Mầm non đến THCS do cấp xã quản lý giúp giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực nếu biết tận dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, việc này cũng gây ra không ít băn khoăn liệu khi sở giáo dục và đào tạo kiêm nhiệm thêm hoạt động chuyên môn của phòng có gây quá tải, chồng chéo? Theo ý kiến của lãnh đạo một số trường phổ thông, nếu ứng dụng được công nghệ thông tin, chuyển đổi số có thể tiết kiệm được thời gian, nhân lực và bỏ khâu trung gian là phòng giáo dục và đào tạo là cần thiết.
Giảm khâu trung gian, tiết kiệm thời gian xử lý thủ tục hành chính
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Chí Bắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đánh giá, việc chuyển giao chức năng quản lý hành chính đối với các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở từ cấp huyện về cấp xã, đồng thời giao sở giáo dục và đào tạo phụ trách các hoạt động chuyên môn, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn là bước chuyển biến tích cực, phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Về mặt quản lý hành chính, khi ủy ban nhân dân xã trực tiếp phụ trách sẽ nắm bắt rõ hơn thực trạng của các trường trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với thực tế nhà trường. Những vấn đề chưa hợp lý hay khó khăn, vướng mắc sẽ được điều chỉnh kịp thời hoặc báo cáo lên cấp sở. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục tại địa phương diễn ra nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính như báo cáo cuối năm, điều động hoặc luân chuyển giáo viên… hiện nay vẫn phải thông qua phòng giáo dục và đào tạo. Điều này khiến quy trình xử lý bị kéo dài, phát sinh nhiều thủ tục trung gian.
Vì thế, khi sở giáo dục và đào tạo giữ vai trò là đầu mối chỉ đạo chuyên môn, cơ quan này sẽ có cái nhìn tổng thể về toàn bộ nhu cầu nhân sự, tình hình triển khai nhiệm vụ chuyên môn trên phạm vi toàn tỉnh. Nhờ vậy, việc phân bổ, điều động giáo viên cũng như triển khai các chỉ đạo chuyên môn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Cách làm này không chỉ giúp tinh gọn quy trình quản lý mà còn tăng tính nhất quán, rõ ràng trong điều hành hệ thống giáo dục.
Mặt khác, hiện nay mọi hoạt động trong giáo dục đều hướng đến thực hiện trên môi trường số. Ví dụ, các thống kê, báo cáo có thể được gửi trực tiếp đến đơn vị ra quyết định qua hệ thống điện tử mà không cần đến nộp trực tiếp hay qua cấp trung gian. Vì vậy, việc rút gọn bộ máy và các khâu trung gian trong quản lý là cần thiết và phù hợp trong xu thế chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả trong các hoạt động giáo dục.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên trong buổi lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập huyện Tiền Hải. Ảnh: website nhà trường.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đông Cương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nhận định, việc bỏ cấp huyện trong quản lý giáo dục, cụ thể là giải thể các phòng giáo dục và đào tạo là bước đột phá mà đội ngũ giáo viên của nhà trường rất ủng hộ.
Khi các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được giao cho ủy ban nhân dân xã quản lý hành chính, nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong việc trao đổi, phối hợp công tác hành chính với chính quyền địa phương.
Chẳng hạn, khi cấp xã trực tiếp quản lý, việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, sửa chữa hay thay thế trang bị thiết bị dạy học của nhà trường sẽ có sự chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời hơn từ địa phương. Các chính sách, chế độ dành cho đội ngũ nhà giáo cũng được triển khai sát sao hơn nhờ sự quản lý trực tiếp từ cấp xã.
Trước đây, việc luân chuyển, điều động và bổ nhiệm nhà giáo do ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện với sự tham mưu của phòng giáo dục và đào tạo. Khi thực hiện chính quyền hai cấp, công tác này được chuyển giao cho sở giáo dục và đào tạo là hoàn toàn hợp lý. Bởi, sở là đơn vị nắm rõ tình hình nguồn lực tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, từ đó có thể đưa ra quyết định điều động, luân chuyển giáo viên phù hợp với năng lực, điều kiện từng xã, huyện, đảm bảo cân đối và hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Phạm Kiều Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, việc quản lý hành chính các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được giao cho ủy ban nhân dân cấp xã là điều tất yếu.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của ủy ban nhân dân xã sẽ được điều chỉnh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được ban hành trong thời gian tới. Trong dự thảo luật này có quy định riêng về quyền hạn, nhiệm vụ của bộ phận chuyên trách về giáo dục và y tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, trước đây, phòng giáo dục và đào tạo quản lý số lượng lớn các đơn vị trường học, trong khi khoảng cách giữa trung tâm huyện và các xã khá xa. Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát, dù các phòng vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.
Vì vậy, khi giao quyền quản lý hành chính về cấp xã, phạm vi địa bàn hẹp hơn, việc theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các trường sẽ thuận lợi và kịp thời hơn.
Mặt khác, trước đây, nhiều thủ tục trong ngành giáo dục cần sự phối hợp giữa ủy ban nhân dân xã và phòng giáo dục và đào tạo, gây mất thời gian do quy trình xác nhận chồng chéo. Chẳng hạn, đối với các chế độ, chính sách dành cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số cần sự xác nhận từ chính quyền địa phương, sau đó chuyển lên phòng giáo dục và đào tạo, rồi mới tiếp tục trình lên cấp tỉnh để phê duyệt.
Khi được phân cấp quản lý hành chính về cấp xã, các thủ tục này có thể được xác nhận trực tiếp tại xã, sau đó trình lên cấp trên hoặc được xã phê duyệt trong phạm vi thẩm quyền, từ đó rút ngắn quy trình và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách cho học sinh.

Thầy Phạm Kiều Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc. Ảnh: website nhà trường
Cùng bàn về vấn đề này, hiệu trưởng một trường mầm non tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho hay, việc ủy ban nhân dân xã đảm nhận công tác hành chính là hợp lý. Trước đây, phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý thủ tục chuyên môn đối với các trường mầm non. Khi cấp huyện phải quản lý nhiều trường trên các xã, điều này đôi khi khiến công tác quản lý chưa sát sao, thiếu linh hoạt và chưa nắm bắt hết nhu cầu riêng của từng trường.
Chẳng hạn, một số năm học trước, trường thiếu chỉ tiêu tuyển sinh do chỉ tiêu được giao chung cho toàn huyện rồi chia về các xã chưa sát với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như nhà trường. Vì vậy, khi ủy ban nhân dân xã phụ trách hành chính, địa bàn sẽ có cái nhìn sâu sát và hiểu rõ hơn tình hình thực tế tại các trường, từ đó có thể phản ánh và phân bổ chỉ tiêu một cách hợp lý và chính xác hơn.
Ngoài ra, mỗi xã sẽ chỉ quản lý một số trường, trong khi huyện phải quản lý nhiều trường hơn, nên công tác quản lý hành chính ở cấp xã sẽ thuận tiện hơn.
Mặt khác, việc sở giáo dục và đào tạo trực tiếp quản lý chuyên môn sẽ giúp công tác chỉ đạo được triển khai nhanh chóng, nhà trường cũng dễ dàng nắm bắt và thực hiện. Tuy nhiên, do phạm vi quản lý rộng, số lượng trường nhiều, khối lượng công việc của sở sẽ tăng lên đáng kể. Dù vậy, nếu bố trí nhân sự hợp lý, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, thì áp lực sẽ được giảm bớt, hiệu quả vẫn có thể được đảm bảo.
Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp xã, ứng dụng chuyển đổi số
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Xuyên cho rằng, việc thay đổi về mô hình quản lý là rất tích cực, song, đây cũng là một thách thức cho sở giáo dục và đào tạo cũng như ủy ban nhân dân xã. Bởi trước đây, phòng giáo dục và đào tạo đảm nhận vai trò quản lý các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Khi mô hình mới được áp dụng, chức năng quản lý hành chính được giao cho ủy ban nhân dân xã. Trong khi sở giáo dục và đào tạo trước đây chỉ quản lý chuyên môn bậc trung học phổ thông sắp tới sẽ phải phụ trách thêm công tác chuyên môn từ mầm non đến trung học cơ sở.
Như vậy, khối lượng công việc của cả 2 đơn vị đều tăng lên đáng kể, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hệ thống vận hành cũng như cơ chế phối hợp rõ ràng, hiệu quả.
Về nguồn nhân lực, khi phân cấp quản lý chuyên môn về sở giáo dục và đào tạo, mỗi cán bộ sẽ phụ nhiều việc hơn, có thể là một địa bàn cụ thể. Đồng thời, sở có thể bổ sung thêm nhân sự phù hợp để đảm bảo hiệu quả công việc.
Song, hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thống kê điện tử, khối lượng công việc có thể được xử lý hiệu quả hơn. Một cán bộ làm việc hiệu quả có thể đảm nhiệm khối lượng công việc tương đương nhiều người trước đây, góp phần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quản lý.
Đối với đội ngũ cán bộ cấp xã cũng cần được tập huấn để nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực giáo dục. Về số lượng nhân lực không cần quá đông, quan trọng là đảm bảo chất lượng, có đủ năng lực về cả kiến thức và công nghệ để đáp ứng yêu cầu công việc và vận hành bộ máy hiệu quả.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng bày tỏ, khối lượng công việc về quản lý chuyên môn và các nhiệm vụ khác của sở giáo dục và đào tạo trước đây vốn đã khá nhiều. Hiện nay, khi chuẩn bị thực hiện sáp nhập các tỉnh và chuyển toàn bộ các bậc học từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở về cho sở quản lý chuyên môn thì áp lực công việc chắc chắn sẽ tăng lên, trở nên nặng nề và vất vả hơn. Do đó, việc bổ sung nhân lực cho sở để đảm đương tốt khối lượng công việc mới là điều hết sức cần thiết.
Thầy Nguyễn Đông Cương nhấn mạnh, công tác tổ chức và vận hành tại một đơn vị trường học không thể chỉ đơn thuần là việc dồn ghép mang tính cơ học. Với các cấp học như mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, việc sáp nhập hay thay đổi bộ máy cần phải được tính toán kỹ lưỡng và ổn định lâu dài để đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên yên tâm công tác. Nguyện vọng của các thầy cô giáo là mô hình quản lý phải mang tính ổn định bền vững chứ không chỉ là tạm thời.
Bên cạnh đó, ở cấp xã bên cạnh việc quản lý hành chính cần bố trí nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục. Khi có người am hiểu về giáo dục phụ trách, việc giải quyết các công việc liên quan sẽ hợp lý, sát thực tế và hiệu quả hơn.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: website nhà trường
Về phía Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Lạc cho biết: “Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một sự thay đổi lớn, mang tính cách mạng trong giáo dục, nên khó tránh khỏi những điểm chưa thật sự trơn tru trong giai đoạn đầu thực hiện. Việc chuyển đổi nào cũng cần có thời gian để thích nghi. Theo tôi, có thể sẽ mất 1-2 năm thì bộ máy mới có thể đi vào ổn định và vận hành trật tự.
Giai đoạn đầu sẽ có những bỡ ngỡ, lúng túng nhất định, nhưng nếu có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai, tôi tin rằng bộ máy mới có thể duy trì ổn định và vận hành hiệu quả”.
Theo thầy Phạm Kiều Hưng, để đảm bảo sự thông suốt, thuận lợi và an tâm cho các lực lượng tham gia, cần giữ nguyên các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên trong giai đoạn chuyển tiếp nhiệm vụ giữa phòng giáo dục và đào tạo với ủy ban nhân dân xã và sở giáo dục và đào tạo. Sau khi ổn định, các điều chỉnh có thể thực hiện dần dần để phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, trong giai đoạn sáp nhập tỉnh cũng như bỏ cấp huyện hiện tại, sẽ có những vấn đề phát sinh, đặc biệt là sự rối loạn trong công tác tổ chức. Chính vì vậy, giáo viên cần bình tĩnh theo dõi và lắng nghe chỉ đạo của các cấp quản lý.
Cùng với đó, ủy ban nhân dân xã cần bố trí nhân sự hợp lý để xử lý tất cả các vấn đề phát sinh tại những đơn vị trường, từ thủ tục hành chính cho đến các công việc liên quan đến học sinh và đội ngũ giáo viên, đảm bảo mọi công việc được thực hiện thông suốt và nhanh chóng.