, nhưng hạnh phúc bất ngờ đã đến khi chị đã đậu thai trong chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột năm 2023. Suốt 9 tháng mang thai, chị Thu cũng gặp nhiều trở ngại khi thai bị thiếu ối, thai nhỏ hơn tuổi thai, đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật.

Chị Thu xúc động nói: “Không nghĩ là sẽ đậu đâu, vì làm mấy lần ở chỗ khác toàn bị thai sinh hóa, may mắn lần này lại được. Lúc sinh em bé xong kiểu như là nằm mơ vậy, không thể tin nổi là đang bế con trên tay luôn”.

Bé và mẹ được tiếp xúc da kề da

Bé và mẹ được tiếp xúc da kề da

Là người trực tiếp đồng hành với các cặp vợ chồng hiếm muộn trong chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”, Bác sỹ Lê Huy Khải, Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, những bệnh nhân hiếm muộn tìm đến đa phần đã trong trạng thái cùng cực, bi quan vì đã chạy chữa nhiều nơi mà không có kết quả. Do vậy, ngoài việc chữa bệnh lý, các bác sĩ còn phải chữa cả tâm bệnh để người bệnh yên tâm, tin tưởng, cho hiệu quả cao nhất.

“Cũng khá là tự hào và may mắn khi mình được chứng kiến những quả ngọt mà bản thân mình và bệnh nhân đồng hành để có được. Mình chỉ mong muốn rằng là sẽ tiếp tục làm sao đó để dồng hành hơn với bệnh nhân để bệnh nhân có được quả ngọt như vậy thôi"- Bác sỹ Khải nói.

Ôm con trong tay, chị Nông Thị Thu vẫn không dám tin mầm hạnh phúc đã thực sự đến với gia đình chị

Ôm con trong tay, chị Nông Thị Thu vẫn không dám tin mầm hạnh phúc đã thực sự đến với gia đình chị

“Ươm mầm hạnh phúc” là chương trình làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của hệ thống IVFMD dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được. Chương trình được khởi xướng từ năm 2014 và đã đồng hành với gần 600 cặp vợ chồng mong con có hoàn cảnh khó khăn. Chính thức góp mặt trong Chương trình từ năm 2023, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôm Ma Thuột đã hỗ trợ thành công 6 cặp vợ chồng, trong đó 3 ca đã đón em bé khỏe mạnh chào đời. Tổng chi phí hỗ trợ trong Chương trình hơn 1,1 tỷ đồng.

Bác sỹ Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cũng đang nhận hồ sơ cho Chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” năm 2024. Năm nay, Bệnh viện sẽ hỗ trợ 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn tại Tây Nguyên: “Chương trình này mang lại ý nghĩa nhân vân và phù hợp với định hướng hoạt động của Bệnh viện cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và cố gắng làm sao cho thật tốt để người dân của mình được hưởng lợi từ thành quả của khoa học công nghệ cũng như sự hỗ trợ tài chính”.

Các gói hỗ trợ thiết thực từ Chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” của Bệnh viện Đai học Y Dược Buôn Ma Thuột đã hiện thực hóa ước mơ về một gia đình hạnh phúc trọn vẹn của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn tại Tây Nguyên. Góp phần truyền thêm niềm tin, động lực đến các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con của mình.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mam-hanh-phuc-cua-cac-cap-vo-chong-hiem-muon-tai-tay-nguyen-post1128966.vov